Phổ biến những điểm mới Luật PCCC đến với người dân

(Baohatinh.vn) - Hướng tới ngày “Toàn dân phòng cháy chữa cháy” (PCCC) - 4/10, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lương Hữu Phùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh về những điểm mới trong Luật PCCC và công tác tổ chức, triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

- Xin đồng chí cho biết những điểm mới trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC?

Luật PCCC được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001, có hiệu lực kể từ ngày 4/10/2001. Trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề mới trong công tác PCCC, cần phải điều chỉnh, bổ sung để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và toàn dân đối với hoạt động PCCC. Vì vậy, ngày 22/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (gọi tắt là Luật số 40/2013/QH13), có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Phổ biến những điểm mới Luật PCCC đến với người dân ảnh 1

Diễn tập PCCC tại chợ Phố Châu (Hương Sơn).

Luật sửa đổi, bổ sung lần này có một số điểm mới được quy định tại Điều 1 như sau:

Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong công tác PCCC (khoản 2): quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong công tác PCCC nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC của các đối tượng này. Về trách nhiệm tuyên truyền (khoản 3) bổ sung quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học”. Về ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn (khoản 4), bổ sung các quy định cần thiết trong việc ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn năm 2006 chưa quy định. Trên cơ sở các quy định này, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về PCCC trở thành bắt buộc; các tiêu chuẩn, quy chuẩn có quy định liên quan đến PCCC phải xin ý kiến của Bộ Công an. Ngoài ra, việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài phải được sự đồng ý của Bộ Công an.

Quy định về kinh doanh dịch vụ PCCC (khoản 6) là một điểm mới nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC, đồng thời đưa các hoạt động dịch vụ về PCCC dưới sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý về an ninh trật tự. Trong đó, quy định mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải có người được đào tạo chuyên ngành PCCC; đề xuất Chính phủ giao Bộ Công an quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề PCCC và các điều kiện cụ thể tổ chức kinh doanh dịch vụ PCCC (hiện tại, các chứng chỉ chủ trì thiết kế PCCC; giám sát thi công đều do Sở Xây dựng cấp).

Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy (khoản 7), bổ sung quy định người tham gia chữa cháy (không thuộc lực lượng PCCC nào) được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất khi tham gia chữa cháy theo quy định của Chính phủ. Về phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (khoản 12), giao Chính phủ quy định cụ thể về quy mô khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải thành lập đội PCCC cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách; quy định trang bị xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy phù hợp với phương án PCCC cho toàn khu. Đối với các công trình mang tính đặc thù như: nhà khung thép mái tôn, cơ sở hạt nhân, chợ, cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… có những quy định riêng về nhiệm vụ phòng cháy.

Về phương án chữa cháy (khoản 20), luật sửa đổi đã bổ sung quy định có 2 loại: do cơ sở sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ và do cảnh sát PCCC lập. Về lực lượng PCCC chuyên ngành (khoản 25), bổ sung cơ sở thuộc một số ngành phải thành lập đội PCCC chuyên ngành: cơ sở hạt nhân; cảng hàng không, cảng biển; khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt; khai thác than; sản xuất, kho vũ khí, vật liêu nổ. Về chế độ, chính sách cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở (khoản 26), bổ sung quy định cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng, đội PCCC cơ sở không chuyên trách được hưởng chế độ hỗ trợ thường xuyên theo quy định của Chính phủ.

Về PCCC tình nguyện, tại khoản 27, bổ sung quy định: “Người tình nguyện tham gia PCCC được bổ sung vào đội dân phòng hoặc đội PCCC cơ sở”. Về tổ chức của Cảnh sát PCCC (khoản 28): “Cảnh sát PCCC thuộc CAND, là một bộ phận của lực lượng vũ trang, được quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương”. Ngân sách cho hoạt động PCCC ở địa phương (khoản 30), bổ sung quy định “Trong danh mục chi ngân sách quốc phòng và an ninh hàng năm của UBND các cấp phải có nội dung chi cho công tác PCCC”. Quy định này khắc phục được tình trạng tại một số địa phương không có căn cứ để chi ngân sách cho hoạt động PCCC, đặc biệt là cấp huyện, xã...

Trong khi chờ Bộ Công an ban hành chỉ thị, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thi hành.

Sau khi có đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tổ chức hướng dẫn, phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC đến tận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân một cách hiệu quả.

Xin cảm ơn đồng chí!

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast