Hàng hóa ở chợ ế ẩm, hơn 4 giờ chiều tiểu thương TP Hà Tĩnh đã lo đóng quầy!

(Baohatinh.vn) - Sau tết, nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh. Thêm vào đó là lo ngại trước dịch Covid-19 - nhiều người tránh nơi đông đúc - khiến thời gian qua, các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Tĩnh trở nên vắng vẻ, việc kinh doanh của các tiểu thương chật vật, bấp bênh.

Hàng hóa ở chợ ế ẩm, hơn 4 giờ chiều tiểu thương TP Hà Tĩnh đã lo đóng quầy!

Chợ TP Hà Tĩnh vắng khách khiến tiểu thương gặp nhiều khó khăn.

Là chợ trung tâm, với các mặt hàng đa dạng, chợ TP Hà Tĩnh là nơi trước nay có lượng người mua bán đông hơn cả. Thế nhưng, kể từ sau Tết Nguyên đán, chợ luôn trong tình trạng vắng khách, hàng hoá rơi vào tình cảnh ế ẩm chưa từng có.

Ghi nhận vào chiều 6/3, không khí mua sắm tại chợ TP Hà Tĩnh khá đìu hiu, ảm đạm. Mỗi khi có người qua lại, các chủ quầy hàng đon đả mời chào khách mua nhưng chỉ nhận được sự im lặng hay những cái lắc đầu nhẹ.

Mới hơn 16h, nhiều tiểu thương kinh doanh giày dép, quần áo… trong đình chợ TP Hà Tĩnh đã rục rịch chuẩn bị dọn hàng, đóng ốt đi về. Theo các tiểu thương, tình trạng này đã diễn ra hơn tháng nay.

Hàng hóa ở chợ ế ẩm, hơn 4 giờ chiều tiểu thương TP Hà Tĩnh đã lo đóng quầy!

Các quầy hàng vắng hoe.

Tiểu thương Nguyễn Thị Mơ – hộ kinh doanh giày dép nữ, cho biết: Trước đây, phải sau 17h30" mới đóng quầy, nhưng thời gian này chẳng có khách nên ai cũng nghỉ bán sớm. Những năm trước, ra tết tuy vắng khách nhưng cũng không đến nỗi như thế này. Còn nay, ngày nhiều thì bán được 5 - 7 đôi, ngày ít chỉ được vài đôi, thậm chí có hôm không bán được đôi nào.

"Hàng ế, trong khi đó, nào là tiền thuế, phí, tiền thuê nhân viên, tiền con cái học hành, tiền trả lãi vay ngân hàng làm vốn kinh doanh,… khiến chúng tôi xoay chóng cả mặt” - chị Mơ lắc đầu ngán ngẩm.

Hàng hóa ở chợ ế ẩm, hơn 4 giờ chiều tiểu thương TP Hà Tĩnh đã lo đóng quầy!

Các chủ quầy luôn đon đả mời chào mỗi khi có khách qua lại.

Theo nhiều tiểu thương bên trong đình chợ TP Hà Tĩnh, khu vực tầng 1, dù vắng nhưng còn có người ra vào, ghé mua. Còn ở tầng 2 – khu vực các quầy quần áo, hoạt động kinh doanh gần như rơi vào tình trạng “tê liệt”. Nhiều ki ốt, chủ không ra bán hàng, đóng cửa im lìm suốt cả ngày.

Chị Hằng – tiểu thương kinh doanh quần áo, bộc bạch: “Thuê ốt rồi, đóng cửa không bán thì nóng ruột, vì đằng nào cũng đóng thuế nên phải cố ra mở quầy vớt vát. Nếu như trước đây, sáng mở từ 7h30 tới 18h mới đóng quầy thì nay, hầu như ai cũng hơn 9h sáng mới dọn hàng ra bán, chiều thì về sớm hơn. Có mấy quầy bán không ăn thua nên họ đóng cửa”.

Hàng hóa ở chợ ế ẩm, hơn 4 giờ chiều tiểu thương TP Hà Tĩnh đã lo đóng quầy!

Nhiều quầy, sạp mở muộn, đóng sớm hơn so với trước đây.

Theo ông Nguyễn Thăng Long – Trưởng ban quản lý chợ TP Hà Tĩnh, vài ba năm trở lại đây, các chợ truyền thống vắng khách do nhiều người dân không còn thói quen mua sắm ở chợ truyền thống như trước mà dần chuyển sang mua sắm ở các kênh hiện đại, mua hàng qua mạng.

Sau tết cũng là thời điểm lượng khách giảm mạnh so với những thời điểm khác trong năm. Đặc biệt năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách càng giảm rõ rệt khiến chợ đìu hiu. Chợ vắng khách, hàng hóa ế ẩm khiến các tiểu thương gặp nhiều khó khăn.

Hàng hóa ở chợ ế ẩm, hơn 4 giờ chiều tiểu thương TP Hà Tĩnh đã lo đóng quầy!

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách đến chợ giảm rõ rệt.

Chẳng riêng chợ TP Hà Tĩnh, khách vắng, tiểu thương than ế cũng là tình trạng chung ở nhiều chợ khác.

Chị Loan – tiểu thương chợ Vườn Ươm (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: Ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tăng cao ngất ngưởng cả năm qua đã khiến tiểu thương kinh doanh mặt hàng này lâm vào cảnh ngồi ngóng khách. Nay lại đến dịch Covid-19, tình hình càng thê thảm hơn với tất cả các mặt hàng.

“Các tiểu thương trong chợ vẫn nói trêu là dịch lợn (dịch tả lợn châu Phi) chưa qua, dịch người (Covid-19) đã đến. Chợ giờ chủ yếu người bán ngồi với nhau, không biết đến bao giờ hoạt động buôn bán mới trở lại ổn định” – chị Loan chia sẻ.

Hàng hóa ở chợ ế ẩm, hơn 4 giờ chiều tiểu thương TP Hà Tĩnh đã lo đóng quầy!

Người bán mong hoạt động kinh doanh sớm ổn định trở lại.

Khách vắng, chợ đìu hiu, kinh doanh bấp bênh là vậy nhưng hầu hết tiểu thương vẫn cố gắng gượng, cầm cự, chưa dám bỏ quầy, bỏ sạp. Họ vẫn chờ đợi khách hàng quay trở lại, mong ngày chợ đông đúc hơn…

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast