Siết chặt sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ban hành văn bản chính thức về việc nghiêm cấm các cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người. Đây là một trong những bước nhằm siết chặt quản lý các loại mỹ phẩm đang có nhiều diễn biến phức tạp trên thị trường.

Loạn mỹ phẩm làm đẹp

Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - cho biết, thời gian qua, các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán trên mạng internet rất đa dạng về chủng loại và xuất xứ. Trong số đó, nhiều sản phẩm được quảng cáo là “hàng xách tay” hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Đặc biệt, một số mỹ phẩm được quảng cáo chứa chiết xuất từ nhau thai, sản xuất bằng công nghệ tế bào gốc, hoặc sản phẩm có tác dụng vượt quá tính năng vốn có...

Trên thực tế, không khó để tìm mua các loại mỹ phẩm có thành phần từ con người, như: Nhau thai, huyết thanh, huyết tương, với tác dụng “thần kỳ”, giúp trẻ hóa làn da, sắc đẹp, tìm lại tuổi thanh xuân… Chỉ cần đánh từ khóa “mỹ phẩm tế bào gốc” sẽ thấy hàng loạt các sản phẩm: Tinh chất nhau thai Laviena, tế bào gốc Juvian, Chinjuifa Rekeni, huyết thanh Cavier… được giới thiệu xuất xứ từ Anh, Úc, Pháp, Đức, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, trên hộp đựng và cả sản phẩm đều không thấy ghi nhà nhập khẩu, số công bố mỹ phẩm, tem nhập khẩp hay giấy chứng nhận cấp phép của Bộ Y tế. Điều lưu ý, các sản phẩm này có giá thành không hề rẻ, xấp xỉ hàng triệu đồng/sản phẩm. Tại một số cơ sở dịch vụ làm đẹp spa, giá còn được đẩy lên gấp nhiều lần.

Theo các chuyên gia, những ứng dụng của tế bào gốc vẫn trong vòng thí nghiệm và chưa có quy trình rõ ràng trong điều trị thật sự. Tế bào gốc và những chất có nguồn gốc tế bào gốc bị cấm dùng trong các sản phẩm mỹ phẩm tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kích thước của tế bào gốc khoảng 15 - 20 micromet nên không thể thâm nhập qua da. Hơn nữa, nguồn tế bào gốc nếu có trong mỹ phẩm hoàn toàn khác với cấu trúc tế bào của người sử dụng, do vậy, sẽ rất dễ xảy ra phản ứng đào thải tế bào lạ và gây phản ứng viêm hoặc dị ứng khi sử dụng.

Tăng cường quản lý

Trước thực trạng trên, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đã ra Công văn số 4555, ngày 13/3/2015 về việc tăng cường quản lý mỹ phẩm. Theo đó, Cục Quản lý dược khẳng định, các thành phần có nguồn gốc từ con người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Vì thế, hoàn toàn nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ con người nhất là nhau thai, tế bào gốc hay tinh trùng. Hiện tại, Cục không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho bất kỳ loại mỹ phẩm nào chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người. Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như công an, quản lý thị trường… tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng Internet, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra các trường hợp quảng cáo mỹ phẩm trong thành phần có chứa chất chiết xuất từ nhau thai, sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ tế bào gốc và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm này và các thành phần khác không được phép sử dụng trong mỹ phẩm.

Kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm sẽ được báo cáo về Cục Quản lý dược trước ngày 15/4 và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp đầy đủ thông tin đến người tiêu dùng.

Theo Thu Hà/Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast