Tục thờ thần Rắn làm Thành hoàng làng

Di tích đền Kinh Hạ, thành phố Hà Tĩnh là một trong những ngôi đền cổ kính, đẹp và linh thiêng của vùng đất Hà Tĩnh xưa có tục thờ thần Rắn làm Thành hoàng làng

Qua khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu thực địa hiện trạng di tích, cũng như những thông tin thu thập được từ nhân dân địa phương, dựa vào các sắc phong, câu đối các bức đại tự được lưu giữ tại đền cho chúng ta biét, đền Kinh Hạ được xây dựng vào thời Nguyễn và được trùng tu vào các năm 1919, 1920, 1921 dưới thời vua Khải Định và Bảo Đại thuộc triều Nguyễn. Đền Kinh Hạ được phối thờ các vị thiên thần và nhân thần.

Hình tượng cặp rắn thần trang trí trên đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng có niên đại thời Lê ở di tích đền Kinh Hạ (xã Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh).
Hình tượng cặp rắn thần trang trí trên đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng có niên đại thời Lê ở di tích đền Kinh Hạ (xã Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh).

Điện thờ chính thờ thần Rắn - Long Vương (Thuỷ thần), một tín ngưỡng có nguồn gốc lâu đời của cư dân nông nghiệp gắn liến với tục thờ thần Rắn, thần Hà bá với mong muốn mưa thuận gió hoà. Ngày xưa do còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và việc lập nghiệp ở chốn sông nước, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro nên những cư dân bản địa thường tin tưởng vào một đấng siêu nhiên nào đó phù hộ được thiên thời địa lợi. Mỗi làng đều chọn cho mình một vị thần hộ mệnh làm thành hoàng làng. Người dân làng Kinh Hạ xưa đã chọn thần Rắn, Long vương làm thành hoàng làng. Điện thánh Tam Lang ra đời từ đó, vào đầu thế kỷ 15. Lúc đầu điện thánh nằm gần sông Rào Cái nay đã đổi dòng, có lẽ vì thế người dân nơi đây thờ thần Rắn làm thuỷ thần với cầu mong sự bình yên ở chốn sông nước. Căn cứ vào thần tích thần Tam Lang ở đền Kinh Hạ thờ Tam Long Vương, ông Cả Long Vương, ông Hai Long Vương và ông Ba Long Vương. Với tước vị: Thượng, thượng, thượng đẳng thần vị tiền, về thần tích thần Tam Lang ở đền Kinh Hạ gắn liền với tục thờ thần Rắn rất phổ biến ở nước ta.

Riêng vùng đất Hà Tĩnh rất nhiều nơi thờ thần Tam Lang, ba con rắn -Tam Lang Long Vương như ở Miếu Ao (xã Thạch Trị - huyện Thạch Hà), đền Cả - tức đền Tam Lang (xã Ích Hậu - huyện Lộc Hà), đền Tam Lang (xã Xuân Lộc - huyện Can Lộc), đền Phúc Lai (xã Sơn Bằng - huyện Hương Sơn), đền Thái Yên (xã Thái Yên - huyện Đức Thọ)… Về thần tích Tam Lang có rất nhiều thần tích khác nhau. Theo truyền thuyết thời Hùng Vương ở Vĩnh Phúc thì Tam Lang có thể là 3 con rồng, con Hùng Hải (em Hùng Vương thứ 3) do mẹ là Trang Hoa sinh ra trên một chiếc thuyền giữa ngã ba con sông Bạch Hạc, sau này làm thuỷ thần thường gọi là Nhất Lang, Nhị Lang và Tam Lang. Long Vương Tam Lang là chàng Ba của Vua Hùng, được sai làm thần ở sông Bạch Hạc.

Lại có truyền thuyết khác cho rằng: Tục truyền xưa kia có hai vợ chồng nghèo hay thương người, thường ước ao sinh con cho vui cửa vui nhà. Một hôm, vợ đi làm đồng về thấy góc ruộng nhà mình có dấu một bàn chân lạ, bèn đặt chân vào ướm thử, sau về thụ thai, khi sinh nở lại sinh ra một con rắn. Tuy vậy hai vợ chồng rất chăm nuôi, con rắn ngày một lớn, dân làng xa gần nhiều người đến cho lúa cho khoai. Một hôm, người chồng đi đắp bờ, con rắn đi theo và quấn quýt lấy chân, vô tình lưỡi xẻng chắn con rắn thành 3 khúc. Còn sự tích thần Tam Lang ở đền Cả (xã Ích Hậu - huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) kể rằng, ngày xưa có người con gái đẹp như tiên sa xuống tắm sông Kênh Cạn về nhà thấy trong người khác thường rồi thụ thai, sinh ra 3 quả trứng. Dân làng cho là trứng thần bèn bỏ vào chậu nước, đặt bên bờ sông, lạ thay chỉ trong chốc lát 3 quả trứng nở ra 3 con chim, giống như chim Vịt, mào đỏ, mỏ hồng, mình ngũ sắc. Chim vừa nở ra đã biết bơi ngay. Mọi người sợ hãi liền thà 3 con xuống sông. Hàng năm thường thấy sự hiển linh, nhân dân lập đền thờ gọi là đền Tam Lang, tức đền Cả. Thần Tam Lang - Long Vương - Thần Rắn cũng như các vị thiên thần khác đều được nhân cách hoá mang một hay nhiều lý lịch nhân thế mà ngày nay không phải trường hợp nào cũng giải thích được. Thần Rắn - Long Vương - tục thờ thuỷ thần ở đền Kinh Hạ làm thành hoàng làng đối với người Việt là thần bảo vệ cộng đồng cư dân làng xã. Đầu tiên là cộng đồng công xã nông thôn, dạng sớm nhất, cổ xưa nhất của tục thờ thành hoàng làng là Rắn. Rắn là tổ tiên của người Việt cổ quen sông nước, hoạt động ở vùng nhiệt đới gió mùa. Trong tích cổ của người Việt đã ghi lại việc xăm hình rồng (giao long) của người Việt cổ, đến thời Trần vẫn còn tục đó. Hình tượng tô-tem thần rắn được thần thoại hoá, Hán hoá rồi phong kiến hoá. Thần thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân, chính là thần thoại về một cặp rắn - Tổ, đã mượn chuyện thần thoại nhà Đường để diễn tả.

Như vậy đền Kinh Hạ thờ thần Rắn - Tam Lang - Long Vương làm thành hoàng làng là một dạng tín ngưỡng rất sơ khai của cư dân bản địa gắn liền với tục thờ thuỷ thần - Long Vương của người Việt cổ. Người dân làng Kinh Hạ đã mang hình mẫu huyền thoại của tín ngưỡng phổ biến làm tài sản tinh thần của mình. Đây là sự hoà nhập vào đời sống tinh thần và ý thức tâm linh chung của cả dân tộc (phần lớn các đền thờ ở cửa sông bắt nguồn từ một tín ngưỡng cổ xưa thờ thần Rắn, thần nước - thuỷ thần - thần Tam Lang - Long Vương) và vừa là khẳng định sức sống mãnh liệt của đời sống tâm linh như là một nhân tố chủ yếu và cố kết cộng đồng làng xã.

Thành hoàng làng Kinh Hạ đã được nhà nước phong kiến tuyển chọn, bao phong trở thành thần riêng bảo hộ trấn giữ làng. Trước đây đền làng Kinh Hạ có 9 đạo sắc phong, thời kỳ triều vua Thành Thái, Khải Định và Duy Tân, theo các bậc cao niên làng Kinh Hạ thì những đạo sắc này đã bị thất lạc, hoả hoạn trong chiến tranh chống Mỹ. Trong bài văn tế tại đền Kinh Hạ hàng năm thì thấn Rắn - ba vị Long Vương được thờ làm thiên thần tại đền làng Kinh Hạ là Thượng đẳng thần.

Đền làng Kinh Hạ là một di tích lịch sử văn hoá có giá trị, là ngôi đền cổ có quy mô lớn, cùng với đền làng Kinh Thượng của vùng đất Trung Tiết xưa, nay là thành phố Hà Tĩnh. Đây là nơi thờ tự các vị thiên thần, thần Rắn - Tam Lan - Long Vương (thuỷ thần) là những vị thần bảo hộ được thần thành hoá mang đậm màu sắc tín ngưỡng văn hoá dân gian của vùng đất Hà Tĩnh. Hình tượng Tam Lang, Long Vương, tục thờ thần rắn, thuỷ thần trong tâm thức người Việt cổ nói chung và vùng đất Thạch Hưng, Hà Tĩnh nói riêng đã được thần thánh hoá thành những vị thần hộ mệnh cho cư dân vùng đất Kinh Hạ, Thạch Hưng, mà ở đó các cư dân bản địa đã coi các vị thần được thờ ở đền làng Kinh Hạ là những thành hoàng làng được sự bảo trợ của chế độ phong kiến xưa qua các sắc chỉ với tước vị là Thượng đẳng thần. Với ý thức coi các vị thần Tam Lang - Long Vương - Thần Rắn là thiên thần, tôn thờ thuỷ thần vốn chỉ là một tín ngưỡng mang tính nhân loại có từ buổi bình minh của xã hội loài người. Tục thờ Tam Lang - Long Vương - Thần Rắn đã trở thành tín ngưỡng phổ biến của cư dân Việt cổ, với vai trò của các thần linh bảo hộ sông nước trong đời sống tâm linh của cả cộng đồng làng xã, có thể nói hình ảnh các vị thần Tam Lang trong tục thờ thần Rắn làm thuỷ thần - Long Vương ở đền Kinh Hạ và một số địa phương khác ở Hà Tĩnh đã trở thành nét đẹp văn hoá, tài sản tinh thần chung của dân tộc./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast