Một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống

Trên cơ sở kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1992, dự thảo sửa đổi bổ sung đã quy định bao quát, các lĩnh vực trong đời sống KT-XH của đất nước.

Về bố cục: Dự thảo sửa đổi bổ sung bao gồm lời nói đầu, 11 chương với 124 điều là phù hợp, từ chế độ chính trị, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từ cơ quan quyền lực, hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp.

Đa số nội dung trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế hội nhập. Tuy nhiên, theo tôi vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tính ổn định chưa cao và xin được tham gia góp ý cụ thể như sau:

1. Lời nói đầu, đề nghị thay từ khát vọng bằng từ mục tiêu và đọc lại là: Với mục tiêu độc lập, tự do, bằng tinh thần tự lực..., như vậy vừa khẳng định được mục tiêu khát vọng, vừa thể hiện sức mạnh của dân tộc và thể hiện tính mạnh mẽ, khúc chiết của đạo luật gốc.

Chương I, Chế độ chính trị, tại Điều 1, đề nghị thay từ Nước bằng Quốc gia và đọc lại là… Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một quốc gia dân chủ, độc lập…; như vậy nó bao hàm cả chủ quyền, thể hiện tính đồng bào trong các dân tộc Việt Nam và phù hợp với Điều 5 của dự thảo.

Điều 7 (sửa đổi, bổ sung Điều 7 Hiến pháp 1992): Mục 2, Điều 7 quy định: ĐBQH, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội… bãi nhiệm… theo tôi quy định như vậy chưa chặt chẽ, vì cử tri rất rộng, kể cả cử tri nơi không bầu ra đại biểu. Vì thế, đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: ĐBQH, đại biểu HĐND bị ít nhất 1/2 số lượng cử tri tại đơn vị bầu ra mình, hoặc Quốc hội, HĐND…

Tại Mục 1, Điều 8, ghi: Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật… Đề nghị sửa lại như sau: Tổ chức và hoạt động của nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật, nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

Điều 13: Ghép và giữ nguyên các điều 141, 142, 143, sửa đổi bổ sung Điều 145 thành 1 điều quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tôi đề nghị ghép luôn cả điều 144 thành 1 mục 5, quy định thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Quy định như vậy vừa gọn, thể hiện quốc thể, phù hợp với kết cấu, đảm bảo tính lôgíc của Hiến pháp.

Điều 27: Đề nghị bỏ mục 3, nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới. Vì nội dung này đã được bao hàm trong mục 1 và mục 2.

Chương III: Kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường

Điều 54: Nhập, sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và Điều 25, hợp thành Điều 54 là phù hợp và tôi đề nghị, sửa đổi mục 2 như sau: Các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, bình đẳng, cạnh tranh, hợp tác, cùng phát triển lâu dài theo pháp luật.

Chương VI, Chủ tịch Nước: Trong dự thảo đã bổ sung một số quy định tăng thẩm quyền và cụ thể hóa vị trí, vai trò của Chủ tịch nước trong các mối quan hệ nhà nước về hành pháp, tư pháp

Việc tăng và cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước là cần thiết và phù hợp với vai trò nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, tôi đề nghị: nên khẳng định vị trí của Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, vì vậy, sửa đổi Điều 91 theo hướng như sau: Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Chương VIII. Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân: Trong dự thảo sửa đổi đã sáp nhập các điều 129, 130, 131, 132 và Điều 133 các chế định về tòa án nhân dân thành (Điều 108), tuy nhiên, nội dung quy định trong mục 6 chưa rõ ràng, chế độ ở đây được quy định như thế nào, vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi bổ sung mục 6 ( Điều 108 ) như sau: Nguyên tắc, chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm do luật định. Vì nguyên tắc là quy định trình tự, thủ tục và việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử; còn chế độ là những điều kiện đảm bảo trong hoạt động xét xử.

Điều 112 (sửa đổi, bổ sung Điều 126, 127 Hiến pháp 1992): đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn sau cùng trong Điều 112 như sau: …góp phần bảo đảm pháp chế XHCN, vì theo lý luận chung pháp chế là sự tuân thủ pháp luật, hoặc nói cách khác pháp chế là trật tự pháp luật.

Chương IX. Chính quyền địa phương: Theo tôi, các chế định quy định trong chương IX còn sơ sài. Tôi đề nghị trên cơ sở chương XI, Hiến pháp 1992 hiện hành sửa đổi, bổ sung lại chương IX trong dự thảo cho phù hợp với tính chất, vị trí của chính quyền địa phương

Điều 115: Quy định như vậy chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với Điều 1 của dự thảo, vì khái niệm lãnh thổ rất rộng, bao gồm: đất liền, vùng biển và vùng trời, mà các đơn vị hành chính chưa được thành lập trên vùng trời được. Vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi lại mục 1, Điều 115 như sau: bỏ từ lãnh thổ, mà đọc lại là các đơn vị hành chính của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được phân định như sau: Theo quy định trong dự thảo.

VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast