Bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp Thạch Hà

Có thể nhận định rằng chưa có giai đoạn nào Thạch Hà lại có sự tâp trung chỉ đạo, đầu tư đồng bộ cho hoạt động ứng dụng KHCN vào sản xuất như 5 năm vừa qua (2004-2009). Những hành động cụ thể như ban hành các nghị quyết và xây dựng các chương trình hành động về công tác ứng dụng chuyển giao KHKT, huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, khuyến khích, đãi ngộ kỹ sư trẻ, tâm huyết, có sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn... đã tạo môi trường thuận lợi cho các mô hình cây, con mới đơm hoa kết trái.

Nghiệm thu mô hình lạc TB25 bón đolomit và phủ rơm rạ ở xã Tượng Sơn
Nghiệm thu mô hình lạc TB25 bón đolomit và phủ rơm rạ ở xã Tượng Sơn

Giám đốc Trung tâm CGKH &KT Thạch Hà Nguyễn Xuân Đanh tâm sự: “Xây dựng các mô hình ứng dụng KHKT là ươm những hạt mầm mới mẻ và non nớt. Điều khiến chúng tôi luôn trăn trở là làm sao để những mô hình ấy ăn sâu, bén rễ vào thực tế sản xuất, thuyết phục được người nông dân ấy và có sức lan tỏa rộng rãi, lâu bền.” Với suy nghĩ ấy, Trung tâm Chuyển giao KHKT Thạch Hà đã tập trung thực hiện phương án: chọn mô hình phù hợp với vùng đất cũng như nhu cầu của thị trường và chọn địa phương hội tụ đủ điệu kiện đất đai, khí hậu, con người.. để thực hiện thành công những mô hình chuyển giao KHKT trên địa bàn. Song song với việc xây dựng các mô hình, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mỗi năm Trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức 80-100 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông với khoảng 4.500- 5.000 lượt người tham gia. 5 năm qua, với sự tìm tòi, nghiên cứu của cán bộ, kỹ sư chuyên ngành cùng với tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài huyện, nhiều mô hình chuyển giao KHKT được xây dựng và nhân rộng, góp phần quan trọng đẩy nhanh mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng tới sản xuất hàng hóa.

Các mô hình ứng dụng KHKT vào cuộc sống trong những năm qua đã tập trung tìm tòi, khảo nghiệm và nhân rộng những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao để nâng cao giá trị kinh tế của cây lương thực chủ đạo trên địa bàn. Vụ hè thu 2007, huyện xây dựng mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới PC6, ĐB6, TBR-1 tại xã Thạch Thanh đạt năng suất bình quân 2,5- 2,7 tạ/sào, năng suất cao hơn các giống đang sản xuất đại trà trên đồng ruộng từ 20- 30%. Mô hình sản xuất lúa chất lượng PC6 vụ Hè Thu 2009 với diện tích 10 ha tại xã Thạch Ngọc cho năng suất bình quân 2,5 tạ/sào,với giá 5.200đ/kg, cao hơn giá các giống lúa khác đang bán trên thị trường 1.400đ/kg. Viện cây lượng thực và thực phẩm về tham quan mô hình và nhận thu mua toàn bộ sản lượng lúa PC6 cho bàn con xã Thạch Ngọc. Mô hình khảo nghiệm giống lúa lai chất lượng của Ấn Độ BIO 404 vụ hè Thu 2009 tại xã Thạch Liên đã mang đến cho nông dân sự lựa chọn về một loại giống lúa lai có ưu thế vượt trội về năng suất cũng như chất lượng gạo. Bên cạnh ứng dụng giống mới, thời gian qua, các mô hình sản xuất giống lúa nhân dân cũng được huyện ưu tiên xây dựng nhằm nâng cao phẩm cấp giống, tạo thói quen sản xuất giống lúa cấp 1 để cải thiện năng suất cây trồng. Liên tục ở các vụ sản xuất đông xuân từ năm 2003-2006, dự án giống lúa nhân dân được triển khai ở 5 xã với quy mô mỗi địa phương 5 ha đã tạo được nguồn giống cấp 1 ở các nhóm giống X, M|XM12, KD18. Tiếp đó, đông xuân 2007-2008, từ 50 ha sản xuất giống lúa nhân dân với các loại giống mới PC6, DDB6, BT1, TBR1, toàn huyện đã nhân rộng diện tích sử dụng giống cấp 1 đối với những bộ giống này này lên 1000 ha/năm.

Nông dân xã Bắc Sơn thu hoạch dưa đỏ giống Antiem 103
Nông dân xã Bắc Sơn thu hoạch dưa đỏ giống Antiem 103

Thay cho những giống lạc cúc lạc chùm truyền thống, những năm gần đây, Thạch Hà cũng đã ứng dụng khá thành công các giống mới cùng với phương thức sản xuất mới, tạo bước đột phá trong năng suất cây trồng. Từ mô hình sản xuất lạc giống V79 ở Thạch Hải (2007) đến việc khảo nghiệm giống L23 cùng kỹ thuật che phủ ni lon ở Thạch Xuân (2008) và ứng dụng giống TB25 ở Thạch Trị, người trồng lạc Thạch Hà đã nâng cao được năng suất lạc lên 20-30% so với các giống truyền thống. Nỗ lực này mang lại những bộ giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của Thạch Hà, vừa đáp ứng mong muốn tìm nguồn giống mới để nâng cao hiệu quả kinh tế cây lạc của bà con nông dân nơi đây. Được biết đến nay, trên 90% diện tích trồng lạc của huyện đã ứng dụng các loại giống cao sản.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, những mô hình chuyển giao KHKT cũng đã tạo được dấu ấn như : nuôi ong lấy mật tại xã Thạch Xuân vụ Xuân 2007 với quy mô 12 đàn 5 hộ tham gia, đến nay đã nhân rộng ra 20 hộ với quy mô gần 70 đàn ong, cho thu nhập hàng năm từ 200- 300 lít mật với tổng giá trị bình quần 30- 50 triệu đồng/năm; chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học triển khai ở 3 xã Thạch Thắng, Thạch Đài, Thạch Kênh năm 2007 với quy mô 3.500 con, đến nay đã nhân ra diện rộng ở nhiều xã trong huyện như Thạch Ngọc, Bắc Sơn, Thạch Điền, Thạch Xuân, Nam Hương; dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi nhím sinh sản tại xã Thạch Xuân năm 2009 với quy mô 6 cặp nhím giống, hiện nay nhím đang sinh trưởng và phát triển tốt...

Trên hành trình xây dựng các mô hình chuyển giao KHKT những năm qua, Dự án Sản xuất và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu tại huyện Thạch Hà do bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư đã mang lại những kết quả khá ấn tượng. Mỗi năm Trung tâm Nấm Thạch Hà sản xuất được từ 5- 8 tấn nấm khô thương phẩm và cung cấp cho thị trường 1,5- 2,5 tấn giống nấm với tổng thu nhập bình quân hàng năm từ 500- 700 triệu động. Từ dự án này, nghề trồng nấm đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong huyện với mục tiêu phát triển ngành sản xuất nấm trở thành một ngành mũi nhọn trong những năm tới. Ở lĩnh vực phát triển kinh tế vườn rừng, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất mây nếp làm nguyên liệu phục vụ nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại huyện Thạch Hà triển khai từ tháng 3 năm 2009 cũng đang mở ra nhiều triển vọng. 15 ha mây của mô hình ở xã Thạch Xuân hiện phát triển tốt và được ngành chuyên môn đánh giá cao. Ngoài diện tích dự án, một số hộ đã đăng ký mua giống về trồng mở rộng ở Thạch Xuân và Bắc Sơn, đưa tổng diện tích mây toàn huyện khoảng 25- 30 ha. Sau khi triển khai dự án, Công ty cổ phần thương mại quốc tế và phát triển nông thôn Việt Nam đã hợp tác xây dựng vùng mây nguyên liệu với mô hình doanh nghiệp hỗ trợ một phần tiền giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến đồng thời sẽ thu mua toàn bộ nguyên liệu cho người dân

Tiếp tục hành trình gieo những hạt mầm cây con mới nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp góp phần thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Trung tâm Chuyển giao KHKT Thạch Hà đang ấp ủ nhiều dự định mới. ông Nguyễn Xuân Đanh- Giám đốc Trung tâm cho biết: “ Định hướng phát triển KH & CN phục vụ ngành nông nghiệp Thạch Hà trong giai đoạn mới sẽ tập trung vào các mục tiêu: cơ cấu và phát triển các chủng loại cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast