Tết Tân Sửu, Việt kiều tại Lào mừng tuổi bằng bánh chưng và lễ chùa đầu năm

(Baohatinh.vn) - Hiện ở Lào có hơn 30.000 hộ kiều bào mang quốc tịch Lào. Bà con sống ở Lào đã qua nhiều thế hệ nhưng trong sinh hoạt cộng đồng vẫn theo tập quán Việt, giữ được tiếng nói, chữ viết, thờ cúng tổ tiên và luôn hướng về quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Hữu Cư có tên Lào là Vihan Siphom, sinh ra lớn lên tại tỉnh Xiengkhuang. Sau giải phóng, cả gia đình ông chuyển về sinh sống tại Thủ đô Vientiane. Đã mang quốc tịch Lào, nhưng gia đình ông vẫn luôn giữ truyền thống Việt như lập ban thờ tổ tiên, thờ ảnh Bác Hồ và tết đến thì nấu bánh chưng.

Tết Tân Sửu, Việt kiều tại Lào mừng tuổi bằng bánh chưng và lễ chùa đầu năm

Chi hội phụ nữ gói bánh chưng làm quà mừng tuổi.

Ông Cư cho biết: Riêng chuyện gói và nấu bánh chưng ngày tết chính là dịp con cháu họ hàng sum vầy. Mặc dù gia đình ông ngày nay có cuộc sống khá giả nhưng việc nấu bánh chưng vừa là gìn giữ phong tục tập quán Việt, cũng là dịp nhắc nhở con cháu không được quên rằng mình luôn mang dòng máu Việt, dù sống nơi đâu, mang quốc tịch gì thì mình vẫn là con Lạc cháu Hồng.

“Nói chung, ngày tết, ngoài món ăn bình thường thì hằng năm, chúng tôi vẫn gói bánh chưng, loại bánh cổ truyền của dân tộc Việt Nam để dâng lên ban thờ tổ tiên. Không những lớp già như chúng tôi thờ cúng tổ tiên, biếu bạn bè, mừng tuổi người già, con trẻ mà để con cháu mình phải giữ mãi truyền thống cha ông” - ông Nguyễn Hữu Cư cho biết.

Ông Phạm Văn Hùng, Tổng Thư ký Tổng hội người Việt Nam tại Lào cho biết, hiện ở Lào có hơn 30.000 hộ gia đình kiều bào ta được trao quốc tịch Lào. Qua nhiều thế hệ, bà con vẫn giữ vững tập quán Việt như tiếng nói, chữ viết, thờ cúng tổ tiên, gói bánh chưng dịp tết và lên chùa đầu năm.

Hoạt động của Tổng hội người Việt tại Lào nhiều năm qua là cầu nối người Việt với quê hương, đất nước, gắn kết cộng đồng và luôn hướng về Tổ quốc; giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo; tham gia các hoạt động ủng hộ bà con quê hương gặp thiên tai. Năm nay, do dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới nên kiều bào ta không thể về quê hương Việt Nam đón tết như mọi năm. Bên nồi bánh chưng ngày tết này là dịp bà con họp mặt, hỏi han chuyện gia đình, đời sống, chúc nhau sức khỏe, cùng thông tin cho nhau tình hình quê hương, đất nước và bàn nhau chuyện làm ăn trong năm mới.

Tết Tân Sửu, Việt kiều tại Lào mừng tuổi bằng bánh chưng và lễ chùa đầu năm

Bà con kiều bào chúc tết Tổng hội người Việt Nam tại Lào

Ông Somboun Khuangsavanh, người Bản Nongbon (Vientiane) là rể Việt kiều nên năm nào ông cũng được dự bữa cơm tất niên và trực nồi bánh chưng. Ông rất cảm phục bà con Việt kiều không hề quên tiếng Việt, phong tục tập quán Việt, chứng tỏ bà con rất yêu quê hương cội nguồn của mình, ông Somboun Khuangsavanh bày tỏ.

Mỗi dịp tết, Chi hội phụ nữ Việt kiều, các gia đình khá giả lại gói hàng trăm, hàng ngàn cái bánh chưng, rồi tổ chức đoàn thăm hỏi mừng tuổi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và bạn bè người Lào. Hoạt động này được triển khai từ 26 tết đến hết tết.

Theo ông Nguyễn Duy Trung - Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào thì việc mừng tuổi, chúc tết bằng bánh chưng có ý nghĩa rất sâu sắc từ thuở cha ông nhắn nhủ lại. Bánh chưng tết vừa là thành quả lao động của con người, tạ ơn trời đất, tổ tiên, chúc người già sống vui, sống khỏe, con trẻ chăm ngoan. Sau lễ đón giao thừa thì nhà nhà thức trắng đêm, cùng nhau lên chùa hái lộc, cúng phật, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, buôn bán gặp vận may, cuộc sống giàu sang, gia đình hạnh phúc, quốc thái dân an.

Tết Tân Sửu, Việt kiều tại Lào mừng tuổi bằng bánh chưng và lễ chùa đầu năm

Gian thờ Bác Hồ tại chùa Phật Tích.

Hiện ở thủ đô Vientiane có 2 ngôi chùa thiêng do người Việt lập nên là chùa Phật Tích và chùa Bàng Long. Riêng chùa Phật Tích còn có một gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kiều bào tại Lào quan niệm, Bác Hồ là vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam và Người còn là một vị thánh. Qua việc lập gian thờ Bác cũng là để giáo dục lớp lớp con cháu truyền đời luôn ghi nhớ về tấm gương, đạo đức, nhân cách vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

Năm nay, từ mồng một tết trở đi, bà con tụ họp chúc nhau năm mới, ăn uống, ca hát và múa lăm vông Lào nhưng vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid-19; sau đó thì bắt tay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu năm để lấy may, ông Nguyễn Duy Trung chia sẻ.

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast