Vì sao cứ nắng nóng là hóa đơn tiền điện tăng vọt?

Trước những phản ánh của người dân về việc tiền điện tăng đột biến, ngành Điện vẫn chỉ giải thích là do thời tiết nắng nóng. Còn các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là câu chuyện “đến hẹn lại lên”, cần phải xem xét nhiều vấn đề liên quan.

Sốc vì tiền điện tăng cao

Nhận được tin nhắn thông báo tiền điện tháng vừa qua, chị Hoàng Trang (Long Biên, Hà Nội) không khỏi giật mình khi phải trả số tiền gần gấp đôi so với tháng trước.

“Tôi đang nghỉ sinh ở nhà trông con, mấy tháng nay đều duy trì mức độ sử dụng điện như nhau, nhưng đến tháng này, tiền điện lại tăng vọt, gia đình bất ngờ và băn khoăn về tính chính xác trong cách tính hiện nay của ngành Điện”, chị Hoàng Trang cho biết.

Nhiều khách hàng cũng phản ánh bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền điện vào đầu tháng 6. Chị Phạm Ly (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có một căn hộ không sử dụng, hóa đơn tiền điện mỗi tháng khoảng 200.000 đồng, nhưng vừa rồi chị nhận được thông báo hóa đơn tiền điện tháng này lên tới 6,8 triệu đồng.

“Căn hộ này tôi để không, 3 tháng nay đều xấp xỉ 200.000 đồng tiền điện, mà tháng này gấp lên 34 lần, điều này thật sự vô lý. Gia đình tôi đã làm đơn khiếu nại lên công ty điện lực và vẫn đang trong quá trình giải quyết”, chị Ly cho hay...

Vì sao cứ nắng nóng là hóa đơn tiền điện tăng vọt?

Nhiều người dân phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao. Ảnh: TTXVN.

Đáng chú ý, mới đây, một gia đình tại Vân Đồn (Quảng Ninh) đã choáng váng khi nhận hóa đơn tiền điện lên tới gần 90 triệu đồng. Đó là gia đình bà Đào Thị Gái (74 tuổi, ở thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) có 3 nhân khẩu, hàng tháng gia đình bà thường chỉ đóng tiền điện khoảng 200 số và không có nhiều thiết bị điện. Nhưng vừa rồi, bà nhận hóa đơn tiền điện lên tới gần 90 triệu đồng, tương đương 27.000 số điện.

Sau khi nhận được phản ánh của gia đình bà Gái, Công ty điện lực Quảng Ninh đã kiểm tra lại và thấy có sơ suất trong quá trình ghi số công tơ. Sau khi xác định nguyên nhân sai sót, lãnh đạo Điện lực Vân Đồn và gia đình bà Đào Thị Gái đã thống nhất sản lượng điện năng tiêu thụ tháng 6/2020 là 200 kWh, với số tiền điện là 368.335 đồng. Điện lực Vân Đồn đã thực hiện hủy hóa đơn cũ và lập hóa đơn mới để khách hàng thanh toán tiền điện đúng với sản lượng điện năng đã sử dụng trong tháng 6/2020.

Trước sự việc này, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chỉ đạo Điện lực Vân Đồn kiểm điểm nghiêm khắc tập thể và các cá nhân có liên quan. Trước mắt, yêu cầu tạm thời đình chỉ Trưởng phòng kinh doanh Điện lực Vân Đồn và yêu cầu các Điện lực địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác ghi chỉ số công tơ, để phát hiện kịp thời những công tơ có sản lượng điện tăng bất thường.

Nhiều vấn đề cần xem xét lại

Trước những bức xúc của người dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh dẫn đến tiền điện tăng.

Số liệu thống kê cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.

Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.

Điều dễ nhận ra là chỉ với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng lên nhiều và kèm theo đó là chi phí sử dụng điện cũng tăng theo. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh và chỉ sử dụng quạt làm mát, thì chi phí này thay đổi không nhiều.

Về vấn đề này, ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam phân tích, nắng nóng là một nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao, bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ việc ngành Điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Hiện, giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh) và cách tính này không còn phù hợp.

Người dùng ở hai bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp; dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh - được coi là nhóm người giàu, trả tiền cao nhất.

Nhưng xét ở mức chênh lệch giá giữa các bậc thì bậc 1 và 2 chênh nhau 56 đồng một kWh, còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. Mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.

Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), hiện có nhiều mô hình tính tiền điện khác nhau, từ đó dẫn đến kết quả khác nhau. Việt Nam đang áp dụng cách tính giá điện theo bậc thang, nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm điện.

“Tuy nhiên, giá điện bậc thang theo tháng có hệ quả không mong muốn là gây ra chênh lệch giữa các tháng. Ngày trước, nhu cầu sử dụng điều hoà nhiệt độ của người dân chưa cao, thì sự chênh lệch giữa các tháng không quá lớn, nhưng hiện nay thì sự khác biệt giữa các tháng nóng và lạnh khá lớn, nên hệ quả này cần được cân nhắc kỹ”, ông Đức cho hay.

Theo ông Đức, giải pháp cho vấn đề này có thể xem xét tính tiền điện theo năm. Ví dụ, biểu giá luỹ tiến với các mức là 100 kWh, 200 kWh/tháng thì đổi thành 1.200 kWh, 2.400 kWh/năm, như vậy sẽ loại bỏ sự khác biệt giữa tháng nóng và lạnh. Còn tiền điện vẫn có thể được thu theo tháng để bảo đảm dòng tiền, số tiền thu mỗi tháng là tạm tính, dựa trên số liệu năm trước đó và đến cuối năm chốt số, ghép vào bậc thang rồi quyết toán.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện chiều 22/6, trước thông tin dư luận phản ánh về việc trong thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ vấn đề này; nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm.

Theo Thu Trang/Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast