Câu chuyện tuyệt vời đằng sau bản quốc ca Pháp

La Marseillaise, bản quốc ca Pháp, hiện đang gây chú ý trở lại và đã vang lên nhiều nơi kể từ sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris vào đêm 13/11. Người ta hẳn sẽ càng ngưỡng mộ ca khúc này hơn, nếu như hiểu rõ lịch sử tuyệt vời của nó.

Sau khi xảy ra các vụ tấn công ở Paris, La Marseillaise được phát liên tục trên các đài phát thanh, xen lẫn với các ca khúc pop ăn khách. Bài hát này cũng vang lên tại nhiều thính phòng hòa nhạc, gần đây nhất là ở Nhà hát Metropolitan tại New York hồi cuối tuần qua.

Biểu tượng của tình đoàn kết

Rất nhiều người đã tải các video clip ghi màn trình diễn ca khúc La Marseillaise lên mạng. Và đêm 17/11, khoảng 70.000 người hâm mộ bóng đá cũng hát vang ca khúc này tại Sân vận động Wembley, nơi đội tuyển bóng đá Pháp có trận đấu với đội Anh.

"La Marseillaise" đã đồng hành cùng người dân Pháp trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này

"La Marseillaise" đã đồng hành cùng người dân Pháp trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này

Có thể nói, vào tuần trước, La Marseillaise vẫn chỉ là một bản quốc ca của nước Pháp. Nhưng sau thảm kịch, nó bất ngờ trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết của người dân trên thế giới, bất kể họ có nói tiếng Pháp hay không. Đây là bước ngoặt thú vị với ca khúc có bề dày lịch sử này.

La Marseillaise được Claude Joseph Rouget de Lisle, một người lính 31 tuổi đồng thời là một nghệ sĩ vĩ cầm không chuyên, sáng tác hồi năm 1792. Đêm 25/4 năm đó, Rouget de Lisle đang ở Strasbourg, trong tâm trạng lo ngại Áo sẽ mang quân sang dập tắt cuộc Cách mạng Pháp và khôi phục toàn bộ quyền lực của Vua Louis XVI.

Thị trưởng Strasbourg thời bấy giờ đã tuyệt vọng muốn tìm điều gì đó tạo cảm hứng chiến đấu cho người dân thành phố. Sau khi biết Rouget de Lisle có tài làm thơ và viết nhạc, ông đã khẩn nài người lính trẻ này phải sáng tác một tác phẩm nào đó, có khả năng nâng cao tinh thần của mọi người.

Trở về trong trạng thái nửa say nửa tỉnh sau cuộc gặp với Thị trưởng Strasbourg, Rouget de Lisle lập tức lao vào sáng tác và sau vài tiếng đã cho ra đời La Marseillaise.

Ông có "thuổng" phần nhạc từ một ca khúc ăn khách thời ấy và lấy nửa phần lời từ các khẩu hiệu cổ động được viết đầy lên các bức tường ở thành phố khi ấy. Nhưng không thể phủ nhận một điều rằng tác phẩm ông tạo ra chứa đầy tinh thần phản kháng, đã truyền cảm hứng cho bất kỳ ai nghe nó:

“Hãy tiến lên, hỡi những người con của Tổ quốc

Ngày vinh quang đã đến rồi,

Chúng ta hãy chống lại sự áp bức,

Ngọn cờ nhuốm máu đã giương lên.

Hãy cầm lấy vũ khí hỡi các công dân!

Ban đầu, Rouget de Lisle đặt tên cho bài hát là Chant De Guerre De L'armée Du Rhein (Hành khúc quân sông Rhein), ám chỉ rằng lính Pháp sẽ ra trận tại khu vực sông Rhein và đuổi quân đội liên minh Áo - Phổ ra khỏi đất nước.

Sáng hôm sau, trước đoàn quân tình nguyện và dân chúng thành phố Strasbourg, Rouget de Lisle đã cất tiếng hát và mọi người xúc động. Sau đó, bài hát được phổ biến nhanh chóng khắp nước Pháp.

Ngày 30/7/1792, đoàn quân tình nguyện của thành phố Marseille kéo về bảo vệ thủ đô đã hát bài ca cách mạng này trên đường phố Paris. Vì thế, công chúng Paris gọi ca khúc này là La Marseillaise (Bài ca của người Marseill).

Một ca khúc truyền cảm hứng

Trong thời khắc đau thương, khi các vụ khủng bố vừa diễn ra, phần ca từ của La Marseillaise đã tạo được sự cộng hưởng trên toàn thế giới. Trong khi đó, phần nhạc của ca khúc cũng truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ khác và làm thay đổi suy nghĩ của họ.

Từ nhà soạn nhạc Đức Richard Wagner tới ban nhạc Anh huyền thoại Beatles, từ Debussy tới Serge Gainsbourg đều đã lấy cảm hứng dựa trên ca khúc này trong các sáng tác của mình. Nhà soạn nhạc Nga Tchaikovsky cũng đưa giai điệu của ca khúc này vào bản Overture (Khúc dạo đầu) hồi năm 1812.

La Marseillaise đã truyền cảm hứng cho người dân Pháp trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này. Một tướng Pháp từng tuyên bố, La Marseillaise có giá trị bằng 1.000 người lính tham gia một cuộc chiến. Còn một nhà thơ Đức thì viết La Marseillaise có “trách nhiệm” trong cái chết của 50.000 người lính quê hương ông.

Tại Thế chiến I và Thế chiến II, La Marseillaise được hát liên tục ở Pháp, với nỗ lực truyền cảm hứng cho người dân. Vài ngày trở lại đây, cư dân mạng đã liên tục chia sẻ một đoạn video trích từ bộ phim kinh điển Casablanca (1942), nhằm thể hiện tình đoàn kết với nước Pháp.

Trong đoạn video có hình ảnh nhân vật Victor Laszlo (Paul Henreid thủ diễn) chỉ huy các khách hàng trong một quán bar hát đầy ngẫu hứng bài La Marseillaise, nhằm át đi âm thanh phát ra từ phía một nhóm lính Đức đang hát quốc ca Đức.

Theo Việt Lâm/Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast