Gió giật, lũ dâng vẫn luôn hết lòng vì người bệnh

Nằm ở thị trấn Phố Châu, lại gần sông Ngàn Phố, địa hình thấp trũng nên năm nào lụt lớn là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hương Sơn lại ngập úng. Do đó, đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ ở đây có nhiều kinh nghiệm “sống chung” với lũ. Trận lũ lớn vào tháng 10/2013 một lần nữa chứng minh tinh thần chủ động, vượt khó của cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện khi vừa đảm bảo an toàn tài sản, vừa phục vụ tốt bệnh nhân.

Chủ động trước lúc lũ tới

Chúng tôi trở lại thăm BVĐK Hương Sơn khi đơn vị đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Bác sỹ Nguyễn Quang Hòe - Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện có đặc thù riêng, hễ cuối mùa thu là lại lo lập phương án chống bão lũ. Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất khi bão lũ xẩy ra, đơn vị đã thành lập BCH PCBL, các đội cấp cứu, vận chuyển tải thương, phẫu thuật lưu động...

Nhận được tin báo về nguy cơ lũ lụt sẽ xẩy ra, Ban Giám đốc và các thành viên được giao nhiệm vụ PCBL đã có mặt đầy đủ. Khi lũ ập đến, tất cả các thành viên trong BCH PCBL, các đội cấp cứu, cán bộ các khoa phòng vận chuyển máy móc, trang thiết bị, hồ sơ và kho thuốc đến nơi khô ráo.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn chăm sóc bệnh nhi vùng lũ.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn chăm sóc bệnh nhi vùng lũ.

Đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác đóng gói, bốc xếp và kê gác tài sản từ nhiều năm nên mọi người đều làm rất mau lẹ và an toàn. Các cơ số thuốc được chuẩn bị đầy đủ để khi cần cung cấp cho bệnh nhân.

Ông Thái Văn Quang - Phó trưởng phòng Kế hoạch bệnh viện cho hay: Năm nay, nước lũ ngập cao hơn. Toàn bộ tầng 1 của các phòng khám, cận lâm sàng, khoa nội, khoa cấp cứu - nhi đều ngập từ 40-60 cm. Nhưng điều đáng mừng là các thiết bị, tài liệu quan trọng và tất cả bệnh nhân đều an toàn.

Chăm sóc tốt bệnh nhân

Bác sĩ Trưởng khoa ngoại Trần Xuân Hạnh chưa quên dấu ấn của ca trực phẫu thuật ruột thừa bệnh nhân trong ngày 16/10 vừa qua. Vào lúc 2h chiều, bệnh nhân Nguyễn Văn Công (23 tuổi, quê xã Sơn Hồng) được người nhà thuê thuyền chở tới cấp cứu tại bệnh viện. Kết quả xét nghiệm và siêu âm cho thấy, bệnh nhân Công bị đau do viêm ruột thừa đã tới mức độ nguy hiểm, chỉ chậm vài ba tiếng nữa có thể bị vỡ... Lập tức, bệnh nhân Nguyễn Văn Công được đưa ngay vào phòng mổ. Phẫu thuật trong điều kiện bình thường đã vất vả, nhưng trong lúc mưa dồn, gió dập lại càng vất vả hơn. Vậy mà, mọi công việc từ gây mê, phẫu thuật đến hậu phẫu... vẫn đảm bảo an toàn và vô trùng tuyệt đối.

Cùng ngày hôm ấy, một phụ nữ từ xã Sơn Thọ (Vũ Quang) được người nhà đưa tới nhập viện. Chị tên là Trần Thị Dung, 25 tuổi cũng bị đau ruột thừa. Ngoài ra, chị Dung còn bị “thiểu năng tuần hoàn não” gây choáng đầu và buồn nôn… Hôm đó, chính bác sĩ Nguyễn Quang Hòe cùng bác sĩ Trần Xuân Hạnh trực tiếp tham gia kíp mổ. Sau mổ, bệnh nhân Nguyễn Thị Dung đã được các y, bác sĩ theo dõi và chăm sóc chu đáo.

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là khi lũ còn “bủa vây 4 phía” thì có tới 9 sản phụ đến BVĐK huyện Hương Sơn sinh con. Càng ngạc nhiên hơn, có cả sản phụ ngoại tỉnh như Nguyễn Thị Lý (quê ở Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An) và 2 sản phụ ở “rốn” lũ là Nguyễn Thị Út và Nguyễn Thị Minh Lợi (quê ở Sơn Kim 1). Trong 9 sản phụ có 2 người phải phẫu thuật là Tống Thị Thanh Tân (quê ở Sơn Phúc) và Nguyễn Thị Hóa (quê ở Sơn Ninh). Tất cả sản phụ sinh con trong ngày lũ lớn đều “mẹ tròn, con vuông”.

Cảm động trước tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sỹ khoa sản, mẹ của sản phụ Nguyễn Thị Hóa không giấu nổi xúc động: “Nhà nghèo, lại bị ngập trong lúc con phải lên bàn mổ nên tui lo vô cùng, nhưng bây giờ tôi rất phấn khởi vì y, bác sĩ ở đây quý những người nghèo như anh em ruột thịt”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast