Hà Huy Tập - người con quê hương Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng

(Baohatinh.vn) - Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập - cố Tổng Bí thư của Đảng 24/4 (1906 - 2021), Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các nội dung về: quê hương và gia đình; quá trình hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư; phát huy truyền thống, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng tỉnh nhà văn minh, giàu mạnh.

Hà Huy Tập - người con quê hương Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng

Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. (Ảnh tư liệu)

Hà Tĩnh thuộc Bắc Trung Bộ, là một vùng đất “chảo lửa, túi mưa”. Thiên nhiên không mấy ưu đãi, nhưng chính nơi đây lại là “cái nôi” sản sinh ra những bậc vĩ nhân kỳ tài, nhiều anh hùng xuất chúng. Nơi được mệnh danh là vùng “địa linh, nhân kiệt”. Từ thời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn, vùng đất này có tới 148 vị đại khoa.

Đặc biệt, Hà Tĩnh là nơi có nhiều danh nhân nổi tiếng như: Nguyễn Huy Tự, Đại thi hào Nguyễn Du, La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhà thơ kiêm nhà kinh tế thủy lợi tài ba Nguyễn Công Trứ, nhà sử học Phan Huy Chú; nhiều nhà khoa học nổi tiếng như: Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đình Tứ; nhiều nhà cộng sản lỗi lạc như: Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng, Lý Tự Trọng - người đoàn viên cộng sản đầu tiên...

Nhân dân Hà Tĩnh có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Đó là truyền thống lao động cần cù, kiên trì, chịu đựng gian khổ, hy sinh trong lao động sản xuất và chiến đấu. Truyền thống thông minh, sáng tạo, ham học hỏi, tôn sư trọng đạo, có chí học hành, thời nào cũng có người đỗ đạt cao. Đó còn là truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm; sống thủy chung, có nghĩa tình.

Trong một thời gian dài của lịch sử, Hà Tĩnh được xem là miền “phên dậu” của Tổ quốc. Từ cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị phong kiến phương Bắc (giữa thế kỷ thứ II) cho đến những năm đầu dưới thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), Hà Tĩnh là nơi phát sinh và hội tụ của các phong trào đấu tranh yêu nước chống lại ách thống trị của bọn ngoại xâm, phong kiến, cường hào ác bá...

Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, lại phải thường xuyên đối mặt với giặc ngoại xâm nên người dân nơi đây sớm hình thành truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung, giản dị và cần kiệm trong cuộc sống. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Nhân dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp xứng đáng vào truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Hà Huy Tập - người con quê hương Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng

Xã Cẩm Hưng - quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ngày nay khoác lên mình diện mạo mới với những tuyến đường được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Hoài Anh)

Xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (trước thuộc tổng Thổ Ngọa) - quê hương của đồng chí Hà Huy Tập cạnh quốc lộ 1A. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, một bộ phận nhỏ làm nghề rừng và đánh bắt cá ven sông. Trên vùng đất học Hồng Lam, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Nhờ đức tính cần cù, vươn lên trong cái nghèo, cái khổ và đặc biệt là ham học hỏi nên trải qua các triều đại có nhiều người đỗ đạt cao như: Dương Chấp Trung, Lê Tự, Biện Hoàng Tổng đậu tiến sĩ, Lê Phúc Nhạc đậu chế khoa... và rất nhiều người đậu hương cống, cử nhân.

Quan võ cũng lắm người tài ba như: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Trụ, Nguyễn Thạch, Nguyễn Giám..., thời Tây Sơn có Đô đốc Dương Văn Tào, Dương Văn Phong, Nguyễn Khắc Trọng, Thượng tướng Nguyễn Biên danh tiếng lẫy lừng. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Nhân dân Cẩm Xuyên luôn nêu cao tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm.

Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Thân phụ Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tường, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và làm thuốc. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chất phác, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê. Ông Hà Huy Tường và bà Nguyễn Thị Lộc sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Hà Huy Tập là người con thứ hai. Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, tài sản chỉ có 3 gian nhà tranh và khoảng 2 mẫu tây ruộng. Đã có lúc gia đình phải bán đi một vài sào đất cho những người giàu có trong làng để trả nợ và ăn chờ đến mùa sau.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt, đồng chí Hà Huy Tập đã sớm tiếp thu được truyền thống quê hương. Truyền thống đó đã nuôi dưỡng Hà Huy Tập lớn lên và trưởng thành, sớm hun đúc trong anh khí chất cứng cỏi, cương trực, thanh bạch của tầng lớp chí sỹ đương thời, hình thành trong anh nhân cách và nghị lực sống có lý tưởng vì dân, vì nước.

Hà Huy Tập - người con quê hương Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng

Các xã nông thôn mới trên toàn huyện Cẩm Xuyên đã có hạ tầng đồng bộ, diện mạo khởi sắc, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Từ năm 1912-1914, Hà Huy Tập được cha kèm cặp học chữ Hán tại nhà. Năm 1915, Hà Huy Tập bắt đầu theo học trường sơ học ở tổng Thổ Ngọa. Năm 1917, đồng chí đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp trường sơ học ở tổng Thổ Ngọa. Tháng 9/1917, đồng chí ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học Trường Kiêm bị Pháp - Việt. Năm 1919, nhà trường mở đợt thi tuyển những học sinh giỏi để xét cấp học bổng, Hà Huy Tập thi đỗ thủ khoa và được đặc cách vào thẳng Trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền học lên, Hà Huy Tập xin đi dạy học và được bổ nhiệm về dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt, thị trấn Nha Trang. Trong thời gian dạy học ở đây, Hà Huy Tập đã đem kiến thức và lòng nhiệt tình truyền dạy cho các em học sinh. Những bài giảng của Hà Huy Tập đã có tác động lớn tới các em về tình yêu nước, thương nòi, căm thù bọn vua quan phong kiến. Là một giáo viên cương trực, thẳng thắn, Hà Huy Tập luôn đả kích những hành động sai trái của bọn thực dân, phong kiến, đứng về phe những người nghèo khổ và bênh vực họ.

Hà Huy Tập chủ trương đoàn kết các giáo viên lại để bày tỏ thái độ chống các quy định độc đoán, sai trái của nhà trường đối với giáo viên và học sinh. Thái độ bất phục tùng của Hà Huy Tập đã làm cho nhà cầm quyền và hiệu trưởng nhà trường tức giận, chúng luôn tìm cách gạt đồng chí ra khỏi danh sách nâng lương cho giáo viên. Hơn nữa, viên quan đứng đầu tỉnh còn đe dọa sẽ cách chức giáo viên của Hà Huy Tập.

Hà Huy Tập - người con quê hương Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng
(Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast