Phòng chống bệnh cảm cúm do vi-rút

(Baohatinh.vn) - Cảm cúm là một bệnh thông thường, xuất hiện nhiều vào mùa thu và mùa đông. Bệnh dễ lây truyền và nếu không biết cách tự chăm sóc có thể để lại các biến chứng nguy hiểm.

Vào thời điểm này, bệnh cảm cúm đang phát tán mạnh. Nhà nhà đều có người bị cảm cúm. Dễ dàng nhận thấy nhất là ở các quầy bán thuốc, luôn tấp nập người mua. Chị Nguyễn Thị Lan (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Ban đầu là con gái đang học mẫu giáo bị cảm. Nghe đâu trên lớp cháu cũng có nhiều bạn ốm như thế và phải nghỉ học. Cháu sốt, ho kéo dài đến 4 ngày. Con khỏi thì mẹ cảm và giờ lại đến lượt bố và em. Tuy chưa đến mức phải đi viện nhưng cũng mệt lắm, nhất là hai đứa trẻ, quấy nhiễu suốt ngày”.

Tại các quầy bán thuốc, luôn tấp nập người mua thuốc chữa cảm cúm.
Tại các quầy bán thuốc, luôn tấp nập người mua thuốc chữa cảm cúm.

Theo các bác sỹ, cảm cúm thông thường là do nhiễm vi-rút đường hô hấp trên, mũi và cổ họng. Triệu chứng là chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, xung huyết mắt, cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt ở mức độ thấp... Cảm cúm là bệnh dễ lây. Các vi-rút có thể lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi hoặc nói, hoặc lây lan bằng tay khi tiếp xúc với người bệnh. Cảm cúm cũng có thể lây lan qua việc sử dụng chung các đồ vật như dụng cụ, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại...

Cảm cúm thông thường là bệnh không thể chữa trị. Kháng sinh không sử dụng chống lại vi-rút cảm cúm. Các loại thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng. Còn bệnh sẽ tự khỏi, có thể từ 4 ngày hoặc đến hơn một tuần. Tuy nhiên, những người mắc cảm cúm cần chú ý chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và nên uống nhiều nước hoặc nước trái cây, súp, trà nóng hoặc xông hơi để mau khỏi bệnh; tránh hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với người khác và trẻ nhỏ, vì bệnh rất dễ lây lan qua không khí. Nên mặc áo ấm và có chế độ ăn uống hợp lý để cơ thể có đầy đủ năng lượng chống lại bệnh.

Cảm cúm có thể tự chữa trị. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai giữa, thở khò khè (ở trẻ em); viêm xoang và các bệnh nhiễm trùng thứ cấp (ở cả người lớn và trẻ em). Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo, đối với người lớn, sốt trên 39oC kèm theo đau và mệt mỏi, sốt kèm theo ra mồ hôi, ớn lạnh và ho khi đờm có màu, tuyến nước bọt bị sưng, đau xoang nặng; trẻ em, khi có các dấu hiệu hay triệu chứng trên, sốt kéo dài hơn 3 ngày, nôn hoặc đau bụng, buồn ngủ không bình thường, đau đầu dữ dội, khó thở, đau tai, khóc, ho dai dẳng... thì phải đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast