Điều hành giá linh hoạt, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm

(Baohatinh.vn) - Thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá ở Hà Tĩnh cần tiếp tục được thực hiện một cách chủ động và linh hoạt để đảm bảo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân toàn cả năm ở mức khoảng 4%.

Điều hành giá linh hoạt, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm

Giá xăng được điều chỉnh giảm trong thời gian qua đã làm các chi phí đầu vào giảm đáng kể, chỉ số CPI được kiểm soát tốt hơn.

Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế, giá cả thị trường trong và ngoài nước có nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. CPI bình quân 8 tháng đầu năm toàn tỉnh tăng 1,77% so với cùng kỳ, mức tăng tương đương các năm trước.

Trên thị trường tiêu dùng, các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước sinh hoạt… Đặc biệt, các giải pháp được triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu đã làm các chi phí đầu vào giảm đáng kể, chỉ số CPI được kiểm soát tốt.

Điều hành giá linh hoạt, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm

Cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao khiến giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng lên.

Tuy nhiên, chỉ số CPI được ngành chuyên môn dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm. Nhiều yếu tố bất lợi tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tiêu dùng và quá trình điều hành giá trên thị trường đòi hỏi các cơ quan quản lý cần theo dõi, chủ động hơn.

“Thông thường càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao khiến giá lương thực, thực phẩm trong đó có gạo tẻ, dầu ăn, đường, thịt lợn, thịt gia cầm… có khả năng tăng lên, nhất là trong các đợt lễ, tết quan trọng. Việc tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình của người dân đang hồi phục nhanh trở lại cũng được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc điều hành thị trường” - Trưởng phòng Thống kê kinh tế (Cục Thống kê Hà Tĩnh) Trần Hoài Nam nhận định.

Trong khi đó, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới vẫn đang “neo” ở mức cao ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp đã đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tác động tiêu cực đến thị trường cuối năm.

Điều hành giá linh hoạt, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm

Nhiều sản phẩm thiết yếu đang có giá bán cao do nguồn nguyên liệu nhập vào để sản xuất tăng lên.

Anh Trần Đình Chung - phụ trách marketing siêu thị Co.opmart cho biết: “Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao vì chịu chi phối rất lớn từ nguyên liệu nhập khẩu nên chắc chắn giá bán ra thị trường tăng lên. Các doanh nghiệp bán lẻ - đơn vị nằm ở khâu phân phối như Co.opmart Hà Tĩnh cũng “đau đầu” trong bài toán vừa bình ổn giá cả, giữ sức mua của người dân vừa đảm bảo hoạt động của đơn vị. Thời điểm cuối năm, bên cạnh việc ký kết các hợp đồng trọn gói lớn, đảm bảo nguồn cung, các chương trình khuyến mãi được xem là biện pháp hữu hiệu chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người dân”.

Ở góc độ người tiêu dùng, nhiều loại giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu không có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong thời gian dài đang khiến đời sống Nhân dân khó khăn hơn. Chị Trần Thị Mai Huyền (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đợt này các hãng sữa lớn lại thông báo điều chỉnh giá lên thêm 3 - 5% làm gia đình còn có con nhỏ như nhà tôi càng thêm chật vật trong cân đối chi tiêu”.

Điều hành giá linh hoạt, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm

Nhu cầu tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình... bắt đầu trở lại nhộn nhịp hơn khi dịch COVID -19 được khống chế.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, khi dịch bệnh COVID -19 được kiểm soát tốt, dự báo những tháng cuối năm nay, nhu cầu tiêu dùng, sức mua của người dân sẽ tăng cao hơn hẳn so với cuối năm 2021.

Sở Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện các chương trình bình ổn giá trên thị trường trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp cung cấp thông tin, cùng với Sở Tài chính phân tích, dự báo thông tin thị trường, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh các giải pháp cân đối cung cầu thị trường, quản lý, điều hành giá.

Các ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đối với mặt hàng thịt lợn, chú trọng công tác tái đàn an toàn để đáp ứng nguồn cung, nhất là trong những tháng cuối năm.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast