Hệ thống Ngân hàng Hà Tĩnh sát cánh cùng ngư dân

(Baohatinh.vn) - Cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi tiền vay, đồng thời đẩy mạnh cho vay mới là những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh đã vào cuộc chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện cho bà con ngư dân khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất… sau sự cố môi trường biển

he thong ngan hang ha tinh sat canh cung ngu dan

Lãnh đạo Agribank Hà Tĩnh trao đổi với ngư dân Trần Hải (thôn Bắc Hà, Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) - người được miễn lãi 1 tháng và chậm thu lãi 3 tháng đối với khoản dư nợ còn lại

Theo điều tra từ ngành ngân hàng, đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh có 1.714 khách hàng với 226.308 triệu đồng có dự nợ cho vay kinh doanh, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp sau từ sự cố môi trường biển. Các ngân hàng đã nhanh chóng hướng dẫn khách hàng các thủ tục liên quan đến chính sách hỗ trợ của ngân hàng.

Đến thời điểm này đã có 7/9 ngân hàng có dư nợ thực hiện hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do sự cố môi trường biển, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Đầu tư & Phát triển, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh, Ngân hàng Ngoại Thương Bắc Hà Tĩnh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu và Ngân hàng Chính sách - xã hội. Tổng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 56.173 triệu đồng, 1.001 triệu đồng được miễn giảm lãi và 33.315 triệu đồng cho vay mới.

Ông Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng chủ động vào cuộc, xác định thiệt hại từ nguồn vốn vay ngân hàng. Từ đó, cùng đồng hành với khách hàng có dư nợ cũ bằng việc miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... Nhất là, tích cực xem xét cho vay mới ở vùng bị thiệt hại hoặc ngành nghề liên quan đến thủy, hải sản. Cùng với đó, tham mưu với UBND tỉnh các chính sách liên quan đến hỗ trợ lãi suất; thực hiện chính sách an sinh xã hội”.

Trong số các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ này thì Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Chi nhánh Hà Tĩnh (Agribank Hà Tĩnh) là một trong những đơn vị “tiên phong”. Miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng bị thiệt hại trực tiếp, Chi nhánh này còn miễn 1 tháng lãi tiền vay và chậm thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay đối với những khách hàng thiệt hại gián tiếp và ưu tiên vốn, lãi suất đối với khách hàng có phương án sản xuất - kinh doanh mới.

Chốt dư nợ đến giữa tháng 6, Agribank Hà Tĩnh cơ cấu lại cho 19 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu lại là 14.958 triệu đồng; miễn giảm lãi cho 364 khách hàng với số tiền lãi được miễn giảm là 677 triệu đồng; cho vay mới 25 khách hàng với doanh số cho vay là 2.355 triệu đồng.

he thong ngan hang ha tinh sat canh cung ngu dan

Agribank Hà Tĩnh hỗ trợ gạo cho ngư dân thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh

Ông Trần Hải, thôn Bắc Hà, Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) cho biết: “Để phát triển nghề, cách đây mấy năm tôi đã cải hoán tàu bé để đầu tư tàu 600 CV như bây giờ. Đang lo lắng vì tiền nợ ngân hàng chưa trả hết trong khi sự cố môi trường biển làm thiệt hại về sản lượng và kinh tế lớn thì được cán bộ ngân hàng hướng dẫn các thủ tục hỗ trợ. Gia đình tôi còn dự nợ 100 triệu tại ngân hàng Nông nghiệp, được ngân hàng miễn lãi 1 tháng và chậm thu lãi 3 tháng”.

Ngân hàng Chính sách xã hội với vai trò đặc thù của mình đã vận dụng nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Hiện tại, ngân hàng này đang giành vị trí “đầu bảng” với 171 khách hàng, 4.560 triệu đồng dư nợ và đạt doanh số lũy kế cho vay mới là 29.035 triệu đồng. Trong khi đó, sự “bứt phá” của Ngân hàng Thương mại CP Á Châu, Chi nhánh Hà Tĩnh (ACB) đã “ghi dấu” cho nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Ông Phan Hồng Nhật, Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Hiện nay, bên cạnh tham gia các dự án lớn, Chi nhánh đang đẩy mạnh tăng dự nợ đối với làng nghề, nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó có cho vay thu mua, buôn bán thủy hải sản. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Chi nhánh đã cho vay mới thêm 2 khách hàng với dư nợ mới là 500 triệu đồng”.

Nhờ sự hỗ trợ của ngân hàng mà quầy hàng đặc sản biển của chị Nguyễn Thị Hương (Xuân Nghĩa, Thạch Bằng, Lộc Hà) không bị gián đoạn kinh doanh. “Tôi vẫn chưa nghỉ bán ngày nào mặc dù thị trường vẫn rất khó khăn. Sau khi biển xảy ra “chuyện lớn”, ngân hàng ACB đã giúp tôi tiếp cận vay 300 triệu đồng để thu mua hải sản an toàn, tiếp tục giữ nghề suốt 25 năm nay”- chị Hương xúc động.

Đối tượng khách hàng bị thiệt hại chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác. Trách nhiệm của cán bộ ngân hàng càng nhân lên vất vả khi phải điều tra, xác định thiệt hại, rồi hướng dẫn từng khách hàng hoàn tất thủ tục, hồ sơ hỗ trợ. Trong những lần theo chân đến với ngư dân, những câu chuyên đan xen luôn làm chúng tôi cảm động. Không ít cán bộ tín dụng phải “ăn cùng dân, ngủ cùng dân”, chiếc xe máy “cà tàng” đi đến hết hàng trăm hộ dân đến quen thuộc từng ngóc ngách, ngõ hẻm. Chúng tôi hiểu vượt lên trách nhiệm một nhà băng, trong khó khăn tình người luôn sáng.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast