Không chờ “trên cho”, người dân Hà Tĩnh chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ

(Baohatinh.vn) - Nguồn ngân sách Trung ương bố trí hàng năm cho Hà Tĩnh để thực hiện công tác DS/KHHGĐ ngày càng giảm, trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng. Nhiều người dân đã chi trả tiền để chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ.

Không chờ “trên cho”, người dân Hà Tĩnh chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp nhiều cặp vợ chồng lựa chọn mô hình gia đình ít con

Với mong muốn thực hiện kế hoạch hóa gia đình để ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, chị Phan Thị Thúy Mơ, một chủ tiệm làm tóc ở tổ dân phố 10, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân đã chủ động trong việc kế hoạch hóa gia đình.

Chị Mơ cho biết: “Ngay sau khi con thứ 2 được 1 tuổi, tôi đã lựa chọn sử dụng biện pháp đặt vòng tránh thai với mong muốn dừng lại 2 con để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Nhờ thế, vợ chồng tôi cũng có nhiều thời gian hơn cho công việc và chăm sóc các cháu. Đến nay con đã đến tuổi đi học, điều kiện kinh tế gia đình cũng khá hơn, vợ chồng thấy rất vui khi mình đã có quyết định đúng”.

Từ sự tuyên truyền của những người làm công tác dân số, sự thay đổi trong suy nghĩ, ý thức của đông đảo người dân, mô hình gia đình ít con ngày càng được nhiều người chấp nhận. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng tăng.

Theo số liệu từ Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, năm 2019, tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn Hà Tĩnh là 66,86%. Trong đó, hơn 12.000 người sử dụng dụng cụ tử cung, 236 người triệt sản; 94.500 người đặt thuốc hoặc tiêm thuốc tránh thai, gần 13.000 người sử dụng bao cao su.

Phần lớn trong số đó được hưởng lợi từ các dịch vụ cung cấp miễn phí của nhà nước.

Không chờ “trên cho”, người dân Hà Tĩnh chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ

Nhiều người sẵn sàng chi trả để thực hiện các biện pháp KHHGĐ như mong muốn (Trong ảnh: Tư vấn thực hiện dịch vụ KHHGĐ tại Khoa Sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tuy nhiên, những phương tiện thuộc chương trình bao cấp không đa dạng về loại hình, chưa phù hợp với nhu cầu của nhiều người và chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày tăng của các cặp vợ chồng trong độ đuổi sinh đẻ.

Bác sỹ Hồ Thị Thu Hà - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) cho biết: “Một số phương tiện tránh thai như bao cao su, thuốc uống chưa đa dạng về chủng loại. Đặc biệt, đối với một số loại thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai người dân có nhu cầu sử dụng lớn, nhưng do kinh phí đắt nên chỉ ưu tiên cho đối tượng các hộ nghèo, cận nghèo. Tại các trạm y tế, số thuốc này cũng đã hết từ 6 tháng nay nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được bổ sung”.

Từ nhu cầu của gia đình mình, nhiều người đã thực hiện xã hội hóa biện pháp tránh thai. Chị Hồ Thị Bích Lan (tổ dân phố 4, phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh) cho biết: “Chúng tôi chủ động sử dụng các dịch vụ tránh thai ngoài thị trường phù hợp với nhu cầu để kế hoạch hóa gia đình”.

Không chờ “trên cho”, người dân Hà Tĩnh chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ

Nhiều hiệu thuốc đã triển khai thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai cho người dân

Tại Trung tâm MSI Hà Tĩnh, trong năm 2019 và những tháng đầu năm nay, có hơn 1.700 trường hợp đăng ký sử dụng các biện pháp tránh thai, trong đó chủ yếu là các biện pháp tránh thai hiện đại như đặt dụng cụ tử cung, tiêm, cấy với giá từ 300.000 đến 2.000.000 đồng. Điều đó cho thấy xu thế tự lựa chọn biện pháp tránh thai, phương tiện tránh thai đang diễn ra theo chiều hướng tích cực và tiến bộ hơn, giảm phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ của nhà nước.

Tháng 10/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành kế hoạch thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai đến năm 2030 trên địa bàn (Đề án 818). Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, 100% trung tâm y tế các huyện, thành phố thị xã; các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và KHHGĐ, SKSS.

Tỉnh đang phấn đấu xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào đầu tư kinh doanh theo từng phân khúc thị trường; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân và công tác tuyên truyền vận động, tạo sự chuyển đổi hành vi sử dụng phương tiện tránh thai đúng đắn và bền vững để nâng cao chất lượng dân số.

Đền nay, có 46 tỉnh thành trên cả nước thực hiện đề án xã hội hóa các phương tiện tránh thai. Theo đó, giảm dần việc cung ứng phương tiện tránh thai để chuyển đổi thói quen sử dụng từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của từng người.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast