Thịt bò - cung dồi dào, giá vẫn tăng

(Baohatinh.vn) - Sau thịt lợn, thịt bò là thực phẩm thiết yếu của mỗi gia đình khi tết đến. Mặc dù nguồn cung khá dồi dào và thời điểm đón tết cổ truyền vẫn chưa đến nhưng giá mặt hàng này đã có dấu hiệu “nhích” nhẹ trong thời gian gần đây...

Nguồn cung dồi dào…

Thịt bò - cung dồi dào, giá vẫn tăng ảnh 1
Thịt bò - cung dồi dào, giá vẫn tăng

Là một trong những người đầu tiên nuôi bò vỗ béo ở xã nhưng có lẽ chưa bao giờ ông Bùi Văn Ngụ (thôn 4, xã Bình Lộc, Lộc Hà) lại thấy phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển nhanh như bây giờ. Ngay như ở cùng thôn với ông, có cả chục hộ nuôi bò để bán, nhà ít thì vài ba con, nhà nhiều trên 10-15 con. Ông Ngụ cho biết: “Đây vẫn chưa phải là thời gian bán ra cao điểm nhất. Cả năm chăn nuôi, tâm lý ai cũng muốn chờ dịp tết để được giá hơn. Trong chuồng nhà tôi có 10 con, chắc khoảng 2-3 tuần nữa mới bán để lấy tiền trang trải và quay vòng vào năm sau”. Nói rồi, ông chỉ vào con bò giống lai Thái Lan đã nuôi 1 năm nay, mặc dù đã đến kỳ xuất chuồng nhưng ông vẫn cố “nhín” chờ tết. Ông nhẩm tính, con bò này nếu gặp khách có thể bán được 70 triệu đồng.

Cùng với chợ Nhe (Vĩnh Lộc - Can Lộc) thì chợ Huyện (Bình Lộc) là một trong 2 trung tâm của tỉnh về buôn bán gia súc. Mỗi năm, tổng đàn bò của xã cố định 900 con và đàn bò xoay vòng lên đến 400-500 con. Ông Lê Trọng Ấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tổng đàn bò tăng gấp 2-3 lần so với những năm trước. Thay vì nuôi dài hạn, bây giờ, bà con thường nuôi bằng hình thức “vỗ béo” theo thời vụ, cứ vài tháng xuất chuồng một lứa, thu lãi 1-3 triệu đồng/con. Hiện toàn xã có gần 50 hộ nuôi bò nhốt, quy mô 3-6 con, có 5-6 hộ nuôi 10 con trở lên”.

Hôm chúng tôi đến, chuồng trại nhà nào nhà nấy “hàng” vẫn đầy ắp… chờ tết. Thực tế này âu cũng là tất yếu và diễn ra khá phổ biến ở các địa phương khác như Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ…

Giá bắt đầu “nhích”

Ông Lê Xuân Hộ - thương lái dày dạn kinh nghiệm về buôn bán gia súc cho biết: “Hiện giá bò thịt là 215 nghìn đồng/kg, so với năm ngoái, giá bò nhập giảm 3 - 4 giá (250 nghìn đồng/kg). Một phần do nguồn cung nhiều nên giá giảm hơn, phần khác, người tiêu dùng đã bỏ thói quen dự trữ thực phẩm ngày tết nên càng về tết, hàng càng khó xuất. Trong khi đó, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, mỗi ngày đêm, nhu cầu chỉ cần từ 10-15 con bò, còn các địa phương khác chỉ 5-7 con là cùng. Hàng của chúng tôi chủ yếu xuất ra Hà Nội, Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc”. Phải nói thêm rằng, đối với bò thịt, giá chỉ tính cho 4 chiếc đùi, sau cân xong, giá này sẽ được áp giá chung cho toàn bộ con bò vừa được mổ thịt. Thế nên, mặc dù giá đầu nguồn giảm nhưng khi sản phẩm ra đến chợ thì tình hình ngược lại, càng gần tết, giá càng “nhích” dần. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giá thịt bò thăn tại chợ 220.000 đồng/kg; thịt sườn dao động từ 170.000-200.000 đồng/kg; bò bắp 250.000 đồng/kg… So với hồi đầu năm, giá tăng 10-15%, theo người tiêu dùng, giá này chỉ mới tăng cách đây gần 1 tháng. Theo lý giải của một số tiểu thương tại chợ Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) thì giá tăng là do người chăn nuôi “găm” hàng. Trong khi đó, giá thịt bò ở Siêu thị Coop.mart vẫn ổn định. Được biết, sắp tới, hệ thống tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá, phục vụ khách hàng. Có điều, chen lấn để có 1 kg thịt bò giá bình ổn vào những ngày cao điểm cuối năm cũng không phải là điều đơn giản!

Người chăn nuôi muốn chờ sát tết mới xuất chuồng để “được” giá hơn.
Người chăn nuôi muốn chờ sát tết mới xuất chuồng để “được” giá hơn.

Việc tăng giá kiểu “té nước theo mưa” gần như là một kịch bản… đến hẹn lại lên của các loại mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ tết. Trong cơ man ấy, người tiêu dùng, hoặc có chiến lược đặt hàng sớm các loại thực phẩm cần thiết, tránh bị ép giá cuối năm hoặc chọn chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Chị Nguyễn Thị Hằng (đường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Năm ngoái, giá ngày thường 170.000-180.000 đồng/kg, giáp tết lên đến 250.000-270.000 đồng/kg. Mới qua tết dương lịch mà giá đã “ngất ngưỡng” thế này rồi, đến cận tết, giá còn tăng theo ngày thì không biết sẽ lên thế nào nữa. Năm nay, gia đình tôi sẽ giảm thịt bò và thay thế bằng thực phẩm khác”.

Xăng tăng, gas tăng và tết đến, có hàng vạn lý do để giá các hàng hóa phục vụ tết tiếp tục “nhảy múa”. Vấn đề, nguồn tiền này chắc gì đã chảy về túi người sản xuất, hay chỉ là tạo cơ hội cho nhóm lợi ích trung gian trục lợi?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast