Trung Quốc “vật lộn” chế tạo động cơ hiện đại cho các chiến đấu cơ

Trung Quốc đã chế tạo được động cơ cho chiến đấu cơ từ 30 năm trước nhưng loại động cơ này chưa thể sánh được với loại tương tự của phương Tây.

Theo Reuters, nhận định trên được các chuyên gia nước ngoài và cả Trung Quốc đưa ra.

Trung Quốc “vật lộn” chế tạo động cơ hiện đại cho các chiến đấu cơ ảnh 1

Khách tham quan Triển lãm Hàng không Trung Quốc 2015 chiêm ngưỡng chiếc máy bay chiến đấu tàng hình J-31 của nước này. Ảnh Reuters

Vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề

Chuyên gia hàng đầu về không quân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London Douglas Barrie cho biết, công nghệ động cơ của Trung Quốc chưa thể bằng những gì mà các tập đoàn của phương Tây như Pratt & Whitney, General Electric và Rolls-Royce chế tạo.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng thừa nhận “có một khoảng cách rõ rệt” giữa công nghệ quân sự của Trung Quốc với một số nước có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh cho các lực lượng quân đội của mình.

Việc phương Tây cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, đặc biệt là các loại động cơ để phục vụ mục đích quân sự đã khiến Trung Quốc phải dựa vào các loại động cơ sản xuất trong nước hoặc những loại động cơ mà Nga đồng ý bán cho Trung Quốc.

“Các loại động cơ do Trung Quốc chế tạo có quá nhiều vấn đề”, ông Michael Raska, Phó Giáo sư tại Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết.

Một trong những vấn đề này là các máy bay chiến đấu tàng hình như J-20 và J-31 không thể bay với tốc độ siêu thanh nếu không sử dụng buồng đốt phụ. Trong khi đó, các chiến đấu cơ đối thủ như F-22 và F-35 do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo có thể dễ dàng làm điều này mà không cần phải sử dụng buồng đốt phụ.

Việc sử dụng buồng đốt phụ để đẩy máy bay J-20 và J-31 lên tốc độ siêu thanh (dù chỉ trong một thời gian ngắn) đồng nghĩa với việc các chiến đấu cơ J-20 và J-31 phải từ bỏ khả năng tàng hình của mình và lộ diện “rõ mồn một” trên màn hình radar của địch.

Điều này là bởi, khí phát ra từ buồng đốt phụ vừa dễ bị radar bắt tín hiệu vừa tạo ra các dấu hiệu rõ ràng trên các thiết bị cảm biến hồng ngoại của đối phương.

Ngoài ra, các chuyên gia phương Tây cho biết, ngay cả loại động cơ được cho là tốt nhất của Trung Quốc cũng không mấy đáng tin cậy.

Trung Quốc “vật lộn” chế tạo động cơ hiện đại cho các chiến đấu cơ ảnh 2

Một chiếc J-31 chuẩn bị cất cánh tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế lần thứ 10 tại Trung Quốc vào năm 2014. Ảnh Reuters

Bất lợi khi đối đầu với Mỹ và đồng minh

Một chuyên gia Trung Quốc thừa nhận, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không thể hoạt động tốt như các chiến đấu cơ của Mỹ do công nghệ động cơ của Trung Quốc đã lỗi thời.

Điều này sẽ khiến chiến đấu cơ Trung Quốc gặp bất lợi khi phải đối đầu với đối thủ đến từ Mỹ hoặc Nhật Bản trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.

Các chuyên gia an ninh nhận định, trong vài năm tới, các chiến đấu cơ của Trung Quốc và Mỹ sẽ nhiều lần “đụng mặt” nhau trên Biển Đông sau khi Trung Quốc hồi đầu tháng 1 tiến hành bay thử tại một trong 3 đường băng mà nước này xây dựng trái phép trên các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để “bù đắp” cho bất lợi này, Trung Quốc sẽ chơi chiến thuật “lấy ít địch nhiều” và sử dụng tên lửa phóng từ tàu chiến hoặc trên mặt đất để tiêu diệt máy bay địch nếu xảy ra đối đầu.

Mặc dù vậy, trong vài năm tới, Trung Quốc vẫn đặt ưu tiên hàng đầu là phát triển công nghệ động cơ cho các chiến đấu cơ của mình.

Tập đoàn Galleon có trụ sở tại Thượng Hải hiện đang phụ trách việc tư vấn cho các tập đoàn quốc phòng của Trung Quốc ước tính, trong khoảng 20 năm tới, Trung Quốc sẽ chi khoảng 300 tỷ USD cho các chương trình phát triển động cơ máy bay quân sự và dân sự.

Một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã thuê một vài kỹ sư và cựu phi công nước ngoài để tham gia vào chương trình phát triển động cơ máy bay này.

“Trong khoảng 20-30 năm tới, dựa vào những gì mà họ đã làm được và những nỗ lực hiện nay, chắc chắn Trung Quốc sẽ sở hữu các động cơ máy bay quân sự đáng gờm”, ông Greg Waldron, người phụ trách biên tập mảng châu Á của tạp chí Flightglobal nhận định.

Trung Quốc “vật lộn” chế tạo động cơ hiện đại cho các chiến đấu cơ ảnh 3

Hình ảnh chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc suýt va chạm với máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ trên Biển Đông hồi năm 2014. Ảnh Reuters

Quá trình phát triển chậm chạp

Những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên mà Trung Quốc sản xuất là nhờ phía Nga cấp phép từ những năm 50 của thế kỷ trước và phải mất gần 3 thập kỷ sau, Trung Quốc mới tự chế được các chiến đấu cơ của mình.

Động cơ máy bay chiến đấu tốt nhất hiện nay của Trung Quốc là WS-10A Taihang do Viện Nghiên cứu Động cơ Máy bay Shenyang thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC)- tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực này của Trung Quốc sản xuất.

Được phát triển từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hơn 250 động cơ WS-10A Taihang đã được lắp vào các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 là J-10 và J-11 của Trung Quốc. Mặc dù vậy, động cơ này được cho là không cung cấp đủ sức mạnh cho các loại máy bay chiến đấu nói trên và thường xuyên phải sửa chữa.

“Họ đang cố cải thiện động cơ WS-10A Taihang nhưng độ tin cậy của động cơ này vẫn là vấn đề rất lớn”, một chuyên gia cho biết.

Hồi tháng 10/2015, truyền thông Trung Quốc đưa tin, 3 hãng chế tạo động cơ thuộc AVIC đã được sáp nhập làm một và trong những năm tới, sẽ có nhiều hãng chế tạo động cơ khác được sáp nhập thêm. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại động cơ máy bay.

Hiện tại, Trung Quốc đang phải lắp thêm các động cơ do Nga sản xuất vào các chiến đấu cơ của nước này.

Hồi tháng 11/2015, Trung Quốc đã tiến hành trao đổi với Tập đoàn United Engine của Nga về khả năng hợp tác để sản xuất các động cơ cho máy bay quân sự. Cũng trong thời điểm đó, Trung Quốc cũng ký thỏa thuận mua 24 siêu chiến đấu cơ tối tân Su-35 của Nga.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast