Khổ vì “sống chung” với người quá cố

(Baohatinh.vn) - Ở một số thôn thuộc xã Xuân Liên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), gần như không có sự phân biệt địa lý giữa thế giới của người sống và người chết. Hàng ngày, nhiều hộ dân địa phương vẫn phải sống, sinh hoạt ngay cạnh những ngôi mộ như những “hàng xóm, láng giềng”, khiến cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại thôn Lâm Hoa, bên cạnh việc nghĩa trang và khu dân cư ở sát nhau thì nhiều ngôi mộ còn được xây cất ngay giữa khu dân cư. Với nhiều gia đình, chỉ cần mở cửa đã thấy ngay những ngôi mộ trước mắt. Cửa ngõ gia đình ông Nguyễn Xuân Thành (thôn Lâm Hoa) bị án ngữ bởi 2 ngôi mộ hai bên, vườn của gia đình ông cũng được bao quanh bởi những ngôi mộ.

kho vi song chung voi nguoi qua co

Nhiều gia đình ở thôn Lâm Hoa mở cổng ra là thấy mộ.

Ông Thành cho hay: “Năm 1979, gia đình tôi chuyển về đây, ban đầu nghĩa trang ở khá xa, nhưng từ đó đến nay, nghĩa trang ngày càng lấn dần về phía đất của gia đình. Sáng mở mắt ra là thấy nghĩa trang. Chưa kể, nhiều người dân vứt rác thải sinh hoạt ở ngay nghĩa trang, sau những trận mưa lớn, các đồ tùy táng đốt dở cùng rác thải trôi dạt khắp nơi. Đặc biệt, những ngày lễ tết, tiền vàng người nhà mang đi đốt, khói bay mù mịt vào tận trong nhà, mùi khét nồng nặc. Tôi cũng đã kiến nghị với chính quyền địa phương về việc không nên cho phép chôn cất mới ở nghĩa trang Lâm Hoa, tuy nhiên, gần đây vẫn thấy một số người tiến hành chôn cất, hung táng tại đây”.

Vừa dẫn chúng tôi ra nghĩa trang quan sát để minh chứng, ông Thành vừa kể tiếp: “Vợ tôi đã mất, con cái cũng muốn gửi cháu về ở với ông cho đỡ hiu quạnh nhưng tôi không đồng ý. Hiện tôi đang dùng nước giếng để phục vụ sinh hoạt, mình già rồi thì phải chấp nhận, chứ để con trẻ dùng cũng sợ nguồn nước ô nhiễm. Thêm nữa, trẻ con chưa chắc ở đây được mấy ngày vì tâm lý sợ hãi”.

Cách đó không xa, nhiều hộ dân thôn Lâm Phú cũng trong hoàn cảnh tương tự. Dù thời gian gần đây không còn cảnh chôn cất người mới mất tại nghĩa trang thôn Lâm Phú, nhưng những ngôi mộ sát nhà cũng khiến không ít người khổ sở. Hơn nữa, người dân muốn đi ra biển, phải qua nghĩa trang dẫn đến những câu chuyện dở khóc, dở cười. Một người dân trong thôn kể: “Tôi và không ít người trong thôn, dù thuyền đánh cá về sớm nhưng trời còn tối nên không dám đi qua nghĩa trang, đến khi trời sáng mới dám về nhà. Do đó, trưa chợ, cá xuống giá hoặc khó bán, thất thiệt đủ đường”.

Anh Ngô Văn Cát cho hay: “Mình dù sao cũng quen rồi, chỉ thương con nhỏ, vừa phải sống trong tâm lý sợ hãi, vừa chịu ô nhiễm môi trường. Ở gần nghĩa trang như thế này khổ lắm, người ta thêu dệt nhiều chuyện kỳ quái, khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Hoặc có khi người dân bốc mồ mả vào ban đêm, nghe tiếng cúng vái, khóc than thì không sao ngủ được? Chúng tôi mong chính quyền địa phương cho xây dựng tường rào bao quanh khu nghĩa địa”.

Đáng nói hơn, những hộ dân xung quanh nghĩa trang chưa có nước máy, nên vẫn phải dùng nước giếng mà không biết chất lượng nguồn nước có đảm bảo hay không?

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Quang - cán bộ địa chính xã Xuân Liên cho biết, hiện tại, xã có 5 nghĩa trang, trong đó, 3 nghĩa trang nằm trong khu dân cư trên địa bàn các thôn Lâm Hoa, Lâm Phú và Phúc Lộc. Hiện nay, xã đã có quyết định đóng cửa, không cho chôn cất tại các nghĩa trang nằm trong khu dân cư, đồng thời, quy hoạch mở rộng thêm 9 ha ở nghĩa trang Liên Hải và 7 ha ở nghĩa trang Cường Thịnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người dân chôn cất người quá cố tại đây hoặc trên đất chưa sử dụng dù không được chính quyền cho phép. Với các đề nghị về xây dựng tường rào bao quanh, cải tạo, vệ sinh các nghĩa trang cũ của người dân, xã chưa thể tiến hành vì thiếu kinh phí nên đây vẫn đang là vấn đề nan giải”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast