Bảo vệ cơ quan, đơn vị cấp cơ sở: "Xé rào" hóa giải bất cập!

(Baohatinh.vn) - Tại các cơ quan UBND xã, trường học, ngoài cơ sở vật chất, còn lưu trữ nhiều tài liệu, chứng từ, con dấu... rất quan trọng. Trong khi đó, “lỗ hổng” của chính sách là chưa có một văn bản cụ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương dẫn đến phát sinh những... nghịch lý.

Chưa có quy định vẫn phải thuê bảo vệ

Khi làm việc về nội dung bảo vệ tại các cơ quan cấp xã, đại diện Sở Nội vụ cho hay: Đến nay, chưa có văn bản nào quy định về công tác bảo vệ UBND xã. Nơi nào linh động thì bố trí bảo vệ kiêm một nhiệm vụ gì đó không chuyên trách để bố trí lương, còn lại mỗi nơi làm một kiểu. Về bảo vệ nhà trường thì hầu như trường nào cũng có, tuy nhiên, chưa có văn bản cụ thể.

bao ve co quan don vi cap co so xe rao hoa giai bat cap

Ngoài nhiệm vụ trông coi cơ sở vật chất, bảo vệ các cơ quan ở cơ sở còn phải làm thêm nhiều việc. Trong ảnh: Bảo vệ Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên nhà trường.

Trao đổi cụ thể về vấn đề này, ông Phan Hữu Tuất - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Hà cho hay: “Các văn bản quy định thì chưa thấy nhưng thực tế, đã sinh ra cơ quan thì phải có người bảo vệ. Vì thế, 31 xã, thị trấn đều có bảo vệ nhưng do hai bên tự ký kết hợp đồng lao động, tự thỏa thuận nội dung công việc, tiền lương, đa phần từ 1-2 triệu đồng. Đối với các nhà trường thì tất cả các trường trên địa bàn đều phải thuê bảo vệ”.

Thực tiễn tại các xã cũng cho thấy, việc ký kết hợp đồng bảo vệ là cần thiết vì tài sản có giá trị của cơ quan ngày càng nhiều. Đó là chưa nói, nhiều đợt cấp quà hàng trăm triệu đồng, hàng trăm tấn gạo hỗ trợ người dân ảnh hưởng sự cố môi trường, bão lũ thiên tai cần thiết phải có bảo vệ canh giữ.

Chưa có văn bản nào quy định đã đành nhưng một số văn bản khác còn quy định chặt chẽ quyền hạn trong ký kết hợp đồng lao động. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định cấp xã, phường không có thẩm quyền ký đối tượng là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Trong khi đó, Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17/11/2000 của Chính phủ về “Thực hiện chế độ hợp đồng một số loại việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp” mặc dù có bảo vệ nhưng quy định chỉ áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Nam Phong cũng cho rằng, không có quy định về công tác bảo vệ ở xã là bất cập. Ông cung cấp thêm, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 165/2015/NQ-HĐND, ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh “Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và những người thực hiện nhiệm vụ khác theo Nghị định 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ” và Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND, ngày 15/1/2016 của UBND tỉnh quy định về số lượng, chức danh phụ cấp những người hoạt động không chuyên trách đều không có chức danh bảo vệ.

Bên cạnh đó, theo Luật BHXH năm 2014, đối với hợp đồng lao động có thời hạn trên 3 tháng thì người lao động phải được đóng BHXH, trong khi hầu hết bảo vệ các xã, trường học trên địa bàn đều không được thụ hưởng quyền lợi.

Nghịch lý xây nhà bảo vệ và chi trả tiền lương

Không có quy định về công tác bảo vệ, nhưng nghịch lý thay, rất nhiều trụ sở hành chính xã đều xây nhà bảo vệ. Tại Can Lộc, xã Tiến Lộc, thị trấn Nghèn đều xây dựng nhà bảo vệ với chi phí từ 70 - 100 triệu đồng/nhà. Một số xã tại Thạch Hà, nhà bảo vệ được xây dựng với kinh phí lên tới hơn 120 triệu đồng...!

bao ve co quan don vi cap co so xe rao hoa giai bat cap

Bảo vệ thiếu tính chuyên nghiệp nên dù ban ngày, bóng điện tại nhà bảo vệ của Trường THCS Phúc Thăng vẫn không được tắt.

Về phía nhà trường, tuy quy mô và chất lượng khác nhau nhưng tất cả các trường học đều xây nhà bảo vệ. Trong khi đó, quy định về bảo vệ không rõ ràng đã đành, nhưng tại Thông tư 41/TT/2010/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2010 ban hành Điều lệ Trường Tiểu học và Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong quy định về “cơ cấu khối công trình” đều không có nhà bảo vệ. Vậy trách nhiệm xây dựng nhà bảo vệ thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Trong khi, tính tổng thể chi phí cho nhà bảo vệ, UBND cấp xã và các trường học trên toàn tỉnh là rất lớn.

Một khó khăn khác, đó là việc chi trả tiền lương. Hiện nay, tiền lương của bảo vệ trụ sở xã đang “rút” từ ngân sách địa phương. Trong khi, theo một lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thạch Hà, việc chi trả tiền từ ngân sách nhà nước phải có quy định chặt chẽ theo danh mục. Đối với nhà trường, việc chi trả tiền cho bảo vệ, nhà trường đang thực hiện mỗi nơi một kiểu.

Thầy Võ Đức Đại - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc nói: “Việc chi trả tiền bảo vệ nhà trường có thời điểm là do UBND xã lo, đến nay thì hầu hết các trường tự chi trả trong nguồn chi thường xuyên; một số xã cũng hỗ trợ các trường chi trả tiền bảo vệ vì kinh phí của trường quá eo hẹp”.

Lời kết

Trong bối cảnh tình hình tội phạm gia tăng như hiện nay và từ thực tế trên, thiết nghĩ, đã đến lúc cần tạo ra cơ sở pháp lý chặt chẽ về công tác bảo vệ để các cơ quan có căn cứ giải quyết các vấn đề thiết thực như: Quy định cụ thể về hợp đồng, tiền lương, quyền hạn nhiệm vụ, chế độ đóng BHXH... Hơn nữa, có cơ sở pháp lý thì người bảo vệ cũng sẽ được bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp chứ không như hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast