Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

(Baohatinh.vn) - Interpol chính thức có tân Chủ tịch; Indonesia kết thúc công tác xác định danh tính các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay làm 189 người thiệt mạng... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 18/11 - 24/11/2018) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Ông Kim Jong Yang đang giữ chức quyền chủ tịch Interpol thay ông Mạnh Hồng Vĩ đã từ chức. (Ảnh: SBS)

Interpol chính thức có tân Chủ tịch: Sau phiên họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 87 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) diễn ra hôm 21/11 vừa qua, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ra thông báo cho biết, ứng viên Kim Jong Yang, người Hàn Quốc, đã được bầu giữ chức Chủ tịch Interpol, thay cho cựu Chủ tịch Mạnh Hồng Vĩ đang bị giam giữ tại Trung Quốc vì cáo buộc nhận hối lộ hồi tháng 9/2018.

Trước đó Mỹ và Anh đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng viên Kim Jong Yang, trong khi phản đối việc bầu chọn ứng viên Alexander Prokopchuk của Nga, đồng thời cảnh báo rằng việc lựa chọn ông Prokopchuk sẽ chỉ phục vụ cho các lợi ích của Nga. Nga đã phản đối tuyên bố trên và cáo buộc Mỹ đang can thiệp vào tiến trình bầu cử của Interpol.

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Các mảnh vỡ của chiếc Boeing 737 bị rơi hôm 29/10. (Ảnh: AFP)

Indonesia kết thúc công tác xác định danh tính các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay làm 189 người thiệt mạng: Chính quyền Indonesia thông báo đã kết thúc công tác xác định danh tính các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng Lion Air làm toàn bộ 189 người thiệt mạng. Dự kiến, báo cáo sơ bộ chính thức về nguyên nhân vụ tai nạn sẽ được công bố vào ngày 28/11.

Ông Arthur Tampi, người phụ trách trung tâm y tế của Lực lượng Cảnh sát quốc gia, cho biết tính đến ngày 23/11, sau khi xét nghiệm ADN toàn bộ các phần thi thể tìm thấy trong vụ tai nạn, giới chức Indonesia đã xác định được danh tính của 125 người (gồm 89 nam và 36 nữ). Có hai người nước ngoài là công dân Italy và Ấn Độ.

Cho tới nay, các nhà điều tra vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến máy bay rơi chỉ ít phút sau cất cánh. Một số thông tin cho biết máy bay xấu số đã gặp vấn đề với đồng hồ đo tốc độ không khí và cảm biến góc tấn (AOA).

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Nghi phạm My Ut Trinh khi bị cảnh sát bắt hôm 11/11. (Ảnh: News)

Nghi phạm gốc Việt nhét kim vào dâu tây Australia được tại ngoại: ABC đưa tin bà My Ut Trinh, 50 tuổi, bị giam tại Trại Cải tạo Phụ nữ Brisbane nhưng hôm 22/11 đã được Tòa án Thẩm phán Brisbane cho phép bảo lãnh tại ngoại.

Người phụ nữ gốc Việt bị bắt hôm 11/11 với 7 tội danh, sau cuộc điều tra phức tạp của cảnh sát về vụ phá hoại ngành công nghiệp dâu tây Australia.

Tại phiên tòa, các công tố viên cáo buộc bà Trinh nhét kim vào các quả dâu để trả đũa ông chủ trang trại do mâu thuẫn cá nhân. Tuy nhiên, luật sư bào chữa Nick Dore tranh cãi rằng bằng chứng chống lại bà Trinh không thuyết phục.

ADN của bà Trinh đã được tìm thấy trên cây kim trong một hộp dâu tây nhưng luật sư Dore cho hay ADN không đủ để chứng minh bà Trinh đã nhét kim vào dâu tây. Bà có rất ít khả năng tái phạm nếu được bảo lãnh tại ngoại và an toàn của bà cũng không bị đe dọa.

Tòa án đã đồng ý thả bà Trinh với điều kiện không liên lạc với các đồng nghiệp cũ của trang trại, giao nộp hộ chiếu và trình diện cảnh sát 3 lần một tuần. Vụ án sẽ được xét xử tiếp vào ngày 17/12 và bà Trinh đối mặt với 10 năm tù nếu bị kết tội.

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Ivanka Trump, con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Ivanka Trump bị tố sử dụng email cá nhân cho công việc ở Nhà Trắng: Washington Post ngày 20/11 đưa tin, Nhà Trắng đã tiến hành một cuộc điều tra đối với việc sử dụng thư điện tử của con gái Tổng thống Mỹ Ivanka Trump và rằng cô đã sử dụng địa chỉ thư điện tử cá nhân gần như trong suốt cả năm 2017.

Theo các thư điện tử được tổ chức giám sát có tên là American Oversight công bố, Ivanka Trump đã sử dụng tài khoản cá nhân để gửi thư cho các thành viên trong nội các, các trợ lý và cố vấn Nhà Trắng. Đạo luật bảo vệ hồ sơ của Tổng thống yêu cầu tất cả các liên lạc và bản ghi chính thức của Nhà Trắng cần phải được bảo vệ.

Tổng thống Mỹ đã lên tiếng bảo vệ con gái. "Chúng không phải thông tin tuyệt mật như sự việc của Hillary Clinton", USA Today dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/11 nói trước các phóng viên, đề cập tới thông tin Ivanka Trump bị tố cáo dùng email cá nhân để trao đổi các công việc của Nhà Trắng, trong đó nhắc tới bê bối cựu ngoại trưởng Mỹ dùng email cá nhân cho việc công trong thời gian lãnh đạo Bộ Ngoại giao. "Chúng cũng không bị xóa như vụ Hillary Clinton, người đã xóa 33.000 email. Con bé không làm điều gì để che giấu các email của mình", ông Trump nói thêm.

Tuy nhiên, các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội Mỹ cho hay họ không thấy khác biệt nào và Ivanka phải bị điều tra để làm rõ liệu có mối liên hệ nào giữa việc công với lợi ích cá nhân của cô hay không.

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Các Nhà lãnh đạo APEC chụp ảnh chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Lần đầu tiên trong lịch sử, các lãnh đạo APEC không ra tuyên bố chung: Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 18/11 đã không thể đưa ra được tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao lần thứ 26 diễn ra tại Papua New Guinea, trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Papua New Guinea Peter O"Neill, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế đã nảy sinh bất đồng về việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị cấp cao APEC không thể đưa ra được một tuyên bố chung chính thức.

Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato cho rằng những xung đột về tầm nhìn khu vực đã khiến các nhà lãnh đạo APEC không thể ra được tuyên bố chung. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết quan điểm khác biệt, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến thương mại, đã cản trở các nền kinh tế đưa ra tuyên bố chung.

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Người di cư Trung Mỹ tại khu vực Tijuana, Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 15/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều nước rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc: Ngày 21/11, Chính phủ Australia thông báo nước này sẽ bác bỏ Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc (LHQ), trước khi hiệp ước được đưa ra thông qua vào tháng 12 tới. Trước đó, Mỹ, Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Israel đã công bố quyết định tương tự.

Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ trước đó đã được 193 thành viên LHQ ủng hộ, ngoại trừ Mỹ - quốc gia đã rút khỏi hiệp ước từ năm ngoái. Đây sẽ là văn kiện quốc tế đầu tiên về kiểm soát hoạt động di cư. Hiệp ước đề ra 23 mục tiêu để đảm bảo các hoạt động di cư hợp pháp, đồng thời quản lý tốt hơn dòng người di cư toàn cầu trong bối cảnh số người này đã lên tới 250 triệu, chiếm tới 3% dân số thế giới.

Các cuộc đàm phán về hiệp ước đã kéo dài suốt 18 tháng, vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp với việc một số chính phủ kiên quyết trả những người di cư không có giấy tờ phù hợp về nơi xuất xứ của họ. Dự kiến, hiệp ước sẽ chính thức được thông qua tại một hội nghị ở Maroc diễn ra từ ngày 10-11/12 tới.

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ bảo vệ lãnh đạo Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/11 đã một lần nữa bảo vệ giới lãnh đạo Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, cho rằng toàn thế giới cần phải chịu trách nhiệm cho vụ sát hại nhà báo này.

Phát biểu với phóng viên sau khi gửi thông điệp mừng ngày lễ Tạ ơn qua video trực tuyến cho quân đội, Tổng thống Trump nêu rõ: "Có lẽ toàn thế giới cần phải chịu trách nhiệm, vì thế giới là một nơi tàn bạo". Theo ông Trump, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng lấy làm tiếc về cái chết của nhà báo Khashoggi. Tổng thống Trump nói: "Thái tử còn ghét điều ấy hơn cả tôi.”

Hôm 20/11, Tổng thống Trump cho biết Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) không có câu trả lời dứt khoát về việc liệu Thái tử Saudi Arabia có biết về vụ sát hại nhà báo được chuẩn bị trước hay không. Ông Trump đã liên tiếp tuyên bố rằng Mỹ quyết tâm duy trì quan hệ đối tác với Saudi Arabia nhằm đảm bảo lợi ích của mình cũng như các đối tác quốc tế như Israel.

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Ông Carlos Ghosn. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Carlos Ghosn bị bãi nhiệm chức Chủ tịch Nissan: Tập đoàn ô tô Nissan ngày 22/11 đã quyết định bãi nhiệm Chủ tịch Carlos Ghosn, người vừa bị bắt giữ với cáo buộc gian lận tài chính, đánh dấu sự kết thúc gần 2 thập kỷ nắm quyền lãnh đạo của nhân vật được cho là có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Ghosn sẽ tiếp tục là thành viên trong hội đồng quản trị của Nissan. Để có thể sa thải nhân vật này khỏi hội đồng quản trị, Nissan cần có sự chấp thuận của các cổ đông.

Trước đó ngày 19/11, ông Carlos Ghosn đã bị Văn phòng Công tố Tokyo bắt giữ vì cáo buộc kê khai không đầy đủ thu nhập với khoản tiền lên tới 5 tỷ yen (44 triệu USD).

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Bức tượng biểu tượng về "phụ nữ mua vui" ở Hàn Quốc. (Ảnh: Kyodo)

Hàn Quốc giải thể quỹ "hỗ trợ cho nạn nhân là phụ nữ mua vui" do Nhật Bản tài trợ: Chính phủ Hàn Quốc ngày 21/11 đã thông báo giải thể “Quỹ hỗ trợ cho nạn nhân là phụ nữ mua vui” được thành lập năm 2016 trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc cho biết quyết định này được đưa ra sau khi tiếp nhận rất nhiều ý kiến không đồng thuận xung quanh việc thành lập và sử dụng nguồn Quỹ, cũng như một số ý kiến cho rằng nguyên tắc hoạt động của Quỹ không dựa trên ý kiến và nguyện vọng của những nạn nhân là “phụ nữ mua vui".

Về số tiền 10 triệu yen mà Chính phủ Nhật Bản đã chuyển vào Quỹ này theo thỏa thuận trước đây, phía Hàn Quốc cho biết sẽ tham khảo ý kiến của các cơ quan quan liên quan và những nạn nhân từng là “phụ nữ mua vui” để đưa ra ra các bước xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành trao đổi ngoại giao với Chính phủ Nhật Bản về vấn đề này.

Thế giới nổi bật trong tuần: Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Một trạm gác Triều Tiên ở biên giới bị phá hủy ngày 20/11. (Ảnh: Yonhap)

Triều Tiên giật sập 10 trạm gác tại biên giới với Hàn Quốc: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, ngày 20/11, Triều Tiên đã cho nổ 10 trạm gác ở Khu Phi quân sự (DMZ), theo thỏa thuận liên Triều nhằm giảm căng thẳng và ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ.

Vụ nổ được tiến hành vào khoảng 15h00 theo giờ địa phương, sau khi Triều Tiên hồi cuối tuần qua thông báo cho phía Hàn Quốc về kế hoạch phá các trạm gác này. Theo thỏa thuận đạt được, hai miền Triều Tiên nhất trí mỗi bên phá hủy 10 trạm gác, trong khi giữ lại 1 trạm có giá trị lịch sử hoặc giá trị khác. Theo kế hoạch, hai bên sẽ hoàn thành việc phá hủy các trạm gác muộn nhất vào cuối tháng này và tiến hành kiểm tra vào tháng 12 tới.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast