Kỳ cuối: Du lịch biển - “Công chúa ngủ đông”

(Baohatinh.vn) - Nhiều người ví ngành du lịch biển Hà Tĩnh như thế! Đẹp, nguyên sơ, nhưng mải... “ngủ đông”!

Kinh tế biển Hà Tĩnh – nhìn từ những ngành, nghề ưu tiên

>> Kỳ 1: Đột phá Vũng Áng - Sơn Dương

>> Kỳ 2: Hướng khơi xa, bảo vệ chủ quyền

>> Kỳ 3: Nuôi trồng mặn lợ - tiềm năng lớn, thách thức nhiều

“Say” trong tiềm năng!

Như sinh ra đã sẵn dung nhan kiều diễm, trời ban cho Hà Tĩnh biển đẹp với hải sản ngon và danh thắng say lòng. Biển xanh, cát trắng... đều hội đủ ở Xuân Thành, Chân Tiên, Thạch Hải, Thiên Cầm... Phải chăng vì thế mà Thiên Cầm trở thành một trong 46 khu du lịch (DL) quốc gia được Thủ tướng phê duyệt trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vào đầu năm 2013. Và đến nay đã hoàn thành quy hoạch Thiên Cầm thành một khu đô thị biển.

Khu DL Thiên Cầm hiện có 12 cơ sở lưu trú (6 khách sạn) với 600 phòng thì hơn 1/2 trong số này mang tên cơ quan nhà nước trong tỉnh mà chẳng mảy may liên quan đến DL
Khu DL Thiên Cầm hiện có 12 cơ sở lưu trú (6 khách sạn) với 600 phòng thì hơn 1/2 trong số này mang tên cơ quan nhà nước trong tỉnh mà chẳng mảy may liên quan đến DL

Ven biển Hà Tĩnh còn đồ sộ về tài nguyên nhân văn để làm nên sự hài hòa hiếm có giữa DL nghỉ dưỡng, DL văn hóa và DL tâm linh. Những lễ hội lớn gắn với các di tích cấp quốc gia như: sỹ - nông - công - thương ở Xuân Thành, đền Chiêu Trưng ở Cửa Sót, cầu ngư ở Cẩm Nhượng, đền Chế Thắng phu nhân ở Kỳ Anh…, được tổ chức hàng năm, đã góp phần hình thành các tour DL: Thiên Cầm - Ngã ba Đồng Lộc - đền Hoàng Mười - Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du…

Cùng với lợi thế 137 km bờ biển; là điểm giữa cầu nối tuyến Bắc - Nam và cửa ngõ phía Đông của trục Đông - Tây, trong sự đi lên của một tỉnh, những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển được tỉnh quan tâm, kết nối các vùng miền trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho DL nói riêng, KT-XH nói chung của Hà Tĩnh phát triển.

Theo thống kê chưa đầy đủ, sau gần 20 năm thành lập, cơ sở lưu trú hiện có tại Hà Tĩnh đạt khoảng 1.000 phòng nghỉ, gồm: Thiên Cầm 600, Xuân Thành 200, còn lại là các địa điểm nhỏ lẻ khác. Trong số đó có khoảng 800-900 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế với 1 khách sạn 3 sao, 3 khách sạn 2 sao tại Khu DL Thiên Cầm.

Thế mà có chuyên gia DL cho rằng, sau gần 20 năm hình thành và hoạt động, bên cạnh những kết quả quá khiêm tốn, những người làm DL biển ở Hà Tĩnh, thậm chí còn làm mất đi phần nào vẻ đẹp nguyên sơ quý giá do thiếu hiểu biết tại cả 2 bãi biển Thiên Cầm và Xuân Thành!

“Xí phần”, ngành ngành làm du lịch

Giật mình trước nhận xét trên, nhìn lại 2 khu DL Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) và Xuân Thành (Nghi Xuân), quả chẳng sai. Không khó để nhận ra điểm giống nhau tại 2 khu DL đầy lợi thế và tiềm năng này là đất dọc theo bãi biển đều được chia lô như đất mặt đường. Rộng dài, vị trí đẹp... hoàn toàn phụ thuộc vào “năng lực” của từng cá nhân, tổ chức; không căn cứ vào lĩnh vực, kinh nghiệm, khả năng chuyên môn, tài chính...

Khu DL Thiên Cầm hiện có 12 cơ sở lưu trú (6 khách sạn) với 600 phòng thì hơn 1/2 trong số này mang tên cơ quan nhà nước trong tỉnh mà chẳng mảy may liên quan đến DL. Tiền xây nên nhà nghỉ, khách sạn tại khu DL này cũng là tiền Nhà nước. Nhiều người đang phục vụ trong những nhà nghỉ, khách sạn tại đây đang ăn lương nhà nước. Và đương nhiên, khách hàng của các cơ sở lưu trú này vẫn chủ yếu là người trong ngành... Hiện một số cơ quan đã chuyển cơ sở kinh doanh sang hình thức cho thuê, khoán.

“Có nhiều nguyên nhân làm cho khu DL Thiên Cầm chậm phát triển. Đầu tiên là do thiếu chuyên nghiệp, thừa bao cấp, dẫn đến thiếu cạnh tranh. Thứ hai là, chậm quy hoạch (thành lập năm 1995 nhưng đến 2012 mới có quy hoạch). Thứ ba là, điều kiện phục vụ, cơ sở hạ tầng, vui chơi giải trí nhìn chung chưa có gì. Thứ tư là người làm DL tại đây chủ yếu là nông dân, người làm nghề biển chưa qua đào tạo, tập huấn về DL. Và cuối cùng là do khu DL không có xen dân nên hoàn toàn không có DL vào mùa đông...” - ông Nguyễn Văn Huy - thành viên BQL khu DL Thiên Cầm - nguyên Giám đốc Nhà nghỉ Công đoàn, đúc kết.

Chính vì vậy mà khu DL này không những không thu hút được nguồn lực mà còn bị những nơi khác lấy đi những người biết làm DL hiếm hoi của mình. Theo BQL khu DL này, từ năm 2005 trở lại đây, chỉ duy nhất có Doanh nghiệp Tre Nguồn đầu tư một khách sạn gồm 14 phòng nghỉ vào khu DL Thiên Cầm. “Từ trước đến nay chưa một nhà DL đúng nghĩa nào đặt vấn đề làm DL tại đây”, ông Huy nói.

Sau mùa mưa bão, khu du lịch biển trở nên xơ xác
Sau mùa mưa bão, khu du lịch biển trở nên xơ xác

Thiên Cầm một ngày đông hiu hắt. Quán hàng không một bóng khách, xiêu vẹo, mái tốc chơ vơ sau bão. Nhà bưu điện trước khu DL rêu phủ, cửa “cài” bằng cây gỗ lớn... Bao lâu nữa, đây trở thành khu đô thị biển?

Rời Thiên Cầm, thẫn thờ với câu nghi vấn buồn, tôi ngược ra khu DL Xuân Thành. Chẳng có gì khác giữa 2 khu DL biển giàu tiềm năng, lợi thế này. Vẫn cách làm DL manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Vẫn cơ sở hạ tầng sơ sài, thiếu đồng bộ, không có nhà DL lớn đúng nghĩa đầu tư... Chỉ khác, Xuân Thành ra đời sau Thiên Cầm 1 năm (1996) và còn chịu thêm tai tiếng “mại dâm”.

Để DL biển Hà Tĩnh phát triển tương xứng tiềm năng

Nhiều mục tiêu, giải pháp mang tính vĩ mô ghi trong chiến lược, trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết là rất cần thiết cho sự phát triển lâu dài, bền vững, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trước hết, chúng ta nên tập trung ưu tiên cho khu DL Thiên Cầm, Xuân Thành và Nam Kỳ Anh. Theo ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cần có sự đầu tư thỏa đáng cả về cơ sở hạ tầng, về quảng bá, mời gọi nhà đầu tư có đủ điều kiện. Chỉ có hạ tầng đồng bộ mới thu hút được nhà đầu tư DL đúng nghĩa. Do chậm có quy hoạch nên hiện tại, khu DL Xuân Thành đã không còn “vị trí vàng” cho nhà đầu tư lớn.

Do điều kiện khí hậu nên Hà Tĩnh cũng như các tỉnh miền Bắc chỉ kinh doanh du lịch biển được 3-4 tháng trong năm. Để có thêm nhiều ngày kinh doanh DL biển trong năm, theo một số chuyên gia, cần quy hoạch, xây dựng các trung tâm hội nghị, trường học, nhà dưỡng sức, khu dân cư... gần các khu DL biển.

Hiện khách đến các khu DL biển Hà Tĩnh đều khen bãi biển đẹp nhưng đơn điệu quá, chỉ có xuống tắm, lên ăn rồi... về. Để khắc phục vấn đề này, thu hút khách, khu DL biển cần đầu tư khu vui chơi, giải trí, mua sắm. Các sản phẩm DL đặc sắc, riêng biệt của địa phương thường được khách DL quan tâm. Vì vậy, cần chọn lọc để khôi phục một số sản phẩm truyền thống, hoặc xây dựng mới các sản phẩm DL, sản phẩm văn hóa gắn với tên đất, tên người nổi tiếng... Chúng tôi nghĩ rằng, đất Nghi Xuân sao không xây dựng thương hiệu rượu Nguyễn Công Trứ; tổ chức hát ví, ca trù, trò Kiều...?

Ngoài nhiều việc phải làm như: đào tạo đội ngũ quản lý, phục vụ, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, ANTT, nâng cao chất lượng phục vụ các tour DL có điểm DL biển... thì việc giám sát giá cả thực đơn, phòng nghỉ tại các khu DL là rất cần thiết. Với tâm lý 3 tháng làm, 9 tháng nghỉ nên chuyện “chặt chém” khách khi vào mùa ngày càng mạnh, khiến không ít người “một đi không trở lại”. “Có những thời điểm, giá phòng tại khu DL Thiên Cầm cao gấp gần 3 lần so với Cửa Lò” - ông Huy, thành viên BQL khu DL Thiên Cầm cho biết.

Khu DL Nam Kỳ Anh nếu được đầu tư đúng mức, đồng bộ, tránh được những hạn chế, yếu kém tại các khu DL khác trong tỉnh sẽ phát triển tốt nhờ lượng chuyên gia, người lao động nước ngoài đông đảo, có điều kiện, ưa khám phá. Một anh bạn làm DL ở Nghệ An cho biết, cứ vào 2 ngày nghỉ cuối tuần là khách từ Vũng Áng “đổ bộ” ra nghỉ rất đông. Ước tính, trung bình 2 ngày nghỉ, tiêu tốn khoảng 2 triệu đồng/người...

Du lịch biển nói riêng, kinh tế biển Hà Tĩnh nói chung đã có những khởi sắc nhưng thiếu đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng. Những cái nhìn chấm phá trong loạt bài phóng sự này chỉ mong góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast