10 ngày nước Mỹ chìm trong biểu tình

Phong trào biểu tình ban đầu hỗn loạn, rời rạc nhưng nay bắt đầu có tổ chức hơn. Tình trạng lợi dụng để cướp phá cũng giảm dần.

10 ngày nước Mỹ chìm trong biểu tình

Người biểu tình giơ biểu ngữ đòi công lý cho George Floyd trên đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Washington DC, Mỹ, ngày 29/5. Ảnh: AP.

Vanjalic Tolbert trước đây muốn trở thành cảnh sát. Sau khi xem một đoạn video quay cảnh những người đàn ông da màu bị cảnh sát đánh và bản thân cũng từng bị cảnh sát quấy rối, cô nghĩ mình có thể nỗ lực để thay đổi cả hệ thống từ bên trong. Nhưng Tolbert, 27 tuổi, cuối cùng lại đi theo một con đường khác. Hiện cô là trợ lý tiếp thị ở Germantown, Maryland, cách thủ đô Washington không xa.

Tối 31/5 ở thủ đô, Tolbert đứng giữa Quảng trường Lafayette la hét trước một hàng dài sĩ quan cảnh sát quân sự đứng chắn giữa cô và Nhà Trắng. Mặt trời bắt đầu mọc và giọng của cô cũng khàn đi. Sau khi xem đoạn video George Floyd, người đàn ông da màu ở Minneapolis, Minnesota, bị một cảnh sát ghì vào gáy đến chết, cô từ bỏ hoàn toàn ước mơ trở thành cảnh sát.

“Các anh nhận công việc này cốt để khiến đường phố trở nên tốt đẹp hơn vậy vì sao giờ đây các anh lại trở thành người mà chúng tôi khiếp sợ?”, Tolbert hét về phía cảnh sát. “Tôi không muốn sinh con ở đất nước này vì đứa bé ra đời sẽ có màu da giống tôi”.

Cách đó vài mét, khách sạn Hay-Adams được dán ván ép bao quanh sau khi nó bị phá hoại vào đêm hôm trước. Những tòa nhà xung quanh cũng nhanh chóng được gia cố. Tolbert nói cô chỉ tham gia biểu tình ôn hòa nhưng cô hiểu sự phẫn nộ dẫn tới các cuộc biểu tình bạo lực trên khắp nước Mỹ.

“Tôi phải cố gắng rất nhiều để có thể biểu tình trong ôn hòa”, Tolbert nói. “Tôi muốn nổi loạn, tôi muốn bắn ai đó, nhưng làm vậy thì có ích gì cho tôi”.

Cuộc biểu tình tối 31/5 cho thấy nó còn nguy hiểm hơn đêm trước đó. Người biểu tình đốt phá xe cộ, nhà cửa, vẽ nguệch ngoạc lên tường, đập vỡ kính cửa sổ các cửa hàng. Bên trong Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump theo dõi tất cả qua truyền hình.

Đêm hỗn loạn bên ngoài Nhà Trắng đánh dấu khởi đầu của một trong những tuần lễ chao đảo và biến động nhất lịch sử Mỹ hiện đại. Sau cái chết của Floyd, biểu tình đã diễn ra trên tất cả 50 bang nước Mỹ, thậm chí lan đến cả những thành phố khác trên khắp thế giới. Hầu hết các thành phố lớn của Mỹ đều được áp đặt lệnh giới nghiêm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Hơn 1.000 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình, một số người bị bắt do cướp phá đồ đạc, số khác do vi phạm các lỗi nhỏ như phá vỡ lệnh giới nghiêm.

Adriane Lentz-Smith, chuyên gia về lịch sử người Mỹ gốc Phi tại Đại học Duke, bang Bắc Carolina, cho rằng các cuộc biểu tình đang diễn ra, cách người biểu tình biểu đạt sự giận dữ và nỗi đau không mới mẻ nhưng nó khiến bà nhớ tới các cuộc bạo loạn sau vụ ám sát mục sư, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King.

Theo bà, đoạn video ghi lại gần 9 phút Floyd bị viên cảnh sát Derek Chauvin ghì vào gáy hôm 25/5 dẫn đến tử vong là “ngòi nổ làm bùng phát giận dữ” sau hàng loạt sự kiện gây mất tinh thần gần đây. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 110.000 người Mỹ, trong đó một phần không nhỏ là người da màu, đồng thời khiến một lượng lớn người da màu rơi vào cảnh thất nghiệp.

Giai đoạn này, cả nước Mỹ đã sốc trước video nam thanh niên da màu Ahmaud Arbery bị hai người đàn ông da trắng bắn chết ở Georgia trong lúc anh ra ngoài đi bộ. Hai nghi phạm không bị bắt và truy tố sau hơn hai tháng xảy ra vụ nổ súng. Tiếp đó là video một phụ nữ da trắng tại Công viên Trung tâm ở New York đã gọi báo cảnh sát sau khi một người đàn ông da màu đề nghị cô buộc xích vào cổ chó cưng.

Từ đầu tháng 3, hầu hết người Mỹ đã phải sống dưới lệnh phong tỏa, họ thèm khát kết nối xã hội bên ngoài gia đình và bạn bè. Các cuộc biểu tình là một cách để họ tập hợp lại với nhau và cùng kết nối dù rủi ro lây nhiễm nCoV vẫn còn.

“Tôi cảm thấy tuyệt vọng khi ở nhà nên tôi cần phải đến”, James Toom, 46 tuổi, cho biết tại một cuộc biểu tình ở Washington tuần qua. “Đăng bài trên Instagram hay Facebook là một cách nhưng đến đây, tiếng nói của bạn lớn hơn”.

10 ngày nước Mỹ chìm trong biểu tình

Vanjalic Tolbert biểu tình bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: SMH.

Ngày 1/6, sau đêm biểu tình bên ngoài Nhà Trắng, hàng trăm người biểu tình tiếp tục tụ tập tại Quảng trường Lafayette. Không lâu trước khi lệnh giới nghiêm ở Washington có hiệu lực, Tổng thống Trump xuất hiện tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, và có phát biểu quan trọng đầu tiên về cái chết của Floyd.

Ông dọa kích hoạt Đạo luật Khởi nghĩa 1807 và tuyên bố: “Nếu một thành phố hay bang nào từ chối thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân thì tôi sẽ điều động quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ. Tôi cũng đang có những hành động nhanh chóng và quyết đoán nhằm bảo vệ thủ đô Washington tuyệt vời của chúng ta. Những thứ diễn ra tại thủ đô tối qua là một nỗi hổ thẹn”.

Trong lúc Trump phát biểu, cảnh sát chống bạo động bất ngờ có động thái giải tán người biểu tình ở Quảng trường Lafayette một cách mạnh bạo. Lý do trở nên rõ ràng khi Trump từ Nhà Trắng di chuyển đến Nhà thờ Tân giáo St John, nơi bị hư hại nhỏ sau cuộc biểu tình tối hôm trước.

Phe Dân chủ nổi giận trước tuyên bố từ ông chủ Nhà Trắng. Sau cuộc họp báo của Trump, Thượng nghị sĩ California Kamala Harris tweet: “Đó không phải là lời của một tổng thống. Đó là lời của kẻ độc tài”.

Nhưng bất thường hơn, một số lãnh đạo quân sự cấp cao và thành viên nội các của Trump cũng tỏ ra quan ngại trước hành động từ Tổng thống. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho hay ông không đồng tình với phương án kích hoạt Đạo luật Khởi nghĩa.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lên tiếng chỉ trích. “Donald Trump là tổng thống đầu tiên mà tôi thấy trong cuộc đời mình không cố gắng đoàn kết người dân Mỹ. Ông ấy thậm chí không giả vờ cố gắng. Thay vào đó, ông ấy cố chia rẽ chúng ta. Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả của ba năm nỗ lực có chủ ý này”, ông nhấn mạnh.

“Tôi nghĩ rằng những lời của tướng Mattis là chính xác, trung thực, cần thiết và kịp thời”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Alaska Lisa Murkowski nói.

Những ngày tiếp theo, các cuộc biểu tình ở Washington tiếp tục trở nên căng thẳng. Đám đông không chỉ phản đối hành vi phân biệt chủng tộc và sự thô bạo của cảnh sát mà còn bất bình với những chiến thuật đối phó mạnh tay với người biểu tình mà Tổng thống Trump nêu ra.

Bob Stimpson, 73 tuổi, một hiệu trưởng về hưu, đã lái xe 4 tiếng từ quê nhà Virginia tới Washington để tham gia biểu tình. Đây là lần đầu tiên ông tham gia một cuộc biểu tình chính trị.

“Khi tôi chứng kiến Tổng thống ra lệnh bắn hơi cay vào người biểu tình để ông ấy có thể đứng trước nhà thờ, tôi biết mình cần làm gì đó”, Stimpson chia sẻ.

Đến nơi, Stimpson nhận thấy thành phố đã bị quân sự hóa ở mức cao. Một hàng rào chống bạo động nay được dựng lên bao quanh Nhà Trắng, khiến nó trông giống như pháo đài. Xe cảnh sát liên tục tuần tra trên đường phố và trực thăng bay ở tầm thấp trên bầu trời.

Đến giữa tuần, các cuộc biểu tình lớn hơn nhưng ôn hòa hơn. Tình trạng cướp phá và bạo loạn bắt đầu giảm trên cả nước. Khởi đầu bằng sự thịnh nộ, các cuộc biểu tình giờ đây trở thành một phong trào phản kháng có tổ chức hơn. Tại Washington, các tình nguyện viên đã lập nên các trạm cung cấp thực phẩm, nước uống, khẩu trang và kem chống nắng. Các lãnh đạo biểu tình bắt đầu tập trung vào yêu cầu chính sách cụ thể như chấm dứt hành động kẹp cổ hay các chiến thuật trị an thô bạo khác.

Người biểu tình càng được thỏa mãn hơn khi Tổng chưởng lý Minnesota Keith Ellison hôm 3/6 thông báo ông đã nâng cáo buộc chống lại viên cảnh sát Chauvin từ giết người cấp độ ba lên giết người cấp độ hai, đồng thời truy tố thêm ba cảnh sát khác có mặt tại hiện trường. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền coi trọng sự việc liên quan đến cái chết của Floyd dù nhiều người vẫn hoài nghi về kết quả bản án.

Trên khắp đất nước, các cuộc biểu tình ngày càng trở nên đa dạng. Tới cuối tuần, tại Washington, những bà mẹ da trắng mang theo con nhỏ hay những cụ ông cụ bà gia trắng ngoài 70, 80 tuổi cũng tham gia biểu tình. Người biểu tình da trắng bắt đầu đông hơn cả người da màu.

Phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm Floyd ở Minneapolis ngày 4/6, nhà vận động dân quyền kỳ cựu Al Sharpton nói cái chết của Flyod là ẩn dụ cho hàng thế kỷ phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử có hệ thống tại Mỹ. “Điều diễn ra với Floyd đang diễn ra hàng ngày ở đất nước này, trong giáo dục, trong y tế và trong mọi khía cạnh cuộc sống người dân Mỹ. Lý do chúng tôi không thể trở thành người mà chúng tôi mong muốn và khao khát là vì các bạn ghì gối lên cổ chúng tôi”.

Dù đã phát biểu tại nhiều đám tang của người da màu thiệt mạng dưới tay cảnh sát da trắng, Sharpton cho biết ông cảm thấy “tràn đây hy vọng hơn bao giờ hết” rằng thay đổi thực sự đang đến.

“Khi tôi nhìn thấy những người biểu tình, trong một số trường hợp, những người trẻ tuổi da trắng còn đông hơn cả người da màu, tôi biết rằng lần này sẽ khác”, ông nói. “Nước Mỹ, đã đến lúc đối mặt với trách nhiệm trong hệ thống tư pháp hình sự”.

Theo Vũ Hoàng/VnExpress/Sydney Morning Herald

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast