Về quê ăn tết

Yêu quê hương không chỉ vì có “nhịp cầu tre nhỏ. Mẹ về nón lá nghiêng che” mà còn có cả cái tết cổ truyền dân tộc. Chính vì vậy mỗi khi xuân về, têt đến tôi cũng như bao nhiều người khác háo hức được đón tết quê nhà. Mỗi lần lần tao ngộ với bạn bè và bà con thân hữu lại thêm quý thêm thương bóng dáng những con người “hai sương một nắng”...

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Hoài niệm tết xưa

Mưa xuân lay phay mưa bụi rắc trắng trên rặng cây xoan dọc bờ sông Ngàn Phố, đáy sông xanh như mắt ngọc, xa xa vài con thuyền trôi bồng bềnh trên sóng nước. Một làn khói xanh trong quán nhỏ nằm cạnh quốc lộ toả ra phảng phất mùi kẹo cốm chứa đầy hương vị tết. Đồng làng đang vào xuân đã xanh rì sắc lúa, những vồng khoai lang vừa vun luống đã kịp trưng bày những chiếc lá non tơ. Hình như đất đang thức dậy để tận hưởng nắng xuân. Phía hữu ngạn Sơn Bằng, phía tả ngạn Sơn Ninh rậm rịch đón những đứa con lâu ngày về lại quê hương...

Khi chiếc xe tắc xi vừa dừng chân ở dưới chân núi Nầm tự nhiên mắt tôi ngân ngấn lệ. Ngọn núi ngày xưa chăn bò, cắt cỏ, hái sim bây giờ đã ken dày bóng thông. Đàn dê trắng dê đen đang lách mình trong bụi cây ngắt lá nom thật hồn nhiên ngộ nghĩnh.

" Làng Sơn Thuỷ ( Hương Sơn ) tôi đây rồi ", tự nhiên lồng ngực tôi như muốn thốt to lên tiếng gọi ấy. Về quê không chỉ được ăn bánh chưng xanh, ngồi quây quần bên bếp lửa kể chuyện làng chuyện xóm, về quê còn cảm nhận được thay đổi của quê mình sau bao nhiêu năm tháng. Hơn hai thập kỷ đi qua tôi vẫn không quên kỷ niệm tết năm 1988. Dạo ấy cơ quan báo Nghệ Tĩnh ra Yên Thành được huyện giúp đỡ nên toà soạn có được con lợn ăn tết . Anh em toà soạn hì hục mãi mới chia xong khẩu phần cho mỗi phóng viên 2 kg thịt. Bốn giờ chiều tôi bắt xe ca từ Vinh về Sơn Thuỷ và lúc tới dốc Nầm thì trời đã tối mịt. May quá, quán bán phở thịt dê của ông Nuôi Thêm vẫn đang còn đỏ lửa. Ông Thêm chẻ nứa rồi bó cho tôi một bó đuốc dài và dặn " Đường vào nhà con hơn 2 cây số, con cố gắng giữ cho đừng tắt đuốc ". Tôi cảm ơn ông và cầm đuốc dò dẫm từng bước trong cung đường trơn như da chạch . Không chỗ nào không nhão nhoét bùn lầy với những ổ trâu ổ gà lởm chởm . Trên vai tôi đã nặng trĩu ba lô nào thịt, nào dưa hành, cà rốt, lại thêm hai bắp cải to đùng, cùng với một chai mắm tôm. Mới chín giờ đêm nhưng làng quê yên ắng lạ, chỉ thấy những ánh sáng ngọn đèn dầu hiu hắt dưới mái tranh nghèo. Tôi về đến ngõ nhà mình đuốc cũng vừa tắt, cả người mỏi nhừ ê ẩm. Quần áo và dày dính bùn bê bết. Liều thuốc tăng lực của người Sơn Thuỷ thường dùng cho ai đi về mệt là cam bù. Tôi ăn liền hai quả thấy người khoan khoái hẳn. Cơm nước xong lăn ra ngủ một mạch cho tới lúc người đi chợ về xao xao dưới ngõ mới tung chăn dậy..

Bến quê
Bến quê

Tết ấy cả làng Sơn Thuỷ tôi gia đình nào cũng nghèo giống nhau và hộ nào dành dụm được 5 kg nếp để gói bánh chưng cùng với nhân đỗ xanh được xếp diện gia đình khá giả. Hồi ấy quá khó khăn nên có nhà chỉ cho con cái ăn bánh chưng và thịt mỡ chiều ba mươi và sáng mồng mệt Tết. Bước sang chiều mồng một đã phải ăn cơm độn sắn rồi.. Các khẩu phần để dân sắm tết dựa vào định mức ăn chia theo khẩu phần hợp tác xã. Tết nghèo ăn ít nhưng bụng cảm thấy ngon nhiều. Rau không nhiễm thuốc trừ sâu, thịt trâu thịt bò thịt gà đều không có thức ăn tăng trọng. Nước khe trong vắt các cô các chị đưa từng rổ lá dong và cả nồi niêu mâm, bàn ra bến nước để kỳ cọ. Những đứa trẻ trong làng tụm năm tụm ba dưới gốc đa khoe với nhau bố mẹ chúng vừa sắm cho bộ quần áo mới. ...Thời gian trôi nhanh quá tôi vừa luyến tiếc những kỷ niệm tết xưa vừa được hưởng cái tết của bà con đầm ấm no đủ ngày hôm nay.

Trời đang dạo khúc nhạc xuân, tôi nhìn gương mặt quê tôi đang mởn mởn nét xuân thì với cơ thể phỏng phao đầy hứa hẹn. Hồn tôi như đôi cánh chim có ngọn gió của tết xưa thổi về bùi ngùi với những kỷ niệm : hội vui xuân đánh cờ do xã tổ chức ở sân đình. Những ông Thuận, ông Thức, ông Triềm đạt loại kiện tướng cờ năm ấy giờ đã đi vào thiên cổ. Hội thanh niên đứng ra tổ chức chơi đu , chơi leo cây chuối bôi mỡ ..hò reo vang trời dậy đất .. Hồi ức lại những tết xưa tôi không thể nào quên được những nét đẹp đầy tính dân gian cổ truyền quê nhà.

Tết tình nghĩa không quên chuyện làm ăn

Cách đây 2 năm làng Sơn Thuỷ và cả huyện Hương Sơn chịu một trận lũ tưởng chừng như quay lại những con đường đau khổ những thập kỷ trước. Ai ngờ đường về quê tôi bây giờ đang được hồi sinh..Trong chuyến đi thăm lại bạn chăn bò thưở xưa, tôi đã thấy nức lòng hởi dạ, bởi làng quê bây giờ thay đổi nhiều quá. Điều gây ấn tượng nhất làng nào cũng có hội quán, sinh hoạt tuần nào cũng rôm rả.. Ông Phan Dinh, chú họ tôi, tâm sự “ Xóm Cao Giang này có nhiều cụ cao tuổi trong thôn thích thơ lắm. Cụ nào sáng tác được thì sinh hoạt đêm thơ người cao tuổi đọc cho mọi người nghe, nghe thơ và uống nước chè xanh đang trở thành nét đẹp văn hóa ngày xuân cháu ạ..”. Vừa nói chú Dinh vừa đưa cho tôi cả chục bài thơ Đường luật của chú sáng tác.. Tôi đọc kỹ các bài rồi bảo : “ Vào tuổi gần bát tuần như chú mà trí tuệ vẫn mẫn tiệp để gieo vần thơ Đường đúng niêm luật như chú quả là cháu rất phục. Cháu lại quý chú hơn, chú không phải là đảng viên nhưng viết những bài thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ thật lòng mình.”. Xúc động quá tự nhiên tôi thấy đôi mắt chú Dinh rơm rớm lệ, chú bảo “ Chú tuy không Đảng viên nhưng con cháu họ Phan nhà mình, nhiều người vào Đảng, nhiều người thành đạt thì chú sướng lắm rồi. Cháu thử nghỉ xem nếu không có Đảng, có Bác Hồ thì làm sao nhà chú và bà con ở đây có nhà cao cửa rộng, và cơm áo no đủ như tết này”.

Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn
Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn

Tôi đi bách bộ dạo từ đầu làng cuối xóm cả làng tôi đẹp như một bức tranh thuỷ mạc. Từ Am Trảy, Am Đông, từ Tàu Sơn đến Hoành Sơn đâu đâu cũng thấy những đoạn đường và cầu cống xây dựng bằng bê tông hoá. Anh Trương Quốc Bảo - Chủ tịch xã Sơn Thuỷ tâm sự : “ Thú thật với cậu, cháu lên làm chủ tịch xã tuy không mới nữa nhưng kinh nghiệm chưa nhiều. Do vậy mọi việc cứ chạy sau thiên hạ, bây giờ xã đang tính chuyện xây dựng nông thôn mới để đạt được 19 tiêu chí theo tinh thần của trên.. Cháu biết không thể nóng vôị được, nhưng thế nào rồi cũng về đích, bởi dân mình nếu cái mới đưa vào lợi cho dân, lợi cho xã hội thì phong trào tất yếu sẽ lên”.

Qua những chuyện tai nghe và mắt thấy tôi càng thấy rõ khi lòng dân mở thì mọi con đường mở. Nhiều người bảo nhau thà nhịn ăn nhịn mặc một chút góp thêm tiền thêm của để đường "nuôi sức khoẻ" cho mình. Họ nhận thức đầy đủ thêm những điều kỳ diệu phát sinh của con đường : giải phóng sức gánh từ đôi vai bằng xe trâu xe bò , thông thương hàng hoá , giao lưu tình cảm , con em đến trường .. Đường trở thành mắt xích hữu cơ nối gia đình với xã hội. Dân làm đường nhỏ nhà nước lại giúp dân Sơn Thuỷ làm đường to. Tết Quý Tỵ năm 2013 này nhiều o nhiều chú đi xa làm ăn khấm khá đã rước ô tô xịn về tận ngõ nhà mình.

Bên bát nước chè xanh bốc khói, câu chuyện quê hương trong ngày tết xôm nhất vẫn là chuyện đổi mới trong làm ăn trong năm qua.. Một năm kinh tế khủng hoảng, khiến dân làng tôi nhiều người đi làm ăn xa hay ở nhà sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ thương mại cũng cùng chung một cảnh ngộ “khó hái được tiền nhiều”. Nhưng không vì thế mà lãng quên người nghèo và những gia đình chính sách. Càng cận tết càng ấm lòng thêm tình cảm cộng đồng.. Cán bộ huyện Hương Sơn xuống chúc tết, cán bộ xã Sơn Thuỷ đi từ đầu thôn tới cuối thôn để trao cho người nghèo cô đơn vất vả nhất món quà tết đầy ý nghĩa nhân văn. Ông Phan Thanh Sơn không phải là đại gia nhưng nặng tình với quê đã gửi tới cho địa phương 5 triệu đồng nhằm giúp đỡ những người rủi ro nhất để họ có thêm chiếc bánh chưng đặt trước bàn thờ tiên tổ.

Nhiều người thân tình cũng mách nước cho tôi biết : Năm ni giá lộc nhung tuy có giảm, giá hươu, dê và trâu bò cầm chừng nhưng nhiều người trong làng đặc biệt là các xã Sơn Mai, Sơn Phúc thắng đậm mùa cam bù. Không chỉ cam mà chanh cũng lên ngôi. Dân được nhờ với hai điều kiện : thời tiết thuận nên cam bù đậu quả nhiều, mặt khác vì hoa quả Trung Quốc người mua không tin nữa vì tẩm nhiều hoá chất.

Cam bù Hương Sơn
Cam bù Hương Sơn

Anh Thái Quỳnh bảo tôi : “ Tết ni từ đầu vụ giá cam bù tại chợ Rạp chợ Phố, chợ Gôi và các chợ khác chỉ 40 ngàn- 50 ngàn một cân, vậy mà sáng 30 tết nhảy lên 100 ngàn đồng một cân. Lúc này ai cũng cần mua cam bù để thờ tết”. Còn ông Bùi Chiến cũng phụ hoạ thêm “ Không chỉ có cam mà chuối và chè xanh cũng được giá. Một nải chuối ngon bán tại chợ cũng vài chục ngàn, nhiều người có dăm buồng chuối cũng có tiền tiêu tết”.

Tết này về quê tôi cũng cố gắng đi thăm trang trại của anh Đoàn Luận, một trang trại tổng hợp có hàng chục héc ta, keo thông, và hàng trăm gốc gốc cam, chanh. Riêng gà cỏ gia đình Luận nuôi hơn 300 con. Khi tôi tới gặp Luận tại vườn cam đang bán cam bù cho khách. Luận nói vui vẻ “ Năm nay cam bù được khoảng vài tấn, chỉ riêng cam bù cũng thu hoạch ngót nghét bốn mươi triệu rồi. Nhưng chủ lực của kinh tế trang trại vẫn là thông và keo”.

Tôi đang thưởng vị ngọt cam bù ở trang trại Luận, thì đột ngột tiếng chuông điện thoại di động ngân. Mở máy ra lại gặp ngay Đoàn Quang Tạo người bạn thân “ Cậu vào thằng Thân con bà Tảnh giúp mình viết cho nó bài báo nhé, nó đi lên từ hai bàn tay trắng, năm ni kiếm được dăm trăm triệu cam bù. Trang trại nó đứng nhất nhì Hương Sơn đấy”. Tôi nghe thấy rộn ràng khi lời mời của bạn như cánh én báo mùa xuân.

2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast