Những người hùng thầm lặng trong cuộc chiến chống IS tại Iraq

Không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng vai trò của những “người đưa tin” cũng không kém phần quan trọng trong cuộc chiến chống IS tại Iraq.

Thông tin phải trả bằng mạng sống

Reuters dẫn lời một “người đưa tin” cho biết anh ta phải giấu sim điện thoại của mình trong một cái máy lọc nước để tránh con mắt soi mói của IS. Trong khi đó, một người khác lại giấu trong một bao gạo và chỉ lấy ra gọi cho những sĩ quan tình báo người Iraq từ một căn hầm nằm sâu dưới đất.

nhung nguoi hung tham lang trong cuoc chien chong is tai iraq

Nhờ có lực lượng "người đưa tin" hùng hậu, các cuộc tấn công của quân đội Iraq đạt được hiệu quả cao. Ảnh: Reuters

Hai người này nằm trong số hàng trăm “người đưa tin” là những dân thường Iraq, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về vị trí của phiến quân IS trong suốt thời gian diễn ra các cuộc giao tranh.

Những “người đưa tin” này có thể là tài xế taxi hoặc thậm chí là những người chạy trốn khỏi hàng ngũ IS. Các quan chức quân đội Iraq khẳng định, nếu không có sự trợ giúp của họ, cuộc chiến chống IS có thể kéo dài hơn rất nhiều.

Anh Alaa Abdullah, một “người đưa tin” 30 tuổi sống tại Mosul từng quyết ở lại thành phố này sau khi Mosul bị IS chiếm đóng vào năm 2014 chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng sống trong tâm trạng sợ hãi, bởi bạn sẽ phải trả giá bằng máu hoặc thậm chí bằng cả mạng sống của mình nếu bị chúng phát hiện.

Mẹ tôi thường nói với tôi rằng vẫn còn trẻ nhưng tôi nói với bà ấy rằng, mỗi khi tôi nhìn thấy một phiến quân IS, tôi lại có thêm một sợi tóc bạc. Cả đầu tôi giờ đã bạc rồi. Tôi căm ghét chúng nhưng cũng rất sợ chúng”.

Khi các tướng lĩnh Iraq và cố vấn quân sự Mỹ chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào các mục tiêu IS, giới tình báo Iraq đã thiết lập được một mạng lưới những “người đưa tin” là các thường dân.

Họ có nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các tộc người Hồi giáo khác và luồn sâu vào trong mạng lưới tình báo của thủ lĩnh IS al-Baghdadi. Những “người đưa tin” này đã giúp quân đội Iraq rất nhiều trong việc chiếm lại Fallujah và sau này là Mosul từ tay IS.

Ông Lahur Talabany, một quan chức cao cấp phụ trách chống khủng bố của lực lượng người Kurd ở Iraq, cho biết: “Chúng tôi đã hết sức nỗ lực để xuyên phá hàng rào thông tin của IS và thiết lập những mối quan hệ có ích cho chúng tôi để phục vụ cho các chiến dịch quân sự và đã đạt được những thành công đáng kể”.

Xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau

Cũng theo ông Talabany, nhiều dân thường Iraq quyết định trở thành “người đưa tin” bởi “họ thực sự tin vào thắng lợi của cuộc chiến chống IS”. Chỉ có rất ít người “động lòng” bởi số tiền công mà họ nhận được. Ngoài ra, một số phiến quân IS cũng quyết định bỏ trốn về làm “người đưa tin” bởi họ tin rằng ngày tàn của IS là “không thể tránh khỏi”.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp có người muốn trở thành “người đưa tin” chỉ để “trả mối nợ máu” với IS. Anh Mahmoud, một người lái xe taxi, là một trong số họ. Anh chia sẻ rằng IS đã bỏ tù và giết hại anh trai và một người anh họ của anh vào tháng 7/2014 vì chúng phát hiện ra họ cung cấp thông tin cho quân đội Iraq về “nhất cử nhất động” của chúng”.

Anh Mahmoud cho biết, anh nghe lén các cuộc trao đổi của phiến quân IS trên xe taxi và sau đó gọi điện cho một quan chức tình báo Iraq để báo cáo thông tin từ căn hầm trong nhà của mình. Anh cung cấp cho vị quan chức này vị trí những tòa nhà bị IS chiếm, những chiếc xe đã được chúng cài bom và những nhà máy chế tạo chất nổ của chúng.

Trong khi đó, anh Alaa Abdullah cho biết, kể từ khi trở thành “người đưa tin” vào năm 2014, anh hiếm khi ngủ một chỗ 2 lần. Anh giấu kín chiếc điện thoại di động của mình trong một chiếc máy lọc nước. Anh trai của Abdullah cũng là một tài xế taxi và có nhiệm vụ cung cấp cho em trai mình những gì anh ta nghe lén được từ IS.

Anh Jassim, một “người đưa tin” khác cho biết, nhóm của anh chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về hướng di chuyển, biển số xe và vị trí gặp nhau của phiến quân IS. Nhờ thông tin của họ, các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu đã đạt được độ chính xác rất cao.

“Một trong những thành công của những “người đưa tin” là reo rắc không khí nghi kị giữa chính các phiến quân IS”, anh Jassim, người bị mất tới 27 người thân do bị IS sát hại chia sẻ: “IS giỏi gây thù chuốc oán hơn là đánh chiếm đất đai”.

Tuy vậy, cái giá phải trả cho sai sót lộ diện của họ cũng thật thảm khốc. Khi IS phát hiện ra Ibrahim và Idrees Nasir dùng điện thoại liên lạc với các nhân viên tình báo Iraq, chúng đã nã đạn vào đầu 2 người này.

Chưa thỏa mãn, chúng treo cả 2 lên một cột điện thoại nằm trên một con phố trung tâm trong suốt 10 ngày trời. Chúng dán lên ngực họ một tờ giấy có dòng chữ: “Hai tên này là những kẻ phản bội. Chúng mày sẽ phải chịu số phận tương tự nếu dám hợp tác với lũ an ninh Iraq khốn kiếp”.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast