Chuyển trọng tâm sang giải quyết các vấn đề dân số và phát triển

(Baohatinh.vn) - Cùng với cả nước, 55 năm qua, Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Đảng và Nhà nước một cách bài bản, tích cực, tiến hành cuộc vận động xã hội sâu rộng, đặc biệt là giai đoạn sau tái thành lập tỉnh (1991).

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, xã hội và toàn dân, mức sinh của tỉnh đã giảm đáng kể. Số con trung bình của một phụ nữ tính đến hết độ tuổi sinh đẻ từ 3,9 con/phụ nữ (năm 1993) đã giảm còn 2,65 con/phụ nữ (2015) - giảm 30%. Trẻ em được nuôi dạy tốt hơn; các bậc cha mẹ có cơ hội nâng cao sức khỏe, tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; tỷ lệ hộ nghèo và áp lực của dân số lên hệ thống y tế, giáo dục... giảm đáng kể.

chuyen trong tam sang giai quyet cac van de dan so va phat trien

Ban Chỉ đạo thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh biểu dương cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu

Tuy nhiên, so với cả nước, thành tựu giảm sinh của Hà Tĩnh còn chậm. Ngay từ năm 2006, Việt Nam đã đạt mục tiêu mức sinh thay thế (bình quân 2,1 con/phụ nữ). Trong khi đó, cho đến năm 2015, số con trung bình của một phụ nữ Hà Tĩnh tính đến hết độ tuổi sinh đẻ vẫn là 2,65 con/phụ nữ, nghĩa là còn cách khá xa mục tiêu này. Tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng cao, ở mức 24%, gấp rưỡi tỷ lệ chung của cả nước, cao hơn cả vùng núi phía Bắc (15,1%) và vùng Bắc Trung bộ (19,3%). Xu hướng giảm sinh của Hà Tĩnh thiếu bền vững.

Có thể nói, thành tựu giảm sinh của Hà Tĩnh đã “đi sau” cả nước hàng chục năm. Thậm chí, dân số Hà Tĩnh có nhiều điểm riêng, có thể gây ra những thách thức lớn hơn trong quá trình phát triển, như: mức sinh cao, xuất cư mạnh và chưa có cơ cấu dân số vàng nhưng đã bước sâu vào già hóa. Thêm nữa, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Tĩnh tăng nhanh hơn mức tăng của cả nước và hiện ở mức cao, trong số trẻ sinh ra trong năm 2015, tương ứng với 100 cháu gái có tới 113 cháu trai.

Như vậy, Hà Tĩnh đang có nhu cầu bức thiết giải quyết các vấn đề dân số có tác động lớn đến sự phát triển của tỉnh nhà. Để cùng nhịp với chính sách dân số của cả nước, trong thời gian tới, công tác dân số của Hà Tĩnh cần được đẩy mạnh hơn và đa dạng hóa nội dung.

Kết luận 119-KL/TW chỉ rõ: “Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Hà Tĩnh thuộc số ít các tỉnh có mức sinh cao. Do đó, KHHGĐ cần được ưu tiên, đẩy mạnh hơn nữa nhằm sớm đạt được mức sinh thay thế, sớm thực hiện rộng khắp mô hình “Mỗi gia đình có 2 con”.

Hà Tĩnh cũng chuyển dần trọng tâm chính sách dân số, từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Sự chuyển biến này sẽ mở rộng hơn và sâu sắc thêm những hoạt động trong những năm gần đây, như: sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám cho đối tượng thanh niên chuẩn bị kết hôn, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn chăm sóc người cao tuổi… để “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”.

chuyen trong tam sang giai quyet cac van de dan so va phat trien

Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Kỳ Anh cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ phường Kỳ Liên.

Để xây dựng và thực hiện được chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và phát triển”, trước hết phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy DS-KHHGĐ hơn nửa thế kỷ qua, đã “ăn sâu” trong xã hội, trong mỗi gia đình và từng thôn xóm, bản làng. Một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước, như Kết luận số 119-KL/TW đã yêu cầu: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển”. Thông điệp truyền thông ngày nay không chỉ xoay quanh KHHGĐ mà cần phủ kín 6 nội dung mà chính sách dân số mới sẽ hướng tới.

Một trong những giải pháp quan trọng giải quyết mối quan hệ dân số và phát triển ở cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, theo Kết luận số 119-KL/TW là: “Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH”. Nói cách khác, đó là tính đến (lồng ghép) yếu tố dân số vào mọi kế hoạch hóa phát triển. Điều này đòi hỏi sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển ở tất cả các lĩnh vực KT-XH và môi trường.

Tình trạng dân số ngày nay của nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã hoàn toàn khác tình trạng dân số cách đây hơn nửa thế kỷ. Vì vậy, đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, chứ không chỉ đơn thuần là KHHGĐ. Tuy nhiên, với Hà Tĩnh, do chưa đạt được mục tiêu mức sinh thay thế, KHHGĐ vẫn nên là một điểm nhấn quan trọng, một việc cần đẩy nhanh trong việc thực hiện nội dung định hướng chính sách dân số mới. Để Hà Tĩnh song hành cùng cả nước chuyển trọng tâm chính sách dân số sang dân số và phát triển, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền có ý nghĩa quyết định.

Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast