Bão rừng biên giới

Bão tạt qua biên giới, mưa gió dầm dề suốt từ trưa đến giờ làm rừng chiều mau tối. Mưa chiều biên giới buồn, bão chiều biên giới càng buồn hơn, có một nỗi gì đó âm ỉ mà dữ dội, lê thê, cô đơn, nghẹn ngào ẩm ướt và se lạnh.

Nỗi buồn u uẩn không tên ấy len lỏi thấm vào quần áo, da thịt, luồn sâu tận ngõ ngách tâm hồn những người xa quê như Hạnh. Mỗi lần lâm vào tình cảnh như thế, Hạnh thường chắt lưỡi hít hà tự động viên mình: Ừ. Mưa bão nằm giữa rừng biên giới xa xôi heo hút thì phải buồn thôi, nhưng cũng có cái thú riêng, miền xuôi phố thị, hay đồng bằng quê mình chẳng làm sao có được.

Minh họa: Lê Huy Quang
Minh họa: Lê Huy Quang

Hạnh sốt ruột bước ra hiên, vuốt vuốt mái tóc chưa kịp khô rồi nhìn như xoáy xuống thung sâu, chép miệng: “Chờ chút nữa, không thấy chúng lên thì mình phải đi vậy. Mưa bão như vầy chẳng mấy chốc nước suối sẽ dâng cao”.

Cơn bão nhẹ thổi những màn mưa như sương mỏng phập phù theo từng cơn gió lạnh, lúc mờ lúc nhạt, chập chờn vây phủ cánh rừng tràm đang mùa thay lá. Hạnh đứng dựa vào cột hiên nhà, yên lặng nhìn xuống triền dốc quen thuộc mà ngóng đợi, mãi mới thấy thấp thoáng bóng dáng hai người đeo gùi đang khiêng cái gì đó lên dốc? Người đi sau bước thập thểnh chân trái như thế chắc chắn là Điểu Ngo chứ không ai khác.

Chà! Hai cha con ông Điểu Lim đã đeo gùi vác rựa rồi mà còn khiêng bao gì to thế nhỉ? Không phải khoai sắn đâu - khoai sắn thì chia ra gùi dần về khỏe hơn. Chắc họ săn bẫy được thú? Mưa bão gió lạnh như thế này mà săn được heo rừng thì gia đình tối nay ăn thịt nướng uống rượu cần say đây!

Hạnh nghĩ đến đó rồi mỉm cười: Thế nào Điểu Ngo cũng chạy đến mời thầy giáo.

Hạnh thấy lòng vui vui, nhưng sau đó lại nhăn mặt vì mãi không thấy hai bóng dáng nhỏ nhắn quen thuộc của con trai và học trò mình. “Sao hai đứa lâu về thế nhỉ? Thằng Điểu Minh đã hứa mà?”.

Điểu Minh 13 tuổi, hiện là đứa lớn nhất trong 5 học trò của Hạnh nên được anh cho làm lớp trưởng. Điểu Minh có lần nói: “Thầy đến thì mẹ mới cho con đi”. Thế là cơm chiều xong, Hạnh từ đồn thả bộ tạt qua nhà Điểu Minh kéo nó đến nhà Điểu Mây ở đầu dốc học. Mấy hôm nay có con trai đi theo, Hạnh cho con nán lại nhà Điểu Minh chơi khoảng nửa tiếng - hai đứa nó vốn thân nhau. Chờ Điểu Minh ăn cơm xong, cả hai sẽ cùng đến lớp. Thời gian đó đủ để Hạnh tạt qua ba nhà nữa “nhặt” tiếp học trò mình. Ở đây mỗi nhà cách nhau vài trăm mét. Trời mưa bão như thế này, anh không đến thì chắc gì cha mẹ tụi nhỏ đã cho chúng đi.

Đấy! Đến nhà Điểu Dân, ông ta bảo: “Mưa gió mà bộ đội vẫn dạy chữ à? Thôi bộ đội về trước đi. Để thằng Điểu Long bổ củi xong tao sẽ dẫn nó tới. Mà bộ đội phải cho nó ăn đấy nhé”.

Đến nhà Điểu Lâm, bà vợ bảo: “Thằng Điểu Nông đi nương chưa về. Mưa quá mà!”. Hạnh lắc đầu: “Mưa dầm thế này mà vẫn còn làm rẫy sao?”. “Phải làm chứ. Phải coi rẫy chứ. Heo khỉ phá quá mà! Thầy giáo về trước đi”.

Lúc về, sẵn đường qua nhà Điểu Ngo, Hạnh ghé vào thăm, biết đâu rủ được Điểu Ngo đi học lại. Điểu Ngo trước có theo học anh một năm, thực ra cộng lại chỉ đôi ba tháng, ngày học ngày không, chỉ cốt nhét vài chữ để đọc được thư bồ. Nghe Điểu Ngo kể cô bồ là người Kinh xinh gái cơ đấy, lại lớn hơn Ngo 2 tuổi nên khôn lắm. Là thầy nhưng Hạnh chỉ hơn Điểu Ngo 5 tuổi. Năm nay Ngo 17 tuổi rồi, khỏe như bò rừng, hiền và nhút nhát như nai, nhưng cục lên thì dữ hơn gấu. Một lần Điểu Ngo bóp vẹo sườn một thanh niên người Tà Mun chỉ vì bênh thầy giáo mình. Anh chàng Tà Mun này dám kéo bạn gây sự với Hạnh vì nghĩ thầy giáo trẻ là nguyên do khiến anh ta không bắt được vợ. Năm ngoái Điểu Ngo bị dính bẫy cạp do chính cha là Điểu Lim gài mới đau chứ! May trên đồn biên phòng có xe đạp thồ, Hạnh và một đồng đội kịp đưa Ngo về trạm xá, không bị cưa chân là may rồi.

Hạnh đến nhà Điểu Ngo, gặp mẹ Điểu Ngo, bà ta đã nói chặn: “Lâu quá mới gặp thầy giáo. Thầy lại đến rủ thằng Điểu Ngo đi học chữ à? Nói rồi, nó sắp bắt vợ. Thầy giáo đừng đến nữa. Ông Điểu Lim không ưng cái bụng đâu”. Hạnh cười: “Tôi đến thăm thôi, còn học hay không là do Điểu Ngo. Học chữ thì tốt cho nó chứ sao. Điểu Ngo có nhà không thím?”. “Nó phát rẫy chưa về. Cha con nó còn đi núi thăm bẫy nữa mà”. “Đi núi hay qua biên giới vác hàng cho bọn buôn lậu? Thím nói với chồng với con là bộ đội biên phòng biết cả rồi đấy nhé. Bắt được một lần nữa thì đừng có trách. Chớ dại nghe lời bọn xấu”. “Đi núi thật mà”. “Thôi chào thím tôi về. Khi Điểu Ngo về thím nói nó đến lớp học, hay lên đồn gặp tôi, có việc cần đấy”. “Việc gì vậy?”. “Việc tốt cho nó thôi”. “Cảm ơn bộ đội”. Hạnh cáo từ ra về, nhủ: “Ghé qua hỏi thăm vậy thôi. Chứ mình cũng đoán được phần nào”.

Hạnh nghĩ đến đó rồi quay vào nhà lấy áo mưa, chợt nghe có tiếng động lạch cạch ở vách bên. Anh liếc qua kẽ liếp, thấy con bé Điểu Mây đang lúi húi đập đập khoai mì vừa moi trong bếp ra. Những làn khói ẩm mang hơi thở núi rừng và củ mì nướng khét thơm nồng thoảng vào mũi Hạnh. Anh gật gù hít hà: “Hôm nay ngoài con mình ra, trước mắt mình chỉ có hai học trò là con bé này và thằng Điểu Minh. Thôi vậy cũng được!”.

Nghĩ thế nhưng Hạnh lại chép miệng: “Lâu vậy chắc gì Điểu Minh đã đến? Chà! Nếu không có thằng Minh, thằng Nam nhà mình không dám qua suối đâu. Mình phải đi đón nó thôi”.

Hạnh choàng áo mưa băng nhanh xuống thung.

“Ô sao không thấy cha con Điểu Ngo lên nhỉ? À chắc họ tạt xuống suối mổ thịt rồi mới vác lên”, Hạnh nghĩ nhanh rồi cẩn thận rảo bước. Anh đang vội.

Từ đây đến nhà Điểu Minh đi về nhanh cũng mất 15 phút, hôm nay đường trơn trượt phải đi lâu hơn, lại phải băng qua con suối nước đang dâng - Hạnh nghĩ rồi nhanh chân bước.

Thật ra Nam là con nuôi Hạnh. Hạnh “nhặt” được nó sau trận đàn voi rừng về phá thôn Xa Trạch xã Thiện Hưng. Kỳ đó đàn voi đã làm đổ nhà và dẫm chết một số đồng bào Stiêng. Khi bộ đội biên phòng hay tin đến cứu thì thôn sóc đã bị đàn voi quật tan hoang. Hạnh lúc đó là tiểu đội trưởng trinh sát, anh và hai đồng đội chạy về phía căn nhà cuối phum. Vừa bước chân lên bậc thang gỗ, Hạnh nghe tiếng lục ục phía chái bếp, anh hất mặt ra hiệu cho đồng đội rồi cẩn thận thủ AK bước sang. Anh thấy có gì đang động đậy trong cái gùi úp chụp, bên cạnh là một bà cụ nằm co quắp, mái tóc bạc phủ lên khuôn mặt lặng ngắt.

Hạnh lấy chân lật cái gùi, nghĩ chắc có con vật nuôi nào trong đó, không ngờ đó là một bé trai mới năm sáu tháng tuổi. Thằng bé nhăn nhắm tịt mắt. Lạ thay nó không khóc mà chỉ ậm ọe ho khi được Hạnh bế lên, sau đó oằn người mở to mắt nhìn anh. Thương quá!

Hạnh nhanh chóng bế đứa trẻ bước ra khỏi căn nhà chực đổ ụp. Anh nhìn cảnh hoang tàn thương tâm của phum sóc mà ứa nước mắt. Thằng bé mút ngón tay cái chùn chụt! Nó đói. Hạnh nghĩ chắc bà, hay mẹ nó, trong lúc nguy cấp đã giấu nó trong gùi? Thằng bé mải ngủ hoặc lì lợm nên đã không khóc. Nếu nó khóc, có khi cũng bị lũ voi rừng kia quật chết rồi.

Hạnh ôm thằng bé về đồn. Ông bà cha mẹ và anh chị em nó chết cả, nó trở thành con của tập thể bộ đội biên phòng 717. Hạnh là người cứu nó, đưa nó về, đương nhiên anh “ưu tiên” được là bố nuôi. Có thằng bé cả đồn cũng vui.

Trên biên giới thiếu thốn phương tiện vật chất để nuôi trẻ, nhất là thằng bé còn quá nhỏ. Sau một tuần, Trung tá Thanh đồn trưởng khuyên Hạnh đưa nó về xuôi, giao cho cơ quan Bảo trợ xã hội hoặc gia đình nào đó hiếm con. “Đêm đêm có tiếng trẻ khóc trong đồn không hay đâu cậu ạ” - Trung tá Thanh nói. Hạnh gật, cố chống chế: “Thằng bé ít khóc lắm”.

Nói thế nhưng Hạnh vẫn tuân lệnh thủ trưởng. Một sáng chủ nhật, anh cắt thủng đáy ba-lô cũ của mình, khoét hai lỗ phía hai góc, thò hai chân đứa bé vào, chèn thêm chăn màn, gạo bột, sữa mà đồng đội góp cho, rồi cứ thế đeo trên vai cõng xuống núi.

Đến chợ xã, Hạnh lúng túng chưa biết hỏi ai thì có hai cô gái đi qua. Thấy “cảnh lạ”, hai cô dừng lại, cô lớn tuổi trên dưới bốn mươi hỏi thăm: “Chú bộ đội ơi! Mẹ nó đâu mà chú đeo con nom khổ thế?”. Hạnh kể lại mọi chuyện: “Con nuôi tôi đấy. Bố mẹ nó mất cả rồi. Giờ tôi định nhờ”. Cô lớn tuổi nói: “Mẹ nó mất thì đã có chị em tôi đây. Chú là bố nuôi thì cho chị em tôi làm mẹ nuôi nó nhé? Chúng tôi dạy ở trường tiểu học xã gần đây này”. Hạnh mừng quá gật mạnh. Nghĩ thằng bé được các cô giáo nuôi dạy thì còn gì bằng.

Cô giáo lớn tuổi nhanh nhẹn đỡ thằng bé ra khỏi ba-lô, rồi ôm cứng nó, như sợ Hạnh đổi ý. Cô giáo trẻ đứng bên nãy giờ không nói gì, giờ cũng nắm tay thằng bé rồi chớp mắt liếc nhìn Hạnh.

Cô giáo lớn tuổi giao hẹn: “Cho rồi không được đòi đấy nhé?”. Hạnh cười: “Cho mượn nuôi thôi…”. Cô giáo trẻ chợt nói: “Khôn thế!”. Cô giáo kia tiếp lời: “Thế cũng được. Chú là bố phải thường xuyên đến thăm con, phụ với chị nuôi nó đấy”. Hạnh gật, nghĩ từ đây lên đồn hơn 10 cây số, lúc rảnh anh có thể tranh thủ đến thăm thằng bé được.

Cô giáo lớn tuổi quay qua bạn đồng nghiệp: “Thăm cả mẹ trẻ của nó nữa đây này”. Hạnh cười. Đôi má cô giáo trẻ đỏ như gấc chín.

Không ngờ cái duyên ấy lớn dần. Cô giáo trẻ tên Hồng cùng quê Thái Bình với Hạnh. Sau giải phóng bảy lăm, gia đình Hồng vào Lộc Ninh lập nghiệp, lúc ấy cô hãy còn bé tí, giờ đã là một cô giáo hiền hậu dễ thương. Đã đồng hương lại đồng cảm, trong một tối giao lưu giữa bộ đội biên phòng và giáo viên trường tiểu học Lộc Quang, Hạnh và Hồng song ca bài Gửi em ở cuối sông Hồng rất ăn ý, đầu mày cuối mắt đôi trai gái đã sóng sánh ý tình. Bố Hồng khi biết Hạnh là người Đông Hưng thì thích lắm, thúc con gái: “Mày lấy anh Hạnh càng có dịp về thăm quê.”

Thế mà mãi bốn năm sau Hạnh và Hồng mới cưới nhau vì phải đợi Hạnh học bổ túc xong khóa sĩ quan.

Lúc đó cô giáo Loan đã được chuyển về thị trấn Lộc Ninh làm hiệu trưởng một trường tiểu học. Cô Loan đòi mang thằng bé theo nhưng cả Hạnh và Hồng đều không chịu. Cô Loan lắc đầu: “Hai phải hơn một. Đây chị thua cả ba! Khổ cho chị là lâu lâu phải lên thăm con”. Hồng cười: “Càng vui chứ sao. Thỉnh thoảng vợ chồng em lại bế nó đến thăm chị”. Hạnh tiếp: “Lo gì. Nó lên cấp hai phải về thị trấn học, em gửi nó cho chị đấy”. Loan nhìn cái bụng bầu của Hồng, mỉm cười: “Chẳng phải đợi đến lúc đó đâu. Vài tháng nữa cô chú lại cần đến tôi ngay đấy mà”.

Thằng bé Nam quấn bố Hạnh hơn cả mẹ Loan mẹ Hồng. Chắc tại mỗi lần Hạnh về hay làm ngựa cho nó nhong nhong. Khi Hồng có em bé thì Hạnh đem thằng Nam lên đồn ở với anh để tiện chăm sóc và dạy con học. Dẫu sao trong đồn đông người hơn ở nhà chị Loan. Dạo này chị bận nhiều việc trong trường, vậy mà chủ nhật nào chị cũng chạy lên chạy xuống thăm em, thăm cháu.

Mỗi khi được lên đồn, bé Nam trở thành cục cưng của tiểu đội trinh sát, nó có thêm nhiều bố trẻ như bố Long, bố Khả, bố Tình.

Sẵn dạy con học, Hạnh “nhặt” thêm vài đứa trẻ sống trong vùng gần biên giới thuộc đồn anh quản lý. Những gia đình này rất nghèo, nghèo mới phải phát rừng làm rẫy xa, cha mẹ những đứa trẻ này cũng mù chữ, chỉ biết cắm đầu làm lụng, bỏ bê con cái. Hạnh nghĩ mình dạy chúng được chữ nào hay chữ nấy, con anh ở đây sẽ có bạn. Rồi anh sẽ dần dà nói với cha mẹ chúng cho con về thôn xã học. Việc nghĩ đơn giản nhưng phải làm từ từ. Cha mẹ con bé Điểu Mây đã hiểu ra và tích cực ủng hộ, họ nới thêm gian nhà cạnh bếp để thầy Hạnh có chỗ quy tụ những đứa trẻ mà dạy học. Anh trở thành thầy giáo quân hàm xanh.

Thấm thoát cu Nam đã 7 tuổi, vào lớp 3, nó học giỏi nhờ bố mẹ dạy kỹ. Hè này Nam lại được bố đưa lên đồn ở lâu vì mẹ Hồng đang ở cữ em bé thứ hai. Nó nhớ hai em lắm, nhưng được ở bên bố Hạnh và nhiều bố nhiều chú trên đồn cũng vui. Ở đây Nam được gặp lại mấy bạn cùng học hè năm ngoái, tha hồ chơi đùa thỏa thích.

Giờ Nam đang ngồi hơ lửa bên bếp nhà anh Điểu Minh. Mẹ anh Điểu Minh cho nó cái sừng trâu thổi tu tu u u nghe sướng tai! Anh Điểu Minh đang nướng bắp ngô để hai anh em cùng ăn. Hồi nãy anh em nó không dám qua suối vì bố Hạnh đã dặn kỹ: “Nước suối lớn thì hai đứa phải trở về, chờ bố qua đón”.

Nam đang thơ thẩn nhìn những ngọn lửa nhảy múa trong lò thì chợt nghe tiếng bố Hạnh: “Chào gia đình. Tôi đến đón hai cháu đi học đây”.

Nam và Điểu Minh mừng rỡ nhổm dậy.

Ông Điểu Công bước ra, dang rộng hai tay đón thầy Hạnh: “Tôi mới về, nghe thằng Điểu Minh nói, tôi đang cần gặp thầy đây”. Hạnh giũ giũ áo mưa: “Có việc gì không anh?”. “Có chứ. Mời thầy vào”.

Hạnh ngồi vào bàn, ông Điểu Công rót nước và nói ngay: “Tức cha con Điểu Lim quá! Gặp hai đứa nhỏ ở suối mà không dẫn chúng qua”. Hạnh gật gù: “Vậy à? Chắc họ vội?”. “Không được. Khiêng nặng thì để đó nghỉ. Đưa trẻ qua suối cần hơn. Thầy nghĩ đúng không?”. Hạnh nhíu mày, đầu óc tinh nhạy của lính biên phòng cảnh giác: Điểu Ngo từng học mình, chắc chắn nó biết hai đứa nhỏ này, sao vậy nhỉ? Thôi đúng rồi! Cha con họ chuyển hàng lậu. Thế mà lúc nãy mình tưởng họ săn được thú.

Ông Điểu Công nói tiếp: “Việc này mới ghê! Thằng Điểu Minh kể, lúc chờ thầy ở suối, nó đau bụng chạy vào bụi, thấy con dao và hai cái tất đầy máu”. Hạnh giật mình: “Sao?”.

Ông Điểu Công ngoắc hai đứa trẻ đang thập thò cửa bếp: “Chúng mày ra đây”.

Hai đứa trẻ riu ríu bước ra. Hạnh nhìn Điểu Minh, ôn tồn: “Con thấy gì? Kể lại thầy nghe?”. Điểu Minh “dạ” rồi ngập ngừng kể: “Con thấy dao… cuộn trong cái tất… hai cái tất… có nhiều máu đỏ…”. Hạnh gật, quay qua con trai: “Con có thấy không?”. Nam lắc lắc đầu, vẻ sợ hãi. Điểu Minh kể tiếp: “Con sợ quá dẫn em Nam về, chờ thầy, nước suối lớn mà”. Hạnh vuốt đầu học trò: “Con giỏi lắm! Ngoan lắm! Giờ con dẫn thầy đến đó nhé?”. Điểu Minh gật.

Hạnh uống vội cốc nước nóng rồi đứng lên. Ông Điểu Công cũng đứng lên theo: “Tôi đi nữa”.

Điểu Lim ngồi thừ trên ghế, lầm lì, suy nghĩ. Bà vợ lăng xăng, kéo nhẹ tay thầy Hạnh, nói nhỏ: “Thầy tha cho thằng Điểu Ngo. Nó sợ đang trốn trong bếp. Tôi nói với nó rồi. Bộ đội biên phòng biết cả rồi đấy. Thầy Hạnh lúc nãy đến nói vậy và đang cần gặp mày”. Hạnh bình tĩnh: “Thím bảo nó ra đây”. “Dạ. Nó định trốn. Tôi bảo thầy Hạnh nói đến gặp thầy, tốt cho mày, lúc nãy thầy nói vậy rồi. Thầy cứu học trò mình nhé?”. Hạnh gật. Bà Mai vợ Điểu Lim quay nhanh vào bếp.

Điểu Ngo ngập ngừng bước ra, chân trái khập khễnh, gù gù như con gấu bị thương. Hạnh tiến lại vỗ vai học trò tồ: “Đừng sợ. Kể lại thầy nghe nào? Kể thật thì thầy sẽ cứu em được?”. Điểu Ngo lấm lét nhìn thầy giáo trẻ với vẻ tin tưởng.

Hạnh giăng đòn bủa vây, thăm dò: “Bộ đội thấy con dao và đôi tất dính máu rồi. Em kể đi. Không việc gì phải trốn”. Rồi kéo Điểu Ngo lại bàn. Điểu Ngo không dám ngồi xuống ghế.

Điểu Lim vẫn lầm lì, Điểu Công im lặng ngồi bên. Nam và Điểu Minh ngồi chồm hổm bên nhau, nép vào vách gỗ không dám nhìn những người lớn.

Điểu Ngo chầm chậm kể: “Em lỡ giết thằng Hùng. Tức quá mà! Thằng Hùng thuê em vác hàng qua biên giới. Nó nói mỗi lần vác hàng không bị kiểm lâm bắt thì được một trăm ngàn. Khi nào vác đủ một trăm lần thằng Hùng sẽ cho bắt em gái nó. Em gái nó là con Hoa người Kinh mà em đã kể với thầy đó”.

Hạnh lắng nghe, lững lờ giăng bẫy tiếp: “Lỡ giết rồi lấy tất của nó lau máu phải không?”. Điểu Ngo gật: “Dạ. Ai bảo nó dối em. Cha con em chờ lúc mưa bão cố vác hàng lậu cho nó. Lạnh mệt cực khổ lắm! Thế mà nó và con Hoa nằm với nhau trong lều gần suối. Em vô tình thấy. Lúc đó em mới biết con Hoa không phải là em gái thằng Hùng. Em thấy hai cái cầm rựa gặp nhau thì cũng được đi. Rồi thấy hai cái ăn cơm gặp nhau thì em tức lắm! Lại thấy hai cái đi đái gặp nhau thì em phải điên lên chứ! Em xông vào đánh thằng Hùng. Nó rút dao đâm em bị thương ở vai đây này. Em giật dao đâm nó chết… Tức quá mà! Ai bảo hai đứa nó lừa dối em…”.

Hạnh gật gù: “Còn con Hoa đâu?”.

“Nó sợ chạy mất rồi”.

Hạnh và ông Điểu Công giờ đã hiểu ra vấn đề. Nghiêm trọng đây.

Ông Điểu Lim giờ mới ngập ngừng nói: “Thằng Điểu Ngo lỡ tay mà bộ đội ơi! Nó sợ quá chạy lại nói với tôi. Mới đầu định thả xác thằng Hùng xuống suối. Nhưng sợ người ta tìm thấy. Bỏ trong rừng thì bị thú moi, sình thối lên người ta cũng biết. Nên tôi bảo khiêng xác về chôn trong rẫy mình cho kín. Bộ đội nghe rồi thông cảm tha cho thằng Điểu Ngo và tôi có được không?”.

Hạnh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Thằng Hùng đâm Điểu Ngo trước. Phải tự vệ thôi. Nhưng tội lỗi đến đâu sẽ xét sau. Giờ cha con ông cứ bình tĩnh, ăn cơm xong rồi theo tôi lên đồn. Cứ vậy mà khai nhé”. Hạnh nói xong nắm tay Điểu Ngo: “Em cởi áo cho tôi xem vết thương nào? Có sâu lắm không?”.

Hạnh nghĩ sau này phải tiếp tục lôi kéo cậu gà tồ nóng nảy này đi học lại. Phải học mới sáng ra.

Rồi Hạnh nghĩ mình càng phải gần dân hơn nữa.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast