Từ 1-1-2011: Hành nghề xe ôm phải đeo thẻ

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 08/TT-BGTVT về hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa. Theo đó, giao quyền hầu hết cho các địa phương tự làm, tự quản lý.

  • Chở hàng, chở khách phải có đồng phục, biển hiệu

Thông tư số 08/TT-BGTVT đã quy định rõ: Đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển khách, hàng hóa bằng các phương tiện kể trên phải có trang phục hoặc biển hiệu do UBND cấp tỉnh, thành quy định để nhận biết với các đối tượng tham gia giao thông khác. Bên cạnh đó, phải trang bị nón bảo hiểm cho hành khách đối với loại xe bắt buộc đội nón bảo hiểm. Thông tư này cũng thực hiện việc giao quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố căn cứ tình hình cụ thể để quy định phạm vi vận chuyển, tuyến đường, thời gian hoạt động đối với từng loại phương tiện để đảm bảo an toàn trật tự giao thông. Các loại phương tiện trên hoạt động trong địa phương nào phải tuân theo các quy định của địa phương đó.

Tuy nhiên, nhiều địa phương (nhất là các TP lớn) cho rằng, mô tô, xe gắn máy vận chuyển hàng hóa cồng kềnh thì tại sao cần phải khống chế chiều cao, chiều ngang? Xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ không được phép chở hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe, cũng như hàng hóa vượt quá bề rộng thân xe. Cấm chở hàng hóa trên mui các loại xe cơ giới 3 bánh. Về việc xử phạt đối với xe ôm không đeo biển hiệu hoặc mặc đồng phục, theo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), quy định này là khả thi khi các địa phương áp dụng.

Quy định sẽ phân biệt được người hành nghề xe ôm với người khác. Giao quyền cho các địa phương là đúng với tinh thần của Luật Giao thông đường bộ, vì mỗi địa phương căn cứ vào mức sống, sự hiện đại và an toàn để quy định từng loại xe được tham gia chở khách, hàng hóa trên từng tuyến đường, thời gian của địa bàn sát thực tế hơn.

  • Giao cho địa phương quản lý

Từ ngày 1-1-2011, những người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ (xích lô, ba gác đạp), xe gắn máy và mô tô hai bánh (xe ôm), mô tô ba bánh (ba gác máy) trên địa bàn TPHCM phải có thẻ hoạt động vận chuyển. Tuy nhiên phần lớn những người hoạt động trong lĩnh vực này vẫn chưa biết các thủ tục để đăng ký và đăng ký ở đâu.

UBND TP vừa ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ-UBND quy định về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP. Theo đó, xe thô sơ đúng kiểu loại, đã được cấp giấy đăng ký và gắn biển số do Sở GTVT cấp (đối với xe xích lô), được phép tham gia giao thông phải bảo đảm về chất lượng, an toàn kỹ thuật; xe gắn máy, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh đúng kiểu loại đã được cấp giấy đăng ký và gắn biển số do cơ quan công an có thẩm quyền cấp, được phép tham gia giao thông phải bảo đảm về chất lượng, an toàn kỹ thuật.

Kể từ ngày 1-1-2011, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn TPHCM phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái. Thẩm quyền cấp biển hiệu hoạt động là UBND cấp phường, xã, thị trấn.

Theo quy định mới, tài xế xe ôm phải có đồng phục, biển hiệu. Ảnh: Cao Thăng

Theo quy định mới, tài xế xe ôm phải có đồng phục, biển hiệu. Ảnh: Cao Thăng

Những người muốn có thẻ hoạt động vận chuyển phải nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND phường, xã, thị trấn nơi mình đăng ký hoạt động. Sau 3 ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm quyền sẽ cấp thẻ cho người đăng ký. Thẻ có hiệu lực hoạt động 5 năm kể từ ngày cấp.

Hồ sơ đề nghị cấp và tái cấp biển hiệu hoạt động gồm: Đơn đăng ký (theo mẫu); bản chụp giấy phép lái xe phù hợp (nếu đăng ký hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh); bản chụp chứng minh nhân dân; bản chụp sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú KT3). Người hành nghề ba gác có thẻ hoạt động vẫn phải chịu hạn chế về thời gian và khu vực hoạt động mà UBND TP đã ban hành từ năm 2009.

Trong quá trình thực hiện, các tổ chức, cá nhân có những vấn đề phát sinh vướng mắc đề nghị báo cáo về Sở GTVT để tổng hợp báo cáo Bộ GTVT nghiên cứu giải quyết

Người điều khiển phương tiện phải đáp ứng đủ yêu cầu:

- Có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú.
- Đủ tuổi lái xe theo quy định hiện hành.
- Có giấy phép lái xe.
- Trang bị nón bảo hiểm cho hành khách đi xe.
- Có phù hiệu hoặc trang phục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành quy định để phân biệt người điều khiển phương tiện hoạt động kinh doanh vận chuyển công cộng với các đối tượng tham gia giao thông khác.
(Điều 3 dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe máy, xe mô tô để vận chuyển hành khách và hàng hóa)

QUỐC HÙNG

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast