Nước sản xuất ở Thịnh Lộc: Nơi cần không có, nơi có lại không cần!

(Baohatinh.vn) - Kênh chính bắt đầu xuống cấp, lại không có hệ thống mương nhánh nên nguồn nước phục vụ sản xuất cho hơn 300 ha đất nông nghiệp của xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang rơi vào tình trạng nơi cần nước thì không có, còn nơi có nước lại chẳng cần.

Dù đã có hệ thống đường ống ngầm được làm theo chương trình ngọt hóa sông Nghèn về đến ngay sát chân ruộng, nhưng hơn 2 sào đất lúa ở vùng đồng Sâm (thôn Nam Sơn) của gia đình anh Dương Văn Hiển vẫn đang “đói” nước.

Nước sản xuất ở Thịnh Lộc: Nơi cần không có, nơi có lại không cần!

Không có nước nên ruộng lúa của anh Dương Văn Hiển và nhiều hộ khác ở thôn Nam Sơn (xã Thịnh Lộc) không thể sản xuất vụ hè thu.

Không chỉ có khu ruộng nhà anh Hiển mà hơn 30 ha đất lúa của hàng chục hộ dân ở vùng đồng này (tổng khoảng 70 ha, trong đó 40 ha đất màu) cũng đang bị khô cạn, không thể sản xuất lúa vụ hè thu.

Nguyên do là đường ống chính dẫn nước về vùng đồng này bị tắc ở vị trí gần cuối kênh và thiếu hệ thống mương phụ nên nước chỉ đến chân ruộng màu, không thể chảy đến chân ruộng lúa.

Nước sản xuất ở Thịnh Lộc: Nơi cần không có, nơi có lại không cần!

Nếu chị Nguyễn Thị Lục (thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) lấy nước cho ruộng lúa thì ruộng dưa hấu này của hàng xóm sẽ bị ngập và hư hỏng.

Nhìn ô ruộng hiện không có nước cấy vụ hè thu ở vùng đồng Thổ, chị Nguyễn Thị Lục (thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) phản ánh: “Hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện, đồng bộ nên chúng tôi muốn lấy nước vào ruộng lúa (cách điểm mở nước và các ruộng dưa khoảng 400m) thì phải xin các hộ trồng dưa ở khu vực đầu kênh. Tuy nhiên, các hộ này sẽ không đồng ý vì trước khi nước chảy đến ruộng lúa của chúng tôi thì đã gây ngập và làm chết ruộng dưa của họ”.

Vấn đề thủy lợi cũng đang gây ảnh hưởng đến ruộng lúa ở vùng đồng Su của bà Nguyễn Thị Thịnh (thôn Yên Điềm). Hiện nay, nước đã đổ về kênh chính nhưng bà Thịnh không thể xuống đồng sản xuất dù đã quá thời hạn gieo cấy.

Nước sản xuất ở Thịnh Lộc: Nơi cần không có, nơi có lại không cần!

Nước đã được bơm về kênh chính nhưng do bất cập về hệ thống nên bà Nguyễn Thị Thịnh (thôn Yên Điềm) không thể đưa nước vào ruộng để cấy.

Theo phản ánh của bà Thịnh, vì ruộng nhà mình cao hơn mặt bằng chung và xa điểm mở nước nên muốn đưa vào ruộng nhà thì phải mở hết van xả, cho nước chảy loang, ngập khắp cả vùng đồng rộng hơn 6 mẫu. Mở nước như vậy không chỉ gây thất thoát lớn mà còn gây ngập úng cho những ruộng mạ còn non và các ruộng màu của các hộ xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Lộc cho biết: “Hơn 300 ha đất sản xuất (130 ha lúa, còn lại đất màu) của các xứ đồng vùng ngoài của xã (chủ yếu là của các thôn Yên Điềm, Hồng Thịnh, Nam Sơn, Hòa Bình) hiện đang gặp khó khăn trong sản xuất vì tuyến kênh chính đang bị xuống cấp và hệ thống kênh mương xương cá (mương phụ) chưa được đầu tư xây dựng.

Nước sản xuất ở Thịnh Lộc: Nơi cần không có, nơi có lại không cần!

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Lộc phản ánh tình trạng không có mương nhánh nên khi cấp nước phải mở van cho nước tràn qua các hố ga này, nước chảy lênh láng khắp nơi.

Kênh mương thủy lợi không đảm bảo dẫn đến tình trạng nhiều cánh đồng màu (làm dưa hấu, đậu, khoai...) không cần nước thì bị ngập, còn các ruộng lúa luôn cần nước thì lại không đủ. Chưa kể còn dẫn đến việc bị thất thoát gần 1/2 lượng nước được cấp và nhiều diện tích đất lúa không thể sản xuất được nên phải chuyển sang làm màu, hiệu quả không cao”.

Được biết, vùng đồng của xã Thịnh Lộc vừa giáp núi, vừa giáp biển, không bằng phẳng nên bà con nông dân vừa làm màu, vừa làm lúa xen lẫn. Do đặc thù thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân nên thời vụ ở đây thường chậm hơn so với các vùng khác. Những vấn đề này kết hợp với việc hệ thống thủy lợi không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, cơ cấu mùa vụ và hiệu quả sản xuất.

Nước sản xuất ở Thịnh Lộc: Nơi cần không có, nơi có lại không cần!

Ông Lê Doãn Huân – Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thủy lợi Thịnh Lộc phản ánh tình trạng van mở nước của các tuyến kênh chính bị hỏng, không thể vận hành để lấy nước phục vụ sản xuất.

Ông Lê Doãn Huân, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thủy lợi Thịnh Lộc thông tin: “Các trục kênh chính đi ngầm dưới đất được làm theo dự án ngọt hóa sông Nghèn trước đây đang bị xuống cấp (mất nắp đậy, tay quay và van vận hành bị hoen rỉ, một số đoạn bị tắc nước cục bộ, rò rỉ nước). Ngoài ra, các vùng đồng cũng đang thiếu hệ thống mương nhánh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp nước và hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Tình trạng này cần sớm được khắc phục để tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí thủy lợi, sản xuất hiệu quả, không gây hư hại cho các cánh đồng màu…”.

Nước sản xuất ở Thịnh Lộc: Nơi cần không có, nơi có lại không cần!

Kênh chính xuống cấp, kênh mương nhánh thiếu, ảnh hưởng đến sản xuất.

Muốn khắc phục những bất cập về thủy lợi và phục vụ sản xuất hiệu quả thì Thịnh Lộc cần sửa chữa, nâng cấp 2 tuyến kênh chính dài khoảng 19 km nối từ Quảng trường Mai Hắc Đế (giáp ranh giữa Thịnh Lộc với thị trấn Lộc Hà) lên đến hết thôn Yên Điềm (gần giáp ranh với huyện Nghi Xuân). Cùng đó, toàn xã phải đầu tư làm mới khoảng 6 - 7 tuyến kênh mương nhánh phân bố khắp xứ đồng ngoài với chiều dài 600 - 900m/tuyến, chiều rộng 50 cm, cao 70 cm.

Nước sản xuất ở Thịnh Lộc: Nơi cần không có, nơi có lại không cần!

Do không có mương dẫn, nước được xả tự do nên muốn các thửa ruộng mới gieo cấy có nước thì phải cho ngập các ô ruộng bỏ hoang ở phía đầu nguồn như thế này.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà - Võ Tá Bình cho hay: “Huyện đang thí điểm dồn điền đổi thửa ở Hồng Lộc và một số xã, ruộng đồng của nhiều địa phương còn manh mún, chưa hình thành các vùng chuyên canh tập trung. Hơn nữa, vùng đồng của xã Thịnh Lộc vừa giáp núi vừa giáp biển, không bằng phẳng nên bà con vừa làm màu, vừa làm lúa xen lẫn. Những bất cập về kênh mương, tưới tiêu ở Thịnh Lộc chúng tôi đã được nghe bà con nông dân, chính quyền địa phương phản ánh và UBND huyện cũng đã giao cho các phòng, ngành chức năng kiểm tra, khảo sát để tìm giải pháp khắc phục. Trước mắt, chúng tôi đang đề xuất sắp tới sẽ làm 10 tuyến kênh mương mới với tổng chiều dài gần 5,5 km để phục vụ sản xuất".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast