Tập hợp và khơi dậy sức mạnh của lực lượng đầu tàu nền kinh tế

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, sự ra đời của Hiệp hội DN Hà Tĩnh không chỉ là điều mong mỏi của DN, doanh nhân mà còn là một bước đi được cấp ủy, chính quyền tỉnh ủng hộ và tích cực hỗ trợ. Trước thềm Đại hội Hiệp hội DN Hà Tĩnh lần thứ nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã chia sẻ với phóng viên Báo Hà Tĩnh những trăn trở, mong muốn và kỳ vọng về một hiệp hội đủ Tâm và Tầm để tập hợp và khơi dậy sức mạnh của lực lượng đầu tàu trong nền kinh tế.

PV: Các tổ chức hội trong DN từ trước đến nay chưa phát huy hết vai trò. Thực tế này ngoài điểm yếu nằm ở bản thân mỗi tổ chức hội còn có ý kiến cho rằng, cơ chế, chính sách cho các tổ chức hội hoạt động chưa thỏa đáng. Về vấn đề này, cần phải đánh giá như thế nào, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Sẽ phiến diện nếu cho rằng tỉnh chưa quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức hội trong DN. Phải nhìn nhận và khẳng định, không nhiều địa phương có sự quan tâm đầy đủ đến hoạt động của DN như tỉnh ta.

Lãnh đạo tỉnh nói chuyện với công nhân xưởng mộc công ty TNHH chế biến gỗ và TM Hào Quang

Lãnh đạo tỉnh nói chuyện với công nhân xưởng mộc công ty TNHH chế biến gỗ và TM Hào Quang

Từ năm 2005- 2007, chuẩn bị cho ra đời 3 tổ chức hội (Hội DN nhỏ và vừa; Hội DN trẻ và CLB nữ doanh nhân), lãnh đạo tỉnh cùng một số DN chủ chốt đã ra Trung ương, lặn lội tới nhiều địa phương trong cả nước… học hỏi kinh nghiệm, tham khảo các mô hình tương đồng…

Đã có thời kỳ, tỉnh chủ trương cấp đất cho các hội xây trụ sở đồng thời khuyến khích phát triển các loại hình TM-DV và đã bàn đến việc thành lập công ty cổ phần của các hội DN nhằm tạo kinh phí cho hoạt động hội như mô hình mà tỉnh Thanh Hóa đã làm.

Về mặt hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bề nổi của DN, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã bỏ toàn bộ kinh phí tổ chức các hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, các kỳ đại hội…, không yêu cầu sự đóng góp của các DN, các hội.

Cũng chẳng có nhiều địa phương như Hà Tĩnh, hàng năm dành riêng một tháng cho hoạt động tôn vinh DN với nhiều nội dung phong phú, sôi động; thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của Ban đổi mới và phát triển DN; mỗi tuần UBND tỉnh giao ban định kỳ thường xuyên dành thời gian nghe kết quả hoạt động DN và những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Tuy nhiên, đến nay kết quả thu được từ hoạt động các tổ chức hội trong DN lại không như mong đợi. Nguyên nhân trước hết nằm ở bản thân bộ máy, tổ chức các hội.

Dù tỉnh luôn có quan điểm và chính sách mở đối với hoạt động DN nhưng các hội đã không nắm bắt và tranh thủ những cơ hội đó để tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn. Và, phải nói thẳng là một số cán bộ chủ chốt của các hội còn thiếu hẳn sự tâm huyết.

Tất nhiên cũng phải nói đến hạn chế lớn là bản thân các doanh nhân của chúng ta đi lên từ nền sản xuất tiểu nông nên thiếu tầm nhìn chiến lược khi ở vai trò đứng đầu DN của mình cũng như đứng đầu tổ chức hội của DN.

Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài cũng là một khó khăn, thách thức lớn, làm suy giảm hiệu quả hoạt động của từng DN cũng như của các hội, trong khi đó, điểm yếu lớn nhất của DN tỉnh ta là chưa nhận thức đúng đắn và thực hiện tốt việc liên kết trong hoạt động. Đây là một yêu cầu cơ bản của hội nhập.

PV: Thưa Chủ tịch, Hiệp hội DN được thành lập có vai trò chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ tích cực của tỉnh. Vấn đề là tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng DN như thế nào để Hiệp hội DN khi đi vào hoạt động sẽ có “rượu mới” trong chiếc “bình mới” ?

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Hiệp hội DN ra đời sẽ bao hàm tất cả những tổ chức hội nhỏ trước đó nên vai trò, vị thế sẽ lớn hơn. Với sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực, tập trung hơn của tỉnh, cơ hội cho Hiệp hội DN phát triển cũng sẽ lớn hơn nhiều.

Tỉnh sẽ ưu tiên cho Hiệp hội một khu vực hoạt động thuận lợi, đắc địa vừa là nơi giao dịch vừa là điểm kinh doanh để Hiệp hội tự tạo ra giá trị mới và tự nuôi mình. Điều quan trọng hơn là tỉnh luôn nhất quán quan điểm sẵn sàng tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo cơ hội, môi trường cho Hiệp hội DN ngày càng phát triển lớn mạnh cả chất và lượng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp

Có thể nhìn thấy triển vọng hoạt động của Hiệp hội DN, bởi hiện nay đội ngũ DN tỉnh ta đã có sự phát triển lớn cả về lượng và chất. Từ con số 700-800 (năm 2006) đến nay toàn tỉnh đã có hơn 3.000 DN và số lượng sẽ tăng nhanh khi các dự án lớn đang đầu tư trên địa bàn đi vào hoạt động.

Chúng ta cũng đã có những DN lớn trong và ngoài nước gia nhập vào sân chơi chung của DN tỉnh nhà. Đây thực sự là cơ hội về huy động nguồn lực đóng góp cho Hiệp hội không chỉ kinh phí mà quan trọng hơn là những giá trị tri thức, khoa học, quản lý tiên tiến.

Như vậy, vấn đề cốt lõi của câu chuyện “rượu mới” trong “bình mới” ở đây là việc chọn “tướng” cho đội ngũ mới. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội DN nhất định phải là những người biết bám sát và tranh thủ chủ trương, chính sách; tham mưu chuẩn; tác nghiệp tốt để tổ chức hội lấy lại niềm tin, thu hút hội viên và phát triển mạnh mẽ mạng lưới hoạt động.

Hiệp hội muốn mạnh phải có những thành viên DN mạnh. Bởi vậy, sự sát cánh của tỉnh trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho mỗi DN hoạt động có hiệu quả chính là sự giúp đỡ có chiều sâu và bền vững. Có thể khẳng định, DN tỉnh nhà đang có một môi trường hoạt động hết sức thuận lợi.

PV: Môi trường thuận lợi cho DN hoạt động đã thể hiện rõ qua việc chỉ số PCI (chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh) của tỉnh ta đã có sự bứt phá trong những năm gần đây. Đó là nhận định khách quan của cộng đồng DN trong và ngoài nước thông qua VCCI. Tuy nhiên, để giữ vững và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, những cấp, ngành nào phải nỗ lực trước tiên và DN phải làm gì để đáp ứng điều mong đợi ấy, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự:

Từ vị trí 37, chúng ta đã có bước đột phá khá ngoạn mục để vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh toàn quốc, đó là một thành công rất lớn. Gắn với chỉ số PCI, chỉ số hài lòng của người dân (PAPI) cũng đứng vị trí thứ 4. Duy trì chỉ số PCI và đặt mục tiêu cố gắng tiến thêm 1-2 bước nữa là một mục tiêu rất khó nhưng thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc nỗ lực để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và ngày càng minh bạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra tiến độ xây dựng dự án Formosa

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra tiến độ xây dựng dự án Formosa

Tỉnh đã vạch ra 4 nhóm giải pháp và giao nhiệm vụ cho các ban, ngành cụ thể để tăng điểm số trong các chỉ số thành phần của PCI. Một việc cụ thể mà tỉnh đang thực hiện đó là công khai hóa về đất đai và thuế để mọi người dân được biết, được giám sát. Từ điểm đầu tiên triển khai trong năm nay là thành phố Hà Tĩnh, sẽ từng bước nhân rộng ra tất cả các huyện, thị xã trong toàn tỉnh.

Điều quan trọng nhất cần khẳng định là, việc không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ không riêng mỗi cấp, ngành nào mà là của toàn thể hệ thống chính trị; là đường gân thớ thịt xuyên suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong môi trường phát triển đó, bản thân các DN cũng cần phải nhìn lại mình. Phải xây dựng một chiến lược đầu tư kinh doanh dài hạn về quản trị kinh doanh, vốn, nguyên liệu, thị trường và công nghệ để vươn lên nắm bắt cơ hội mới. Sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc của DN sẽ đóng góp của cải cho xã hội, thúc đẩy phát triển nền kinh tế và cùng các cấp, ngành tiếp tục vun đắp, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn.

PV: Sự ra đời của Hiệp hội DN trong thời điểm không nhiều thuận lợi thêm một lần nữa khẳng định: tỉnh luôn coi trọng, ủng hộ và sát cánh cùng DN. Tuy nhiên, điều mà DN thực sự trông chờ là cần các giải pháp cụ thể của tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành tiếp sức cho họ vượt qua cuộc đào xét nghiệm các số đo sức khỏe nhưng rất khốc liệt hiện nay. Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về điều này?

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Đúng là thời điểm này, suy thoái kinh tế thế giới và trong nước đang tiếp diễn là một thử thách không nhỏ đối với DN. Nhưng hãy thử nhìn lại thực tiễn phát triển đang diễn ra ở tỉnh ta để thấy rằng, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đang vượt lên bức tranh ảm đạm chung để tô thêm những mảng màu sáng.

Hàng loạt dự án lớn mang tầm quốc gia và quốc tế đã và đang được triển khai đúng tiến độ. TƯ đã công bố Hà Tĩnh là tỉnh thứ 6 thu hút vốn đầu tư các DN vào Hà Tĩnh, KKT Vũng Áng là một trong 5 KKT trọng điểm cả nước.

Vì vậy, trong khó khăn, tỉnh vẫn quyết định giữ nguyên các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; tốc độ phát triển kinh tế năm 2012 dự kiến sẽ đạt 13%, trong khi cả nước chỉ ở mức 6-7%. 7 tháng đầu năm, tỷ lệ phá sản hoặc buộc phải giải thể DN trên toàn quốc là 20%, trong khi đó ở Hà Tĩnh chỉ xấp xỉ 10%.

Những con số đó giúp chúng ta có cái nhìn khả quan là: Hiệp hội DN ra đời trong bối cảnh toàn tỉnh đang dồn sức, quyết tâm vượt qua những khó khăn của suy thoái kinh tế để giành những thành quả mới.

Trong giai đoạn DN đương đầu với muôn vàn khó khăn, tỉnh đã có rất nhiều giải pháp: chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 13 của Chính phủ; làm việc với ngân hàng và chỉ đạo sát sao việc giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giúp DN tiếp cận vốn; dành hàng tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho DN… Tỉnh cũng đã và và đang phân loại, xử lý để cứu một số DN quá khó khăn. Tổng số tiền bỏ ra để hỗ trợ DN trong giai đoạn này đã lên đến hàng chục tỷ đồng.

Xét một cách tổng thể, con đường phát triển của DN Hà Tĩnh đang mở ra rất rộng lớn. Đó là việc tỉnh đã và đang hoàn thành các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn 2050 cùng các quy hoạch ngành, vùng; xác định sản phẩm hàng hóa chủ lực các ngành CN, NN & PTNT...

Hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh được ban hành đồng bộ, tạo động lực lớn cho phát triển DN. Hệ thống hạ tầng cơ sở của tỉnh ta được tập trung xây dựng và đến nay cơ bản hoàn chỉnh. Tỉnh cũng đã dày công đầu tư cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho DN. Các dự án lớn đang như thỏi nam châm tạo sức hút cho sự phát triển của DN tỉnh nhà. Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương dẫn đầu trong thu hút các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác.

Đó là những yếu tố nền tảng để chúng ta có thể thực hiện cuộc “cách mạng” phát triển mạnh nền kinh tế hàng hóa, xât dựng chuỗi liên hoàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh không có lý do gì để không mạnh lên, bắt nhịp cơ hội mới, bắt tay liên kết, tập trung trí tuệ và nguồn lực để hội nhập kinh tế trong nước, thế giới ngay trên sân nhà, thực hiện bằng được mục tiêu “Đoàn kết, hợp tác, phát triển bền vững”.

PV(thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast