Thêm cơ hội được bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa

Với nhiều đề xuất mới của Bộ Tài chính tại Dự thảo Quyết định Ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp này sẽ có thêm cơ hội được bảo lãnh tín dụng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để doanh nghiệp được bảo lãnh tín dụng là: Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 30% giá trị khoản vay.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi theo hướng hạ mức yêu cầu tài sản thế chấp, cầm cố này xuống còn 15% giá trị khoản vay. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất điều kiện này như sau: Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay.

Ngoài ra, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho phép Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho những khoản vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố nhỏ hơn 15% giá trị khoản vay.

Bên cạnh đó, để được bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp cần có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác...

Phạm vi, giới hạn bảo lãnh tín dụng

Theo dự thảo, Quỹ bảo lãnh tín dụng có thể cấp bảo lãnh một phần hoặc bảo lãnh toàn bộ phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của bên được bảo lãnh tại tổ chức tín dụng; bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại bên nhận bảo lãnh.

Mức bảo lãnh tín dụng tối đa cho một khách hàng được bảo lãnh không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh tối đa không vượt quá 5 lần so với vốn điều lệ thực có của Quỹ. (Tại quy định hiện hành: Quỹ bảo lãnh tín dụng chỉ cấp bảo lãnh tín dụng tối đa bằng 30% phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng tại tổ chức tín dụng).

Phí không quá 2%/năm/số tiền được bảo lãnh tín dụng

Về phí bảo lãnh tín dụng, Bộ Tài chính đề xuất, phí thẩm định hồ sơ bảo lãnh tín dụng là 500.000 đồng/hồ sơ (Mức phí hiện hành là 50.000 đồng/hồ sơ).

Phí bảo lãnh tín dụng do các Quỹ Bảo lãnh tín dụng quyết định mức thu phí nhưng tối đa không quá 2%/năm/số tiền được bảo lãnh tín dụng (Theo quy định hiện hành là 0,8%).

Quỹ bảo lãnh tín dụng (Quỹ) là một tổ chức tài chính, hoạt động theo mô hình công ty cổ phẩn; thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng cho các đối tượng theo quy định. Quỹ bảo lãnh tín dụng do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và quản lý để cấp bảo lãnh tín dụng (bảo lãnh vay vốn) cho các đối tượng quy định. Chậm nhất trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được quyết định thành lập, Quỹ phải tổ chức và đi vào hoạt động.

Để thành lập Quỹ, phải có đủ mức vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng.

Đối tượng được bảo lãnh tín dụng bao gồm: 1- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật hiện hành; 2- Các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; 3- Các hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; 4- Các chủ trang trại, các hộ nông dân, ngư dân thực hiện dự án nuôi thuỷ sản, đánh bắt xã bờ, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi...

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast