Giữ vững thương hiệu cho sản phẩm trong môi trường cạnh tranh

Xác lập tài sản trí tuệ (TSTT), đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một trong những phương tiện hữu hiệu nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho mỗi sản phẩm. Để phát huy hiệu quả của tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT), trước hết, bản thân mỗi doanh nghiệp (DN), đơn vị sản xuất phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Theo Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh (Hadiphar) Võ Đức Nhân, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, nếu DN, đơn vị sản xuất không xây dựng chiến lược SXKD hợp lý, không tạo dựng được thương hiệu đủ mạnh để xác lập chỗ đứng trên thị trường sẽ rất khó duy trì đà tăng trưởng. Bởi vậy, thời gian qua, Hadiphar luôn quan tâm đến vấn đề bảo hộ các TSTT, bảo vệ thương hiệu của Công ty cũng như các sản phẩm trước và sau khi đưa ra thị trường. Tất cả sản phẩm của Công ty đều được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại và kiểu dáng công nghiệp tại Cục SHTT.

Các sản phẩm mang thương hiệu Hà Tĩnh được trưng bày tại hội nghị xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ do Bộ KH&CN tổ chức.
Các sản phẩm mang thương hiệu Hà Tĩnh được trưng bày tại hội nghị xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ do Bộ KH&CN tổ chức.

Cũng theo ông Nhân, để tăng cường công tác quản lý, bảo hộ TSTT, các DN, đơn vị đã tham gia các diễn đàn DN, chương trình tập huấn về TSTT và các cuộc thi về nhãn hiệu cạnh tranh. Đồng thời, đăng ký tham gia công bố sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu với các tổ chức chuyên giám sát nhãn hiệu cạnh tranh… để giữ được thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo khảo sát của Sở KH&CN, tính đến tháng 6/2013, Hà Tĩnh có 304 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được nộp. Việc tham gia xác lập TSTT đã giúp các DN nâng cao nhận thức về vai trò của thương hiệu nói riêng và SHTT nói chung đối với hoạt động SXKD của DN trong thời kỳ hội nhập. Các thương hiệu được đăng ký bảo hộ góp phần nâng cao uy tín của DN trên thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao doanh thu và hiệu quả SXKD.

Phó phòng Quản lý công nghệ - SHTT (Sở KH&CN) - Trần Mạnh Hùng cho biết, để các DN, đơn vị sản xuất có cách nhìn đầy đủ hơn về xác lập tài sản SHTT, hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT luôn được quan tâm nhằm đáp ứng các nhu cầu về kiến thức SHTT cho công chúng và DN trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính từ đầu năm lại nay, các cơ quan chuyên môn đã tư vấn, hướng dẫn cho 38 lượt tổ chức, cá nhân làm các hồ sơ thủ tục bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu; 1 cá nhân đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; 1 DN về thủ tục sửa đổi văn bằng; cung cấp thông tin về sở hữu công nghiệp cho 5 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Công tác hỗ trợ phát triển TSTT của địa phương tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trong hoạt động phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các dự án tuyên truyền và bảo hộ quyền SHTT cho các đặc sản địa phương góp phần không nhỏ nâng cao giá trị và lợi ích của người dân. Ngoài ra, dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên Đài PT-TH Hà Tĩnh” giai đoạn 2 triển khai một cách hiệu quả, nội dung và chất lượng phong phú, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xác lập tài sản SHTT, công tác thực thi quyền SHTT trên địa bàn từng bước được tăng cường. Năm 2012-2013, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, phát hiện 11 vụ vi phạm về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý; tiếp nhận và giải quyết 1 đơn tố cáo hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu “Cao Phong” của Công ty TNHH Nam Cơ Nam Ninh - Trung Quốc ủy quyền cho Công ty TNHH TM&DV Lắp máy Miền Nam đại diện thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Đức Quang, những năm qua, vai trò của SHTT đối với việc phát triển KT-XH tỉnh nhà từng bước được khẳng định, đặc biệt là trong các hoạt động: hỗ trợ phát triển, nâng cao giá trị cho các đặc sản địa phương. Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT của địa phương còn một số khó khăn, tồn tại. Nguồn nhân sự trong quản lý nhà nước về SHTT của địa phương còn thiếu, một số ngành chưa bố trí được cán bộ chuyên trách quản lý về SHTT. Mặt khác, DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN nhỏ, lẻ, tiềm năng yếu nên chưa chú trọng đến hoạt động bảo vệ và khai thác quyền SHTT...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast