Giấc mơ có thật của bóng đá Việt Nam

Không phải đội tuyển bóng đá nữ với World Cup 2023 mà bóng đá Việt Nam với đội tuyển nam đã hơn một lần đề cập đến giấc mơ World Cup và giờ đây chúng ta đang đi trên lộ trình hiện thực hóa giấc mơ ấy với đích ngắm là năm 2026.

Giấc mơ có thật của bóng đá Việt Nam

Mục tiêu đến với World Cup như động lực phát triển của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VFF

Ông Trần Quốc Tuấn đã được sự tín nhiệm của các tổ chức thành viên tại Đại hội thường niên hôm 9/1 để trở thành Quyền Chủ tịch của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và trong lời phát biểu ngay sau đó, mục tiêu World Cup với bóng đá Việt Nam thêm một lần nữa được nhắc đến.

Sở dĩ bóng đá Việt Nam đặt ra cột mốc 2026 để thực hiện mục tiêu ấp ủ bấy lâu nay, biến giấc mơ World Cup trở thành sự thật là bởi lẽ, đó là thời điểm quy mô của giải đấu được nâng lên thành 48 đội. Hơn thế, sự chuẩn bị dài hơi của những người làm bóng đá Việt Nam cả về nhân tài và vật lực cũng cần phải được lên kế hoạch chi tiết và có thời gian để kiểm chứng hiệu quả.

Bất luận đó là mục tiêu lớn lao là World Cup hay các kế hoạch ngắn hạn thì bóng đá Việt Nam nói chung và đội tuyển Việt Nam nói riêng cũng rất cần có sự chuẩn bị bài bản, khoa học và chi tiết, đúc rút kinh nghiệm từ những thất bại, giải đấu không thành công trong quá khứ.

Đội tuyển Việt Nam đã không bảo vệ được thành công chức vô địch AFF Cup 2021, thua cả 6 trận đã qua tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 nhưng chỉ tính riêng trước mắt, trong năm 2022, vẫn còn những mục tiêu quan trọng khác cần phải hoàn thành như: SEA Games, giải U23 Đông Nam Á, U23 châu Á, Asiad 2022, AFF Cup 2022.

Và cũng không thể quên nửa còn lại của vòng loại thứ 3 World Cup 2022, dù không còn cơ hội đi tiếp nhưng ở 4 trận đấu tới đây với Australia, Trung Quốc, Oman và Nhật Bản, đó đều không đơn thuần chỉ là các trận cầu thủ tục.

Chính từ những trận đấu mang tính tập dượt như thế khi đối đầu với các đối thủ hàng đầu châu lục, thầy trò HLV Park Hang Seo mới biết mình đang ở đâu, còn thiếu hụt và khoảng cách như thế nào để tìm cách thu hẹp, tiên tới một thời điểm nào đó trong tương lai có thể cạnh tranh sòng phẳng với họ.

Một khi đã và đang nuôi dưỡng giấc mơ World Cup và quyết tâm thực hiện, vạch ra lộ trình đến năm 2026 biến mục tiêu đó thành hiện thực thì dù muốn hay không, đội tuyển Việt Nam vẫn sẽ phải đối đầu và tìm cách vượt qua các đối thủ mạnh ở khu vực châu Á.

Đội tuyển Việt Nam phải mất 10 năm mới có thể lần thứ 2 vô địch Đông Nam Á thì với tấm vé dự World Cup không biết thời gian chờ đợi sẽ là bao lâu nữa, chỉ biết chắc chắn một điều, sẽ cần có sự chuẩn bị dài hơi và bài bản.

Ngay cả khi số lượng đội bóng được tham dự World Cup tăng lên thành 48 thì cũng không thể có chuyện ngày một, ngày hai bóng đá Việt Nam hiện thực hóa được giấc mơ vàng mà chỉ ít năm trước đây thôi, khá nhiều người trong chúng ta còn coi đó là điều không tưởng.

Và tất nhiên không chỉ có đội tuyển Việt Nam mà rất nhiều đội bóng ở châu Á, Đông Nam Á đều lên kế hoạch cho World Cup 2026, ta tiến họ cũng tiến và tất cả cùng chạy đua quyết liệt cho mục tiêu lớn ngàn năm có một.

Chỉ nhìn từ phạm vi hẹp là AFF Cup, giải đấu quy mô khu vực Đông Nam Á mà sự cạnh tranh với đội tuyển Việt Nam đã quyết liệt như thế rồi thì chắc chắn, khi mở rộng ra Asian Cup, vòng loại World Cup, khó khăn, thử thách còn tăng lên gấp bội, đồng nghĩa với số lượng đối thủ cạnh tranh cũng gia tăng và trình độ vượt trội.

World Cup với bóng đá Việt Nam là câu chuyện có thật với mục tiêu rõ ràng, thời điểm cụ thể và để thực hiện đòi hỏi sự đầu tư bài bản, khoa học, kế hoạch dài hơi, chi tiết. Hơn tất cả, nó còn đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của rất nhiều người.

Theo Lâm Chi/TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast