Mạnh tay xử lý nạn khai thác cát trái phép

(Baohatinh.vn) - Tình hình khai thác cát trái phép bước đầu đã được đấu tranh ngăn chặn nhưng nguy cơ tái diễn vẫn còn hiện hữu. Điều này đặt ra yêu cầu chính quyền địa phương cũng như các lực lượng chức năng phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, xử lý mạnh tay các đối tượng vi phạm để tạo sức răn đe; đồng thời, cơ quan chức năng sớm có giải pháp giải quyết những bất cập về cấp giấy phép hoạt động.

>>"Cát tặc” lộng hành, thách thức pháp luật!

Khi chính quyền vào cuộc

Một thời gian dài, “cát tặc” đã dùng mọi hành vi, thủ đoạn khai thác cát trái phép để thu lợi bất chính. Chính quyền, lực lượng chức năng các cấp trong tỉnh đã mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả. Và thời điểm này là một minh chứng. Đi dọc các tuyến sông lớn, những vùng trước đây được xem là “điểm nóng” về khai thác cát trái phép, như: Đức Hòa, Bùi Xá, Liên Minh (Đức Thọ); Sơn Long (Hương Sơn); Ân Phú (Vũ Quang), hay vùng biển Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên); Kỳ Xuân (Kỳ Anh); Phúc Đồng (Hương Khê); Xuân Hồng, Xuân Giang (Nghi Xuân)... vào những ngày này, chúng ta không còn chứng kiến cảnh khai thác cát một cách ngang nhiên như trước...

Bài học thành công ban đầu này xuất phát từ sự chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt từ phía Chính phủ đến chính quyền các cấp, nhất là cơ sở.

Mạnh tay xử lý nạn khai thác cát trái phép ảnh 1

Hiện nay trên địa bàn huyện Đức Thọ có hàng chục bãi cát hoạt động không phép

Theo đó, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động về khoáng sản..., gần đây, các địa phương đều duy trì tổ công tác liên ngành thường trực hoạt động 24/24h, vừa hỗ trợ các địa phương trong việc bắt và xử lý các phương tiện vi phạm, khai thác cát trái phép, kinh doanh cát không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân và tập thể vi phạm trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.

Chỉ tính riêng Đức Thọ, vừa qua đã xử lý 39 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách 312 triệu đồng; giải tỏa 14/16 bến bãi; kiểm điểm, kỷ luật 10 tập thể và 2 cá nhân...

Kết quả trên cho thấy, nếu các địa phương và ngành chức năng phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, vào cuộc một cách đồng bộ, công tâm... thì “cát tặc” không còn chỗ đứng. Đúng như một cán bộ địa phương đã từng tâm sự, “cát tặc” “đầy vơi” hoàn toàn phụ thuộc vào “sức khỏe” của chính quyền và các ngành chức năng.

Kiến nghị từ thực tế

Những nỗ lực và kết quả trong công tác đấu tranh, ngăn chặn “vấn nạn” khai thác cát trái phép trong thời gian gần đây là rất đáng ghi nhận. Song, kết quả đó sẽ là “bắt cóc bỏ đĩa”, thiếu bền vững nếu chúng ta không duy trì đồng bộ các giải pháp và sớm khắc phục những vướng mắc trong công tác quản lý.

Như đã đề cập ở bài trước, một trong những bất cập rõ nhất hiện nay là công tác quy hoạch, cấp phép đối với hoạt động khai thác cát.Qua tiếp xúc, nhiều chủ mỏ, chủ bến bãi kinh doanh cát bày tỏ, không biết bao giờ mới được cấp có thẩm quyền cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác, dù thủ tục đã hoàn thiện, gửi các cấp, ngành chức năng đã hàng năm nay?

“Chúng tôi đã hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát 5-7 năm rồi. Cứ đến tháng, đến năm là nộp thuế, rồi đóng góp đủ các loại quỹ từ trung ương đến địa phương... chỉ mong sớm được cấp phép để khai thác, kinh doanh cho đàng hoàng, không phải mang tiếng là hoạt động trái phép như hiện nay, nhưng không biết bao giờ mới được cấp phép” - chủ mỏ T. H. chia sẻ.

Mạnh tay xử lý nạn khai thác cát trái phép ảnh 2

Các cấp chính quyền cần sớm bổ sung quy hoạch các điểm tập kết đã được các sở, ngành xem xét, đề xuất để đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát.

Sự chậm trễ trong gia hạn giấy phép khai thác lại được một số chuyên gia nhìn nhận theo một hướng khác. Theo đó, việc quy định khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn nhưng hồ sơ đề nghị gia hạn đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo giấy phép đến thời điểm được gia hạn hoặc đến khi có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn, là một sơ hở rất dễ bị lợi dụng.

Đối tượng có thể móc nối làm chậm thời gian trả lời đơn xin gia hạn giấy phép khai thác hoặc lợi dụng sự chậm trễ trong trả lời hồ sơ xin gia hạn giấy phép để tiếp tục khai thác khi giấy phép đã hết hạn. Các cơ quan chức năng cần lưu ý đến vấn đề này. Cả hai trường hợp trên, Nhà nước đều thua thiệt...

Theo lãnh đạo các huyện, thị, thành, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao việc sử dụng cát phục vụ xây dựng, ngoài việc sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm những bất cập, hạn chế trên, đề nghị các sở, ngành cấp tỉnh và UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác cát, sỏi và bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2020 đối với các điểm mỏ đã được địa phương, các sở, ngành liên quan xem xét, đề xuất.

Cùng với đó, UBND tỉnh sớm bổ sung quy hoạch các điểm tập kết cát kinh doanh, trung chuyển... tại các địa phương đã được các sở, ngành xem xét, đề xuất; sớm tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát tại các địa phương theo đúng kế hoạch.

Hằng năm, qua mỗi mùa mưa lũ, các sông ở Hà Tĩnh có lượng cát bồi đắp lớn nên rất cần được tổ chức đánh giá chất lượng, trữ lượng để khai thác nhằm tận thu nguồn lợi này. Vấn đề bấy lâu nay còn bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản nói chung cần được quan tâm chỉ đạo hơn nữa để các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast