Mua sắm trực tuyến: Lo ngại về chất lượng hàng hóa

Số liệu khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam cho thấy: Có tới 13,6 triệu người Việt (chiếm 44% người dùng internet) chưa bao giờ mua hàng qua mạng.

Mua sắm online vẫn còn xa lạ

Theo cuộc khảo sát, phần lớn những người tham gia mua sắm trực tuyến đều e ngại về những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là chất lượng hàng hóa và quy trình thanh toán, giá cả đắt đỏ. Lo ngại lớn nhất chính là chất lượng hàng đặt mua, hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó” ở một số cổng TMĐT đang ám ảnh người tiêu dùng, gây tác hại lớn đối với các website TMĐT khác. Ví dụ như gần đây, lấy danh nghĩa mua sắm cộng đồng, nhiều trang web thương mại đã bán hàng nhái thương hiệu cao cấp như Gucci, Louis Vuitton, Chanel với giá “rẻ như bèo”.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) - cho rằng, rào cản lớn khiến người tiêu dùng e ngại khi mua hàng online là do chất lượng không bảo đảm. Ngoài ra, thói quen của người tiêu dùng Việt luôn muốn khảo sát trực tiếp sản phẩm, "xem tận mắt, sờ tận tay”. Ngay cả việc không được "mặc cả" cũng khiến không ít người kém hào hứng với mua hàng qua mạng.

Ở Việt Nam, hiện đã có nhiều website mua bán qua mạng điện tử quen thuộc với người tiêu dùng như: Nhóm mua, Mua chung, Hotdeal… Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định những website này vẫn còn nhiều hạn chế như cơ chế liên kết còn lỏng lẻo, các trang chủ yếu hoạt động dịch vụ để kết nối người mua hàng với bên cung cấp hàng, dịch vụ (bên thứ 3). Khi có phát sinh tranh chấp, khiếu nại về chất lượng dịch vụ, sản phẩm, người tiêu dùng khó có thể tranh chấp với các website bán hàng mà phải đến trực tiếp nơi bán hàng, dịch vụ.

Bán hàng qua mạng- lựa chọn cho doanh nghiệp Việt

Theo nhiều chuyên gia, việc Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có số người sử dụng internet nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 33% tổng số dân, trong khi đó hơn 60% người dùng internet thuộc nhóm người trẻ từ 16 - 45 tuổi, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cá nhân cao ở tất cả mọi ngành hàng… là những lợi thế rất lớn để phát triển thị trường TMĐT.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thoan, Chủ nhiệm môn TMĐT- Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, với con số tiềm năng trên, mua sắm trực tuyến sẽ càng trở nên phổ biến và trở thành một hành vi thường nhật của hầu hết mọi người. Thực tế cho thấy, mua sắm trực tuyến có ưu điểm là nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc miền Bắc của Saigon Coopmart - cho biết, hiện các siêu thị, trung tâm điện máy đang rất quan tâm và đẩy mạnh bán hàng qua mạng bằng các hình thức sử dụng mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Linked in, Google plus và quảng cáo trên chính website của mình.

Để tập trung đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, ông Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - chia sẻ, tiềm năng thị trường là rất lớn, nhu cầu người tiêu dùng cao và chúng ta còn có nhiều lợi thế nên các doanh nghiệp cần đầu tư bài bản vào TMĐT, chú trọng từ bán cho người tiêu dùng, đến bán cho doanh nghiệp rồi từng bước bán cho Chính phủ. Đó là con đường đi của thương mại thế kỷ XXI và sự lựa chọn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast