Sắt son một lọn tóc thề

Bao giờ cũng vậy, khi nhắc đến câu chuyện tình của mình với liệt nữ Võ Thị Tần - tiểu đội trưởng của mười cô gái TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, anh Hồng đều bắt đầu từ những hoài niệm bi hùng xen một chút tiếc nuối.

Trong căn nhà nhỏ đầu xóm núi Tân Hạ, xã Thiên Lộc (Can Lộc), vợ chồng người cựu chiến binh, thương binh ¾ Nguyễn Đức Hồng đã không dấu diếm tôi điều gì về mối tình đầu của anh với chị Tần – một tình yêu chân thành và lãng mạn, tình yêu của những con tim khát khao hiến dâng, phơi phới niềm tin yêu cuộc đời của thế hệ thanh xuân một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Sợi tơ hồng đính ước

Anh Hồng sinh năm 1943, hơn chị Tần một tuổi nhưng hai người lại học cùng lớp, nhà cách nhau chỉ mấy dậu mùng tơi. Từ ngày còn bím tóc đuôi gà, thường ngày chị Tần vẫn hay qua nhà cậu bạn trai láng giềng hỏi han cách giải những bài toán khó.

suốt hơn 40 năm qua, di ảnh của chị Tần được vợ chồng anh Hồng phụng thờ trên bàn thờ gia đình.

suốt hơn 40 năm qua, di ảnh của chị Tần được vợ chồng anh Hồng phụng thờ trên bàn thờ gia đình.

“Tần có năng khiếu về môn văn nhưng lại yếu về môn toán, còn tôi thì ngược lại nên chúng tôi trở thành cặp bài trùng không thể thiếu nhau ngay từ những tháng năm cắp sách đến trường. Học xong phổ thông chúng tôi lại cùng tham gia sinh hoạt đoàn thể ở địa phương, cô ấy là phó bí thư chi đoàn – anh Hồng bùi ngùi tâm sự.

Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, là con gái rượu của một gia đình nền nếp, vừa nết na vừa có học lại xinh đẹp nhất vùng nên Tần thường xuyên có nhiều “vệ tinh” đeo bám. Cô ấy là con người đa cảm, sống thuỷ chung, có trước có sau nên chọn cậu bạn học nối khố từ thuở ấu thơ là tôi để trao gửi tình yêu đầu đời tinh khôi như trang giấy trắng học trò. Tôi yêu cô ấy, tôi cảm phục cô ấy từ những điều giản dị mà cao cả ấy”.

Nhà Tần có ba chị em nhưng chỉ mình cô ấy là gái nên được ông bà Võ Nhân Cung hết lòng cưng chiều. Chính vì thế nên trước lúc tôi nhận được lệnh tòng quân, gia đình cô ấy đã ép hai người làm đám cưới để ông bà sớm có cháu ngoại – anh Hồng tiếp dòng hồi tưởng.

Trong suy nghĩ của ông bà cũng có phần ích kỷ, muốn chúng tôi cưới nhau để giữ chân Tần, bởi trong cảnh chiến chinh ai biết đâu mà tránh hòn tên mũi đạn. Cũng không trách được người già bởi máu chảy ruột mềm, nhưng cả tôi và Tần đều nghĩ khác.

Giữa lúc cả dân tộc đang hừng hực đấu tranh giành thống nhất non sông, không cho phép chúng tôi lựa chọn hạnh phúc cá nhân mà quên đi bổn phận của mình với quê hương, đất nước. Bây giờ kể lại có thể một số bạn trẻ sẽ cười nhưng ngày ấy ai ai cũng thế, với những người được ăn học như chúng tôi càng phải biết điều hơn lẽ phải. Gần đây đọc báo tôi thấy có một bạn trẻ đã viết sau khi đọc bức thư của Tần gửi cho mẹ như thế này: “Chính tình yêu cuộc sống, khát vọng hiến dâng của tuổi trẻ đã đưa cái tôi cá nhân trở thành thứ yếu”. Tôi mừng vì bạn ấy đã hiểu được một thế hệ mà lý tưởng sống của mỗi con người là danh dự, là phẩm giá của họ.

Trước lúc tôi lên đường nhập ngũ, chúng tôi đã tổ chức lễ đính hôn để trấn an mọi người. “Miếng trầu nên dâu nhà người”, từ đây, Tần sống với gia đình tôi với bổn phận của một cô dâu hiền và tôi đương nhiên trở thành chàng rể thảo của gia đình họ Võ.

Không có nhẫn cưới trao duyên, ngày lễ trọng Tần trao tôi lọn tóc thề thay lời hẹn ước. Kỷ vật ấy là một phần thân thể của Tần theo tôi suốt những tháng năm dài chinh chiến và sau này tôi đã bàn giao lại cho Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Nó như là sợi tơ hồng đính ước hẹn ngày đất nước ca khúc khải hoàn chúng tôi sẽ cùng cất tiếng hoan ca.

Ở hai đầu nỗi nhớ

Một ngày tháng 2 năm 1964, mang theo kỷ vật thiêng liêng và lời ước hẹn của mối tình đầu, tôi lên đường trong cảm xúc lâng lâng xen niềm rạo rực. Sau gần một tuần hành quân bộ từ quê hương, tôi cùng đồng đội có mặt nơi địa đầu tuyến lửa Vĩnh Linh - Quảng Trị, trở thành thế hệ đầu tiên của trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến.

Một năm sau ngày tôi nhập ngũ, do bị thua đau trên các chiến trường, giặc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra cả nước. Ít lâu sau tôi nhận được thư Tần báo tin cô ấy đã tình nguyện tham gia lực lượng TNXP giữ mạch máu giao thông trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn.

Thời gian đầu chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau, gửi về nhau bao nỗi nhớ niềm mong qua những cánh thư nồng nàn lời yêu thương. Những tình cảm yêu thương chân thành ấy như chất men say nâng cánh đôi chân mỗi chúng tôi ở hai đầu tuyến lửa. Sau đó tôi nhận lệnh ra chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc về nhau.

Hơn bốn năm “ăn cơm bờ Bắc đánh giặc bờ Nam”, tôi đã cùng đồng đội vào sinh ra tử, cùng quân và dân nơi địa đầu tuyến lửa giành giật từng tấc đất ngọn cây với kẻ thù bên kia bờ giới tuyến.

Giữa năm 1968, tôi bị trọng thương trong một trận chiến đấu giữ đảo, hiện còn 6 mảnh đạn trong người. Sau một thời gian điều trị, tôi trở về thăm quê, tưởng rằng sẽ được gặp người thương ai ngờ mộ Tần cỏ đã phủ một màu xanh, cô ấy đã hy sinh hơn một năm về trước. Mẹ Tần cũng đã bị chết vì bom Mỹ đánh sập hầm sau ngày cô ấy hy sinh không lâu.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hồng bên phần mộ liệt sĩ Võ Thị Tần.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hồng bên phần mộ liệt sĩ Võ Thị Tần.

Cụ Cung trút hết giận dữ lên đầu tôi, cho rằng vì tôi do dự nên đã đánh mất cô ấy. Tôi hiểu vì quá đau buồn nên cụ sinh ra cực đoan như thế. Thấy tôi vẫn giữ tốt mối quan hệ với gia đình, cụ hiểu ra và càng quý tôi hơn.

Rồi sau hơn 2 năm mãn tang Tần, cụ Cung dắt tôi mang trầu sang nhà cô Võ Thị Minh là hàng xóm của Tần làm lễ xin dâu. Chúng tôi xin phép cụ Cung được mang ảnh Tần về nhà lập bàn thờ phúng viếng và suốt bốn chục năm nay vợ chồng tôi đối xử với cụ như thân sinh của mình.

Trong tâm khảm của vợ chồng tôi và bốn đứa con, Tần vừa gần gũi thân thiết như máu thịt, vừa diệu vợi linh thiêng để ngưỡng vọng, tôn thờ.

Với cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc – nơi chị Tần và đồng đội của cô yên nghỉ - anh Hồng đã trở nên thân thiết từ nhiều năm nay. Hai lần chuyển mộ các liệt nữ từ xã Xuân Lộc về nghĩa trang huyện Can Lộc rồi lại chuyển về đây đều có bàn tay anh Hồng nâng bước các cô.

Ở nơi cõi vĩnh hằng kia, người nữ tiểu đội trưởng anh hùng và đồng đội của cô đang mỉm cười mãn nguyện, chứng thực cho một mối tình đã cách biệt âm dương non nửa thế kỷ vẫn không hề nhạt phai một lời đính ước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast