Dự án khí sinh học: Xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch cho nông dân

Những năm qua, mặc dù có bước phát triển đáng mừng, song ngành chăn nuôi Hà Tĩnh chủ yếu mang tính tự phát nên đa phần quy mô nhỏ lẻ, dẫn tới ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Dự án “Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi 2007 - 2011” do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan thực hiện đã từng bước khắc phục vấn đề này.

Theo ông Ngô Thắng – Cán bộ Văn phòng Dự án khí sinh học Hà Tĩnh, sau khi triển khai thí điểm thành công ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ năm 2007, dự án bắt đầu triển khai đại trà trong cả nước và kể từ giai đoạn 2010 – 2011, Hà Tĩnh vinh dự được tham gia vào quá trình này. Theo đó, các hộ gia đình nuôi từ 5 – 10 con lợn trở lên sẽ được dự án hỗ trợ 1,2 triệu đồng xây dựng bể biogas với thể tích dao động từ 7 – 10 m3 (chi phí xây dựng trên 7 triệu đồng).

Nhân dân phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) xây dựng hầm biogas
Nhân dân phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) xây dựng hầm biogas

Về nguyên lý, bể khí sinh học hoạt động theo chu trình gồm 2 giai đoạn: giai đoạn tích khí và giai đoạn sử dụng khí. Mỗi gia đình nuôi trên 5 con lợn với trọng lượng bình quân từ vài chục kg trở lên thì lượng phân thải ra có thể chuyển hóa thành khí gas thoải mái cho việc thắp sáng và nấu nướng trong ngày.

Mục tiêu tổng thể của dự án là góp phần phát triển nông thôn thông qua việc sử dụng công nghệ khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân, góp phần bảo vệ sức khoả cộng động, tạo thêm công ăn việc làm ở nông thôn và giảm thiểu sử dụng nguyên liệu hoá thạch, giảm hiện tượng phá rừng và giảm phát thải khí nhà kính.

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Văn phòng Dự án khí sinh học tỉnh, Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư Hà Tĩnh đã tập trung điều tra, khảo sát, tuyên truyền vận động người dân tham gia, đồng thời phối hợp với các phòng nông nghiệp, trung tâm chuyển giao KHCN, hội nông dân, hội phụ nữ huyện tập huấn cách vận hành, bảo dưỡng công trình, đồng thời gửi 13 kỹ thuật viên (là kỹ sư ở các Trung tâm chuyển giao KHCN huyện, thành, thị) và 30 thợ xây dựng công trình (do các huyện tuyển và hợp đồng trách nhiệm) đi đào tạo ở trung ương.

Sau khi trở về, các kỹ thuật viên và thợ xây dựng này đã trực tiếp thi công 328 bể biogas theo thiết kế (áp dụng công nghệ khí sinh học nắp cố định vòm cầu kiểu KT1 và KT2) và đảm bảo chất lượng, trong đó, năm 2010 toàn tỉnh xây 203 bể và quý 1 năm 2011 xây 125 bể. Điển hình trong triển khai chương trình này (tính đến cuối tháng 3 – 2011) là huyện Cẩm Xuyên với 155 bể, tiếp đó là Thạch Hà 66 bể, Hương Sơn 35 bể, thành phố Hà Tĩnh 32 bể, Can Lộc 31 bể…

Cán bộ chương trình kiểm tra việc xây dựng hầm biogas tại phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh)
Cán bộ chương trình kiểm tra việc xây dựng hầm biogas tại phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh)

Nhờ công nghệ khí sinh học từ các bể biogas, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã có thể quản lý nguồn phân chuồng, xử lý chất thải, đồng thời sản xuất ra nguồn năng lượng (khí biogas) tái tạo từ quá trình xử lý chất thải để phục vụ đun nấu và thắp sáng, đó là chưa kể, nếu sử dụng đúng cách, bã thải khí sinh học còn là loại “phân hữu cơ” sạch và giàu dinh dưỡng giúp nâng cao năng suất, chất lượng rau, quả và cải tạo đất, kiểm soát sâu bệnh.

Kết quả bước đầu từ Dự án “Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi” đang là tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình, trước mắt là hoàn thành 700 bể biogas dự kiến xây dựng trong năm 2011 này, trong đó, đặc biệt chú trọng vào 235 xã nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, Văn phòng Dự án khí sinh học Hà Tĩnh kiến nghị Văn phòng trung ương cần thường xuyên đánh giá chất lượng các công trình đã xây dựng cũng như việc lưu giữ hồ sơ; kịp thời chuyển tiền hỗ trợ cho người dân (qua đường bưu điện); bổ sung tài liệu kỹ thuật (tờ rơi giới thiệu công nghệ, sổ tay sử dụng khí sinh học) để tổ chức tập huấn trước và sau xây dựng công trình cho các hộ dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast