Xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh: Kết quả bước đầu và những khó khăn cần tháo gỡ

Sau 2 năm thực hiện thí điểm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Ban Bí thư TW tại xã Gia Phố (Hương Khê), và 6 tháng triển khai Quyết định số 90 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại 48 xã của tỉnh, đến nay, đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy vậy, để thực hiện thành công mục tiêu, lộ trình đề ra, nhiệm vụ của chúng ta còn hết sức nặng nề.

Những kết quả bước đầu

Gia Phố là một trong 11 xã trên cả nước được chọn làm thí điểm xây dựng NTM của Ban Bí thư Trung ương. Theo đó, đến hết năm 2011, 11 xã điểm này sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, từ đó đánh giá tổng kết, làm tiền đề nhân rộng cho các địa phương trên cả nước. Đến nay, sau 2 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Gia Phố đã hoàn thành 12/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí đã hoàn thành gồm: tiêu chí quy hoạch, thủy lợi, điện, bưu điện, trường học, nhà ở dân cư, thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình sản xuất bún, bánh tại gia đình ông Dương Hồng Tính - xóm 4, xã Gia Phố...

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình sản xuất bún, bánh tại gia đình ông Dương Hồng Tính - xóm 4, xã Gia Phố...

Nét nổi bật của xã Gia Phố sau 2 năm xây mô hình NTM là xã đã có hệ thống hạ tầng cơ bản đảm bảo, tạo sự thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán, phát triển sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 14 triệu đồng/năm. Đặc biệt, đã nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về NTM. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất (có trên 20.000 m2), đóng góp hàng nghìn ngày công ngày công, nguyên vật liệu xây dựng để làm đường và xây dựng các công trình hạ tầng. Đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình được đầu tư vào xã Gia Phố là 67,8 tỷ đồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp 10 tỷ, còn lại là các nguồn khác.

Ngoài xã Gia Phố là xã được Trung ương chọn làm mô hình thí điểm, ngày 7/1/2011 UBND tỉnh đã có quyết định số 90/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách 12 xã chỉ đạo điểm thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí NTM trước năm 2013 và 35 xã hoàn thành trước năm 2015. Thực hiện chủ trương đó, 12/12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã chọn 12 xã làm điểm và thành lập BCĐ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối tỉnh đến nay có 22 xã phê duyệt xong quy hoạch. Cùng với các xã được tỉnh chọn làm điểm ở trên, đến nay 173/187 xã đã tiến hành ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn; song song với công tác quy hoạch đã có 13 xã hoàn thành xây dựng đề án nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất đang trình UBND huyện phê duyệt; trong nhóm 35 xã và nhóm 187 xã có 72 xã hoàn thành dự thảo đề án xây dựng nông thôn mới. Theo kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện 19 tiêu chí NTM, trong nhóm 13 xã điểm, có 4 xã hoàn thành trên 10 tiêu chí như: Gia Phố (13), Tùng Ảnh (14), Thiên Lộc (13), Thạch Hạ (12) còn lại đang ở mức dưới 10 tiêu chí, thậm chí có xã mới đạt 3-5 tiêu chí.

Cùng với các địa phương tham gia xây dựng NTM, các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cũng đã vào cuộc quyết liệt. Các sở, ngành liên quan, với vai trò là cơ quan chuyên môn đã tích cực tư vấn cho các xã trong việc xây dựng qui hoạch NTM và đề án phát triển sản xuất. Các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị như mặt trận, hội phụ nữ, hội nông dân...là lực lượng tiên phong đi đầu trong phong trào xây dựng NTM với các phong trào thi đua và các hoạt động thiết thực.

Thu hút sự tham gia của người dân

Để làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về NTM, các cơ quan thông tấn báo chí, từ tỉnh đến huyện và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị đã tập trung nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng, nội dung thiết thực, bước đầu tạo dư luận xã hội tích cực. Cán bộ và nhân dân ở khu vực nông thôn đã có những hiểu biết bước đầu về chương trình NTM. Thông qua chương trình hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm đã khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức làm chủ của nhân dân, tạo không khí hào hứng của người dân trong tham gia xây dựng NTM. Nhiều hộ dân hiến đất làm nhà văn hóa, hiến đất làm đường, làm trường học như ở Gia Phố (Hương Khê), Thiên Lộc (Can Lộc), Sơn Bằng (Hương Sơn)...

Tiêu biểu như huyện Đức Thọ có 211 hộ hiến 24.771 m2 đất để làm đường. Nhiều nơi người dân đã tham gia đóng góp hàng trăm ngày công, hàng chục triệu đồng cho xây dựng hạ tầng khu dân cư nơi mình sinh sống. Theo thống kê của BCĐ huyện, đến nay, toàn huyện đã hiến 32.273 m2 đất, tiêu biểu là các xã: Đức Lạng (600 hộ hiến đất), Đức An (8 hộ hiến đất), Tùng Ảnh (38 hộ hiến đất)...

Ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ xây dựng NTM tỉnh, cho biết: “Phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh từ khi có Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 08 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả khá, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất đạt kết quả cao; đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng được quan tâm đúng mức. Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào Nghị quyết nông nghiệp, nông thôn, nông dân của BCH Trung ương đảng cũng như của BCH Đảng bộ tỉnh. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi thực hiện chủ trương xây dựng NTM”.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khoá 17 (nhiệm kỳ 2010-2015) đặt mục tiêu đến 2015, toàn tỉnh sẽ có trên 20% số xã (48 xã) đạt NTM. Để thực hiện được mục tiêu trên, Hà Tĩnh đã xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể. Theo đó, tỉnh đã chọn 12 xã đại diện cho 12 huyện, thị, thành phố làm điểm hoàn thành 19 tiêu chí NTM trước 2013, đồng thời chọn 35 xã chỉ đạo hoàn thành 19 tiêu chí trước năm 2015. Mặc dù các xã được lựa chọn đều có điều kiện về vị trí địa lý, hạ tầng KTXH thuận lợi hơn các xã khác trong tỉnh nhưng nhìn chung, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Gia Phố là xã điểm của trung ương nên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp từ trung ương đến địa phương, đặc biệt xã đã nhận được nhiều cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển sản xuất… nhưng tiến độ thực hiện chương trình chưa đạt yêu cầu và kết quả chưa tương xứng với sự đầu tư. Để đến hết năm 2011, Gia Phố cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trong số 12 tiêu chí đã đạt có nhiều tiêu chí chất lượng chưa cao, chưa bền vững, chỉ mang tính định lượng, như: tiêu chí quy hoạch, thủy lợi, trường học, thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa.

Trong lần đi kiểm tra gần đây tại xã Gia Phố, chúng tôi được ông trưởng xóm dẫn vào nhà văn hóa của xóm Trung Phố - nơi đã đạt tiêu chí NTM. Ông trưởng xóm cho biết, nhà văn hóa chỉ mở cửa mỗi tháng 1 lần để họp xóm, những ngày còn lại là “cửa đóng then cài”. Và điều đáng nói, trong nhà văn hóa không hề có bất kỳ 1 tờ báo hay cuốn sách nào?! Theo qui định, nhà văn hóa ngoài chức năng là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi hội họp, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì nhà văn hóa còn là nơi diễn ra hoạt động: đọc sách báo, tìm hiểu pháp luật; truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình; chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Việc huy động nội lực xây dựng hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn

Việc huy động nội lực xây dựng hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn

Ngoài Gia Phố là xã điểm của Trung ương, 12 xã điểm của tỉnh khi triển khai chương trình cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc, mặc dù các xã được lựa chọn đều có điều kiện về vị trí địa lý, hạ tầng KTXH thuận lợi hơn các xã khác trong tỉnh. Đơn cử như xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) có lợi thế của địa bàn nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố, có cảng sông và các trục giao thông huyết mạch đi qua. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM ở Thạch Hạ gặp khó khăn trong việc hiến đất để mở rộng hệ thống giao thông liên thôn theo tiêu chí mới (do nằm ven TP nên giá đất cao, đã cản trở đến quá trình vận động hiến đất mở rộng đường). Vào thời điểm hiện tại địa phương cũng đang lúng túng trong triển khai một số nội dung của đề án sản xuất, chưa có giải pháp thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp, đa dạng hóa các thành phần kinh tế.

Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) là một trong những xã khó khăn trong nhóm 12 xã điểm của tỉnh thực hiện chương trình NTM. Đến nay, xã mới đạt 6/19 tiêu chí NTM. Địa bàn Thuận Lộc thường xuyên bị ngập úng về mùa mưa và khô hạn về mùa nắng, trình độ dân trí không đồng đều, lao động được đào tạo chiếm tỷ lệ thấp (18%); tư duy về sản xuất hàng hoá, kinh tế thị trường trong đại đa số nông dân còn hạn chế, đời sống của người dân còn thấp. Vì vậy, việc huy động nội lực trong dân để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng hay tổ chức sản xuất gặp nhiều khó khăn. Mặc dù TX Hồng Lĩnh đã cho xã cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, nhưng đất ở Thuận Lộc có giá rất thấp và cũng rất khó bán.

Tổng nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh là 97 tỷ đồng; cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã trích ngân sách tỉnh 50 tỷ đồng, 30 tỷ đồng từ nguồn vay tín dụng ưu đãi để hỗ trợ Chương trình xây dựng NTM. Trước mắt bố trí cho nhóm 48 xã thực hiện một số nội dung thiết yếu: quy hoạch NTM, đầu tư phát triển (xây dựng hạ tầng), phát triển sản xuất.

Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là công tác quy hoạch NTM. Quy hoạch nông thôn mới là vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực và quy hoạch mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội nên trong quá trình triển khai các đơn vị tư vấn và kể cả cán bộ cơ sở còn lúng túng, cấp xã đang khoán trắng cho đơn vị tư vấn. Khó khăn thứ hai là vấn đề nguồn lực để xây dựng NTM. Ngoài kinh phí Nhà nước hỗ trợ thì nông dân nhiều nơi không có điều kiện để đóng góp. Khó khăn thứ ba là thay đổi nhận thức của người dân. Nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ cấp xã vẫn còn cho rằng đây là dự án do nhà nước đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Một khó khăn nữa là đội ngũ cán bộ cấp huyện đều kiêm nhiệm, cấp xã vừa yếu, vừa thiếu và năng lực hạn chế, nên khó triển khai thực hiện những nội dung của Chương trình xây dựng NTM.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, trong thời gian tới cần phải tuyên truyền thật sâu rộng để cán bộ đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết, nhận thức vấn đề mấu chốt: “Xây dựng NTM chính là công việc thường xuyên của mỗi người, mỗi nhà, mỗi thôn xóm và từng địa phương; tất cả cùng chung sức dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp và các đoàn thể chính trị xã hội; từ mỗi hành động, việc làm đều phải có ý thức để thực hiện cho kỳ được các tiêu chí NTM”. Vấn đề lớn thứ 2 là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải có tư duy chiến lược, thạo việc và phải hết lòng vì cuộc sống của nhân dân để huy động được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, các nhà quản lý, các nhà khoa học; kết nối được quy hoạch vùng, ngành đề có đồ án quy hoạch tốt được phê duyệt và triển khai thực hiện trong 10 năm, 20 năm. Vấn đề nguồn lực xây dựng NTM phải xác định chủ yếu là khai thác sức mạnh ở nhân dân, là nguồn lực lớn nhất; tất nhiên nhà nước có hỗ trợ một phần, các cấp phải biết lồng ghép để thực hiện.

Chương trình MTQG xây dựng NTM là một “cuộc cách mạng” bởi hành trình của nó đầy chông gai, thách thức và cần có sự hy sinh, cống hiến. “Cuộc cách mạng" này đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và mỗi một người dân phải thay đổi cơ bản tư duy, cách làm; đồng lòng dồn mọi nguồn lực thực hiện cho được mục tiêu lớn là đến năm 2015, toàn tỉnh có 20% số xã hoàn thành xây dựng NTM.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast