Cần quan tâm quy hoạch nguồn nhân lực trong cơ cấu lại vùng kinh tế

(Baohatinh.vn) - Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nhấn mạnh, trong công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế giai đoạn 2021-2026, cần phải quan tâm quy hoạch nguồn nhân lực.

Sáng nay (5/11), Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận ở hội trường về KT-XH, ngân sách Nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Cần quan tâm quy hoạch nguồn nhân lực trong cơ cấu lại vùng kinh tế

Kỳ họp thứ 10 tiếp tục thảo luận ở hội trường về KT-XH

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đánh giá, giai đoạn 2016-2021, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đã dịch chuyển theo hướng tích cực, khai thác ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất.

Tuy nhiên, Chính phủ và nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai, chưa xác định rõ bước đi, thiếu trọng tâm, thiếu tính đột phá trong cơ cấu lại vùng kinh tế dẫn đến chưa có sự liên kết phát triển vùng hoặc liên kết còn lỏng lẻo, chưa phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của từng vùng, địa phương; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Thực trạng công tác quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực vẫn chưa gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ yếu lồng ghép trong các báo cáo KT-XH hàng năm và giai đoạn.

Đại biểu đề nghị Quốc hội có sự giám sát chặt hơn về lộ trình thực hiện cơ cấu lại ngành, vùng lãnh thổ của các địa phương.

Đại biểu nhận định, công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế theo Nghị quyết 24 chưa thực sự quan tâm đến quy hoạch nguồn nhân lực. Đại biểu dẫn chứng về nhân lực giáo viên từ mầm non đến THPT, tính đến tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 45 nghìn giáo viên mầm non, hơn 18 nghìn giáo viên tiểu học, hơn 11 nghìn giáo viên THCS và hơn 10 nghìn giáo viên THPT.

Mặc dù hàng năm các địa phương đã tổng hợp báo cáo nhu cầu giáo viên gửi các bộ chuyên ngành nhưng các cấp chính quyền lại không chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, rất ít sinh viên dự tuyển khối sư phạm. Cho dù mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP với mức hỗ trợ sinh viên sư phạm 3,63 triệu đồng/tháng, đại biểu băn khoăn liệu có giải quyết tận gốc vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành sư phạm hay không, vì chất lượng nhiều sinh viên sư phạm trong những năm gần đây không đảm bảo.

Cần quan tâm quy hoạch nguồn nhân lực trong cơ cấu lại vùng kinh tế

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại buổi thảo luận. (Ảnh. Lâm Hiển)

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng cũng cần có lượng lớn nhân lực chất lượng cao nhằm hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế để chuyển giao và áp dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thực hiện kinh tế số… Hàng năm Chính phủ luôn đưa ra nhiệm vụ này nhưng chính sách, kế hoạch cân đối, chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực thiếu hụt trên lại không được thực hiện một cách quyết liệt, qua nhiều năm vẫn nêu lại hạn chế tồn tại là do nguồn nhân lực chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, sinh viên đăng ký các ngành học chủ yếu là tự phát, dựa trên năng lực, sở thích, tiềm lực kinh tế gia đình hay vào tự dự đoán thị trường hiện tại về ngành, lĩnh vực mà chưa được dựa trên dự báo, cân đối hay sắp xếp của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này gây ra sự thừa thiếu cục bộ về nhân lực trong toàn bộ nền kinh tế.

Nhấn mạnh nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia, trong công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế giai đoạn 2021-2026, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần phải quan tâm quy hoạch nguồn nhân lực.

Bên cạnh định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, cần chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhân lực, có chính sách, lộ trình đào tạo, bố trí, sắp xếp, thu hút nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp một cách có hiệu quả và đúng hướng, đồng thời cần có sự tính toán, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trên các ngành, lĩnh vực để qua đó người học đăng ký vào các ngành mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast