Thành phố Hồ Chí Minh: Gắn cải cách hành chính với xây dựng chính quyền đô thị chuyên nghiệp, hiện đại

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và xuất phát từ yêu cầu thực tế về vị trí, vai trò quan trọng của thành phố đối với sự phát triển của đất nước, những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác cải cách hành chính (CCHC) trên tất cả các lĩnh vực: thể chế, bộ máy, nhân sự, tài chính công và mang lại hiệu quả cao; được nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản trong các hoạt động KT-XH, nhất là một số lĩnh vực "nóng”, như: quản lý nhà đất, xây dựng, thu hút đầu tư...; từng bước xoá bỏ cơ chế “bao cấp”, “xin - cho”; thay đổi nếp nghĩ và thói quen trong quan hệ giữa chính quyền với nhân dân...

Bước vào gia đoạn mới, TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm nhiều biện pháp cải cách hành chính độc đáo, mang lại hiệu quả cao, như: khảo sát mức độ hài lòng của người dân với cán bộ, công chức bằng máy điện tử; nhắn tin lấy số thứ tự làm thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi cho người dân. Hải quan Thành phố triển khai đề án thông quan "một cửa" giảm 50% thời gian thông quan và 30% chi phí cho doanh nghiệp. Điện lực Thành phố lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời giải quyết các phản ánh, khiếu nại của người dân…

Tại 10 phường, hồ sơ hành chính được giải quyết 100% trong ngày. Việc giải quyết hồ sơ và trả kết quả trước hẹn đạt tỷ lệ từ 20%- 40% số hồ sơ được giải quyết; rút ngắn từ 2 - 4 ngày làm việc khi xác nhận đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, bảo đảm thời gian niêm yết 5 ngày theo quy định. Chính những việc làm này gây áp lực lớn lên cán bộ nhưng qua đó cải thiện được thái độ phục vụ của cán bộ theo hướng tích cực.

Lãnh đạo các quận huyện trên địa bàn Thành phố đã tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin. Hiện tại 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố đều đã có website riêng. Qua đó cung cấp thông tin về tình hình phát triển KT-XH, công bố các quy trình, thủ tục hành chính và thực hiện liên kết các phần mềm liên thông trên hệ thống để người dân tự tra cứu tình trạng hồ sơ của mình, giảm công sức, chi phí đi lại. Nhờ có cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", hồ sơ giải quyết đúng hạn của các quận đều đạt trên 90%, riêng quận 5 đạt dến 98%.

Thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu, đến nay, 24/24 quận - huyện và 16/37 đơn vị thành phố đã được phê duyệt thực hiện khoán biên chế và kinh phí hành chính theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ với định mức khoán hiện nay là 30 triệu/người/năm đối với sở - ngành và quận - huyện; 24 phường, xã của 20/24 quận - huyện thực hiện phương án khoán định biên và kinh phí hoạt động, được UBND thành phố cho phép thực hiện trong 3 năm (2004 đến 2006), mức kinh phí khoán do UBND quận - huyện xem xét cân đối và giao định mức. Thực hiện phương thức khoán, hầu hết các đơn vị đều thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, tinh giản biên chế, tổ chức sắp xếp lại bộ máy, tiết kiệm kinh phí hành chính... Qua đó, tăng thu nhập thêm cho cán bộ công chức từ 300.000 đến 500.000đ/người/ tháng.

Trong cải cách hành chính, hai yếu tố được đặt lên hàng đầu là con người và công nghệ; trong đó yếu tố con người được lãnh đạo Thành phố xác định là cái gốc của mọi vấn. Đồng chí Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC Thành phố khẳng định: “Con người là yếu tố quyết định sự thành công của công tác cải cách hành chính. Muốn thế, Thành phố phải xây dựng lực lượng cán bộ lấy lợi ích người dân, đất nước làm trọng”. Với quan điểm đó, chính quyền Thành phố đặc biệt quan tâm và quyết liệt thực hiện việc kiểm soát, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức các cấp từ sở, ngành, quận, huyện đến phường, xã; khắc phục, chấn chỉnh thái độ và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức. Sắp tới, đối tượng công chức được người dân “chấm điểm” sẽ mở rộng và những “điểm sáng” trong cải cách hành chính sẽ được nhân rộng ở các địa phương.

Nhân viên UBND quận 1 hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất. Ảnh: Báo SGPP

Nhân viên UBND quận 1 hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất.

Ảnh: Báo SGPP

Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh xác định mục tiêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình CCHC gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị, nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là một trong các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực. Để hiện mục tiêu trên, UBND Thành phố vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế và cán bộ, công chức kiểm soát thủ tục hành chính giai đoạn 2012 - 2015", phấn đấu đến năm 2015 bảo đảm cơ bản cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, quận, huyện, phường, xã được bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ công tác xây dựng, kiểm tra văn bản...

Chính sách, cơ chế phù hợp và ngày càng thông thoáng đã tác động tích cực, huy động, khơi dậy được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển nên trong công cuộc đổi mới, kinh tế TP.HCM đã có bước phát triển dài: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ năm 1991 đến nay đạt trên 11%; là trung tâm kinh tế và là đô thị phát triển vào bậc nhất của Việt Nam, mỗi năm tạo ra trên 20% GDP cả nước và đóng góp trên 1/3 ngân sách quốc gia. Nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh khá đa dạng về lĩnh vực: khai thác mỏ, thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng đến du lịch, tài chính... Về cơ cấu ngành, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 51,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 47,7%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,2%. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở thành phố đạt 2.800 USD/năm, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước (1.168 USD/năm)…

Đặc biệt, hiệu quả từ công tác CCHC đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Qua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành phố đã tiếp thu được nhiều công nghệ kỹ thuật hiện đại, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tiên tiến và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động; thúc đẩy DN trên địa bàn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng phương pháp kinh doanh hiện đại. Các dự án nước ngoài cũng đã tác động đến việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. TP. Hồ Chí Minh hiện có trên 3.000 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp (dịch vụ chiếm 48,5%, công nghiệp 36,3%, còn lại là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản). Đặc biệt, những năm gần đây, xu hướng đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố tập trung vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ cao với quy mô đầu tư ngày càng lớn.

Có thể khẳng định, TP. HCM là địa phương đi đầu cả nước trong công tác CCHC và thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI. Những bước đi của thành phố, sự thành công cũng như những điểm còn hạn chế, vướng mắc… thực sự đã, đang và sẽ để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho các địa phương trong cả nước. Do đó, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng, nhân rộng những thành công của TP. HCM là việc làm cần thiết trong công cuộc đổi mới, phát triển của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Qua tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, hiện nay TP Hồ Chí Minh có 317 phường - xã, thị trấn, với 7.800 cán bộ công chức, trong đó có 1.529 cán bộ bán chuyên trách. Tổ chức từ 9 ban, nay còn 3 ban và giảm được 2.108 biên chế.

Thành phố hiện có 24 quận - huyện với gần 3.000 cán bộ công chức; bộ máy UBND từ 21 phòng, ban chuyên môn, hiện còn 13 phòng, ban; có 22 sở, cơ quan ngang sở, 14 cơ quan trực thuộc, 7 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố, với trên 3.000 cán bộ công chức.

Từ 408 doanh nghiệp nhà nước, đến nay thành phố đã sắp xếp lại hiện có 9 tổng công ty, 5 công ty mẹ - công ty con, 85 doanh nghiệp độc lập, 150 doanh nghiệp cổ phần và 50 doanh nghiệp hoạt động công ích. Nhìn chung, các doanh nghiệp với nhiều hình thức sở hữu đã nâng cao năng lực cạnh tranh theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn: Dangcongsan.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast