Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: Người dân hưởng lợi

Chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) cho ngành điện quản lý để bán điện trực tiếp tới được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết quả từ chủ trương đúng đắn này ở Hà Tĩnh đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn và cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Điều dễ nhận thấy nhất sau khi tiếp nhận LĐHANT là người dân được hưởng lợi. Chị Trần Thị Hải – chủ kho đông lạnh ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết: “Gia đình tôi làm nghề thu mua, xuất khẩu thủy sản, có kho chứa bình quân 8 tấn/ngày. Trước đây, mỗi tháng gia đình phải chi trả hơn 7 triệu đồng tiền điện, nhưng sau khi bàn giao lưới điện cho ngành điện trực tiếp quản lý, tôi chỉ phải trả 5 triệu đồng”.

Theo chị Hải, điều quan trọng hơn đối với chị cũng như nhiều hộ sản xuất kinh doanh ở Thạch Kim là ngoài việc được hưởng giá điện rẻ hơn, người dân còn được sử dụng chất lượng điện tốt hơn nhiều so với trước. Nếu trước đây, điện chập chờn dễ gây hư hỏng các máy móc, thiết bị và sản phẩm thì nay hiện tượng đó không còn.

Hệ thống lưới điện nông thôn xã Mỹ Lộc (Can Lộc) do ngành điện đầu tư nâng cấp đảm bảo an toàn, chất lượng được cải thiện.
Hệ thống lưới điện nông thôn xã Mỹ Lộc (Can Lộc) do ngành điện đầu tư nâng cấp đảm bảo an toàn, chất lượng được cải thiện.

Cùng niềm vui với nhiều người dân vùng nông thôn sau khi được sử dụng lưới điện do ngành điện quản lý, anh Nguyễn Huy Nhân ở xã Thạch Kênh (Thạch Hà) cho biết: Hệ thống lưới điện (nhất là nhánh rẽ 0,2 kV) trong xã được nâng cấp, cải tạo, khiến chúng tôi yên tâm hơn về an toàn điện. Trước đây, nguồn điện yếu, bán kính cấp điện xa lại hay xảy ra sự cố, nhất là những ngày mưa bão… Nếu trước chỉ thắp sáng được bóng đèn, thì nay dùng được cả máy xay xát, ti vi...

Ở thời điểm năm 2008, Hà Tĩnh có 230 HTX dịch vụ kinh doanh điện nông thôn quản lý, bán điện. Nhược điểm của các tổ chức trên là trình độ quản lý và chuyên môn còn hạn chế, không ít cán bộ, nhân viên chưa qua đào tạo. Lực lượng quản lý nhiều so với khối lượng công việc dẫn đến chi phí nhân công lớn, làm tăng giá bán điện.

Kiểm tra bảo đảm đường điện an toàn - một công việc thường xuyên của ngành Điện.
Kiểm tra bảo đảm đường điện an toàn - một công việc thường xuyên của ngành Điện.

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh có giá điện tăng 40-60%, thậm chí có nơi giá điện tăng 100%. Ngoài ra, các HTX dịch vụ điện hạch toán thu chi tiền điện chưa bảo đảm quy định; hệ thống công tơ không bảo đảm chất lượng theo quy định của Pháp lệnh Đo lường. Với quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả nên các đơn vị trên không có điều kiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện dẫn đến tổn thất điện năng lớn, không an toàn.

Quyết định 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chậm nhất vào ngày 1/9/2009, các đơn vị kinh doanh điện phải chuyển sang thực hiện bán điện theo giá bán lẻ bậc thang. Sau thời hạn trên, nếu các tổ chức kinh doanh điện nông thôn không đủ điều kiện để kinh doanh bán điện theo giá bậc thang, UBND cấp tỉnh chỉ đạo bàn giao cho các công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận.

Ông Nguyễn Đình Lộc - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết: “Thực hiện chủ trương bàn giao LĐHANT cho ngành điện quản lý của Chính phủ, Sở đã chỉ đạo Điện lực Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý điện nông thôn làm cơ sở cho việc bàn giao. Đến nay, Điện lực Hà Tĩnh đã tiếp nhận, quản lý 96/230 xã và ký hợp đồng mua bán điện mới với 75.178 khách hàng”.

Hà Tĩnh là tỉnh nghèo nên việc tiếp nhận, đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, sau khi tiếp nhận lưới điện ở các xã, ngành điện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo tối thiểu hệ thống lưới điện: thay thế dây dẫn, cột, xà các tuyến xung yếu, hộp công-tơ, công-tơ đo đếm để đảm bảo cho việc cấp điện. Bước đầu, chất lượng điện năng được cải thiện, an toàn điện được củng cố, người dân được hưởng đúng biểu giá điện theo quy định của nhà nước, tổn thất điện năng giảm từ 37% (trước khi tiếp nhận) xuống còn 20,2%, ước tính mỗi năm tiết kiệm được hàng tỷ đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast