Người dân đồng tình với các phương án xử lý tồn đọng đất đai ở Hương Khê

(Baohatinh.vn) - Chiều 3/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn chủ trì tổ chức đối thoại với công dân về xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến đất đai tại xã Phú Phong.

Người dân đồng tình với các phương án xử lý tồn đọng đất đai ở Hương Khê

Để xử lý dứt điểm sai phạm về đất đai tại xã Phú Phong (kéo dài hơn 10 năm nay), tỉnh và huyện Hương Khê đã thành lập tổ công tác rà soát lại từng lô đất, đồng thời có phương án giải quyết cụ thể.

Qua soát xét, có 21 lô đất (gồm 9 lô có quyết định thu hồi đất, 12 lô có thông báo thu hồi đất) đã hoàn thành các bước theo quyết định thu hồi đất (người sử dụng đất đã bàn giao đất, GCNQSD đất cho UBND xã và đã nhận lại số tiền đã nộp). Hiện trạng tại thực địa đất chưa sử dụng, đang do UBND xã quản lý.

Người dân đồng tình với các phương án xử lý tồn đọng đất đai ở Hương Khê

Đại diện 202 hộ dân liên quan và các ngành chức năng tham gia buổi đối thoại

Có 93 lô (gồm 88 lô có quyết định thu hồi đất, 2 lô có quyết định thu hồi GCNQSD đất và 3 lô có thông báo thu hồi đất), UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi, thông báo thu hồi đất nhưng chưa thực hiện. Người được giao đang trực tiếp sử dụng đất, đang giữ GCNQSD đất; tiền sử dụng đất chưa trả lại cho người được giao đất.

Người dân đồng tình với các phương án xử lý tồn đọng đất đai ở Hương Khê

Ông Nguyễn Kim Hưng – xóm 2 xã Phú Phong: Tôi rất đồng tình với những phương án mà huyện Hương Khê đưa ra. Đề nghị tỉnh và các ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Về phương án, huyện Hương Khê đề xuất thực hiện theo quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi đất đối với 21 lô đã hoàn thành các bước theo quyết định đã ban hành. Đối với 93 lô còn lại, đề nghị hủy quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi đất đã ban hành.

Người dân đồng tình với các phương án xử lý tồn đọng đất đai ở Hương Khê

Bà Mai Thị Thủy (tổ dân phố 7, thị trấn Hương Khê) thắc mắc: Năm 2002, gia đình tôi nhận được thông báo bán đất và đã nộp tiền xây dựng quê hương nhưng không mua được đất. Đến nay gia đình tôi vẫn chưa được nhận lại số tiền trên.

Đối với 53 lô trồng cây lâu năm, 16 lô có giấy CNQSD đất ghi đất ở và đất vườn, huyện Hương Khê đề xuất cấp đổi theo giấy CNQSD đất cũ đã được cấp.

Đối với 37 lô đất trồng cây lâu năm, các hộ dân đã làm nhà cố định, làm nhà để sản xuất kinh doanh, nay vẫn phù hợp với quy hoạch. Do vậy, giữ nguyên quy hoạch, cấp đổi lại GCNQSD đất với mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm, thời hạn sử dụng 50 năm; đồng thời, lập biên bản đối với các hộ đã tự ý xây dựng công trình trái phép.

Người dân đồng tình với các phương án xử lý tồn đọng đất đai ở Hương Khê

Q. Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê Nguyễn Xuân Quyền giải đáp cụ thể những ý kiến, thắc mắc của các hộ dân.

Tại buổi đối thoại, hầu hết người dân có liên quan đều đồng tình với các phương án đề xuất của huyện Hương Khê. Ngoài ra, có một số hộ dân có đề xuất về việc chuyển đổi từ đất vườn sang đất ở; thắc mắc về quy hoạch đất trồng cây lâu năm và đất ở... Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo Sở TN&MT và huyện trả lời chi tiết, cụ thể, đúng theo quy trình pháp luật, người dân đã đồng tình.

Người dân đồng tình với các phương án xử lý tồn đọng đất đai ở Hương Khê

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý dứt điểm vụ việc theo đúng quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Kết thúc buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: Từ sự đồng tình của người dân qua các phương án đề xuất, tổ công tác của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với huyện tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Trên tinh thần đảm bảo đúng pháp luận hiện hành và quyền lợi của người dân, huyện cần tiếp tục rà soát lại cụ thể những vướng mắc. Nếu hộ dân nào còn có ý kiến thì địa phương phải giải đáp cụ thể để cho người dân hiểu.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, chính quyền xã Phú Phong phải tiến hành niêm yết công khai, minh bạch để 202 hộ dân liên quan thống nhất, sau đó báo cáo với tỉnh để xử lý dứt điểm.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast