Quy tắc an toàn giao thông - dễ vi phạm, khó xử lý

Đi đúng phần đường, bật đèn xi nhan khi chuyển hướng, không rẽ ngang rẽ tắt, nhường đường cho phương tiện ở đường ưu tiên… là những quy tắc giao thông được quy định trong luật giao thông đường bộ. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do vi phạm quy tắc giao thông vẫn diễn ra hàng ngày trên các tuyến đường chứng tỏ nhiều người tham gia giao thông chưa thực sự hiểu hết những quy tắc giao thông tưởng chừng như đơn giản ấy.

Thành phố Hà Tĩnh, một địa bàn có mật độ người tham gia giao thông đông. Trong đó, các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông chiếm số lượng không nhỏ. Từ việc cho xe đi vào đường ngược chiều, đến việc giảm tốc độ tại các điểm giao nhau với đường ưu tiên; hay việc đi qua vòng xuyến, thậm chí chuyện bật đèn tín hiệu khi chuyển hướng vẫn chưa được nhiều người thực sự quan tâm.

Những hình ảnh vi phạm ATGT như thế này không hiếm gặp trên đường phố - Ảnh: Internet.
Những hình ảnh vi phạm ATGT như thế này không hiếm gặp trên đường phố - Ảnh: Internet.

Tại các Chốt đền đỏ như: ngã tư Hương Khê, ngã tư đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Du… nhiều người tham gia giao thông cho phương tiện dừng ngay trên phần đường dành cho các phương tiện rẽ phải. Vậy mà hầu như không ai nhận ra mình đã vi phạm quy tắc giao thông tại các chốt đèn tín hiệu giao thông này. Tại điểm giao nhau giữa đường Trần Phú với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhiều người cho phương tiện rẽ ngang rẽ tắt vào đường dành cho các phương tiện khác. Vậy mà cũng không ai quan tâm đến việc mình đã vi phạm quy tắc giao thông.

Còn rất nhiều những quy tắc giao thông khác mà người điều khiển phương tiện không hiểu hoặc không chấp hành khi tham gia giao thông trên đường. Điều đó đồng nghĩa với việc tai nạn giao thông xảy ra làm thiệt hại về người và tài sản. Ai đó có lý khi nói rằng: “việc tham gia giao thông đôi khi chỉ nhanh một phút mà chậm cả đời”.

Trung uý Diệp Xuân Quyền- CSGT Công an TP Hà Tĩnh, cho biết: Hiện nay nhiều người tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, nhất là đối với tầng lớp thanh niên đều bất chấp các quy tắc giao thông một cách khá phổ biến, chuyện vượt đèn đỏ, đi ngược chiều rẽ ngang, rẽ tắt tại các ngã ba, ngã tư diễn ra một cách thường xuyên. Khi có lực lượng CSGT trực chốt tại các nút giao thông nhạy cảm này thì tình trạng vi phạm các quy tắc giao thông còn được các đối tượng tham gia giao thông chấp hành tương đối nghiêm chỉnh nhưng hễ vắng bóng CSGT là tình trạng bất chấp các quy tắc giao thông như đã nói ở trên lại diễn ra khá phổ biến.

Thời gian qua, các cấp ngành và lực lượng chức năng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT. Nhiều buổi giảng dạy luật giao thông được tổ chức tại các trường học, các địa phương đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia giao thông đúng quy tắc. Vậy nhưng trên thực tế vẫn tồn tại các vi phạm về trật tự ATGT.

10 tháng đầu năm 2009, lực lượng CSGT toàn tỉnh Hà Tĩnh lập biên bản xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm về trật tự ATGT giao thông, phần lớn đều tập trung vào các trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Qua tìm hiểu thì một phần nguyên nhân dẫn tới vi phạm này đều do thiếu ý thức khi tham gia giao thông, số còn lại xuất phát từ nguyên nhân thiếu hiểu biết về những quy tắc giao thông.

Một nguyên nhân dẫn tới các vi phạm về quy tắc giao thông ngày càng nhiều chính là chế tài xử phạt hiện nay. Mức xử phạt đối với người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường là 20.000 đồng đến 40.000 đồng. Tuy vậy việc xử phạt người đi bộ là hết sức khó khăn. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp điện, người điều khiển xe thô sơ dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước cũng chỉ có mức phạt từ 20- 40 nghìn đồng nhưng rất khó để xử lý.

Bên cạnh những khó khăn khi xử lý các loại phương tiện này thì mức xử phạt cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Bởi với mức xử phạt quá thấp, nhiều người thậm chí còn ngang nhiên vi phạm ở những điểm không có lực lượng chức năng tuần tra xử lý. Thực tế vi phạm quy tắc giao thông cho thấy, để xử lý triệt để các loại hành vi vi phạm này cần sự ra quân đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành và lực lượng chức năng. Nếu chỉ dựa vào lực lượng CSGT vốn dĩ đã rất mỏng, địa bàn hoạt động rộng chắc chắn sẽ không cam nổi.

Ngoài các quy tắc giao thông đơn giản, dễ hiểu thì luật giao thông đường bộ còn có nhiều quy định về các quy tắc giao thông đường bộ khác mà không phải người tham gia giao thông nào cũng nắm vững. Đặc biệt là các quy tắc giao thông quy định về cự ly tối thiểu giữa hai xe, chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát điều khiển giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ và tốc độ của các loại xe…

Vấn đề này đặt ra cho các cấp, các ngành và lực lượng chức năng những thách thức mới. Để hạn chế tai nạn giao thông, việc nâng cao ý thức cũng như hiểu biết của người dân về luật giao thông đường bộ, mà đặc biệt là quy tắc tham gia giao thông là hết sức cần thiết. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuần tra xử lý thì công tác tuyên truyền luật giao thông là hoạt động cần được chú trọng thường xuyên.

Bất cứ thời gian, địa điểm nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các trường hợp vi phạm quy tắc giao thông. Để chứng kiến một vụ tai nạn giao thông do phương tiện vi phạm quy tắc giao thông cũng không phải là quá khó. Điều đó cho thấy, muốn kiềm chế tai nạn giao thông đồng nghĩa với việc người tham gia giao thông cần chấp hành tốt các quy định về pháp luật ATGT, nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện tham gia giao thông khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast