Và lại đến mùa xuân

(Baohatinh.vn) - “Mùa xuân năm ni đến sớm hơn phải không con?” - nội tôi ngồi trên chiếc xe lăn ngoài ngõ, nhìn quanh quất trên cành cây rồi thốt ra câu hỏi bâng quơ như vậy. Ông già rồi nên hay lẩn thẩn, cứ ngó trước, nhìn sau rồi lại hỏi vu vơ như trẻ con. Trả lời cũng được mà không cũng được. Nhưng câu hỏi này của người thốt nhiên khiến tôi lưu tâm đến lạ. Ừ nhỉ! Hình như mùa xuân năm nay đến sớm hơn thật!

Đúng thật, mùa xuân năm nay đến sớm hơn mọi năm. Bắt đầu từ những ngày cuối tháng 11, ta đã có những buổi sáng rây rây mưa bụi. Mưa mà cứ như không, phất trần một cách khoan thai trên những lá cành vừa qua độ mướt. Sắc xanh đã thôi ngăn ngắt, co lại chịu những cơn rét đầu tiên chấp chới ùa về. Lại chen lẫn trong đám lá đặc dày đó, những nụ mai báo xuân đã bắt đầu vàng tươi, rực rỡ.

- Chàng à, còn nửa tháng nữa mới đến ngày Lập xuân đó nhé!

Ông tôi thường hay cười mỗi khi tôi bông lơn gọi người bằng chàng. Cái kiểu gọi xa xưa pha tí giọng miền Trung vừa ngộ ngộ vừa buồn cười, lại khiến câu chuyện một già, một trẻ của chúng tôi kéo dài mãi không dứt. Trong câu chuyện của chúng tôi luôn bắt đầu từ những gợi mở, tiếp mãi, tiếp mãi từ công việc biên tập hằng ngày của tôi loay xoay một hồi lại đến “cái ngày xưa” của ông. Và lúc đó, cả không gian, cả thời gian như quay ngược. Tôi là một đứa trẻ con và khu vườn yên bình là một cõi mênh mông ông tôi thường nhớ đến.

Vườn xuân. Ảnh: qdnd.vn
Vườn xuân. Ảnh: qdnd.vn

Vườn tôi xưa ở phố cũng trồng đầy cây báo xuân. Những ngày không nắng mưa, tiết trời dịu lại, se se rét cũng là lúc mọi loại cây trong vườn nở bừng khoe sắc. Với tôi và ông là một khu vườn kỉ niệm bởi tất cả những cây ông trồng đều được gắn liền với một kỉ niệm yêu thương nào đó. Cây mai vàng được đem về từ quê ngoại Quảng Trị để bà nội tôi đỡ nhớ miền Nam. Bà tôi, ông tôi và cả chúng tôi nữa, mỗi lần nói đến Quảng Trị đều nói đến 2 từ: trong Nam. Nghe cách trở, xa xôi, nhưng tràn đầy nỗi niềm của người con xa quê vượt sông Bến Hải cách ngăn trong một mùa thu xa xăm nào đó. Rồi đào phai, rồi chanh, rồi quất… cứ đến cữ này lại bừng lên khoe sắc. Đượm nồng trong giấc mơ thiếu mẹ trong tôi hằng đêm.

Tôi thường hay nhớ những câu chuyện rất tươi vui từ ông. Những bài học vỡ lòng đầu tiên trên chiếc bảng con mà ông tôi viết mẫu. Ông là thầy giáo, là hiệu trưởng hẳn hoi, thế mà, trước những câu hỏi vắt véo, vặn vẹo của tôi lại cứ phì cười. Rằng, tại sao ông lại nói 4 mùa của thời gian như chính tâm tư của con người, tại sao mùa hạ nóng nực, mùa đông lạnh lùng và mùa thu u buồn, mùa xuân hy vọng… Tất cả các mùa đó trong năm cũng giống như lòng người, vui rồi lại buồn, hạnh phúc rồi lại khổ đau, thất vọng rồi lại bừng lên hy vọng.

Tôi nhớ những đêm mùa đông lạnh giá, ông mặc cho tôi chiếc áo mút màu vàng chanh kéo cổ thật cao. Ông dạy tôi sơ-vin áo vào quần đêm nằm đỡ lạnh bụng. Tôi cứ thế nằm, co ro nghe gió chạy dọc bờ rào dâm bụt rồi thốc vào cửa sổ nơi ông đang ngồi may gia công mỗi tối. Chỗ cửa sổ đó, thế giới của tôi rộng mở, nơi những con cá lia thia được ông thả nuôi trong chiếc bình thủy tinh có vài dây vạn niên thanh xanh mơn mởn.

Ông là người có khả năng làm nhiều việc một lúc. Ông vừa may gia công cho các đầu mối ở ngoài chợ tỉnh, vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện đông tây kim cổ. Tôi thuộc những bài thơ, những đoạn Truyện Kiều trước khi biết những con chữ đầu tiên và cứ thế lớn lên bằng tiếng ru êm êm của người không bao giờ dứt trong giấc ngủ yên bình. Sau này, khi lớn lên, tôi vẫn thèm được bắt đầu giấc ngủ của mình bằng những câu chuyện kể và tôi đắm chìm trong đó. Thèm được cảm giác bàn tay thọc sâu trong tóc, thèm được kê đầu trên chân ông mà ngủ một giấc no tròn, không mộng mị.

Tôi cứ thế lớn lên.

Có những buổi chiều lặng gió, tôi ngồi thêu tranh bên bậu cửa. Tranh hoa sen với những bông hoa mãn khai rực rỡ. Ông nhìn tay tôi thêu, lại đọc một đoạn kinh trong Diệu pháp liên hoa, rồi lại nói đầy ý vị rằng: hoa sen là biểu tượng triết lý, tượng trưng cho sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên. Nó biểu trưng cho những giá trị đạo đức và thánh thiện, sự duy trì và phát triển trí tuệ. Trên thế giới, ít loài hoa nào có nhiều phẩm chất cao quý như hoa sen. Người thêu tranh sen cũng vì thế mà lắng đọng hồn người. Lòng phải thật từ tâm thì tay thêu mới thổi hồn vào sen được.

Tôi dừng kim mỉm cười. Rõ ràng, ông đang nhìn thấy sự bất động sâu lắng trong tâm hồn tôi. Ông biết, con cháu ông thường sống từ tâm, ít bon chen với đời. Riêng tôi, sự từ tâm đôi khi mang đến những nỗi niềm không dự báo. Yêu thương bằng chính sự từ tâm của mình rồi khi người ta khổ đau, mình cũng khổ đau không kém, lại cứ muốn thời gian như thoi đưa để lòng mình có thể dịu êm trở lại. Câu nói của ông trong chiều khiến tôi nhận ra rằng đã từ lâu, tôi lặng lẽ bước đi trong cuộc sống này bằng đôi chân của người hành khất và trái tim của người ngủ mê mà không nhận ra cuộc đời này còn có nhiều điều kì diệu nếu ta có niềm tin cùng vươn lên với nó.

Chiều nay, tôi lại ngồi bên ông. Tựa đầu vào đầu gối người và cứ thế cảm nhận được tình yêu thương dạt dào của người len nhẹ nhàng trong tóc. Đôi tay gầy và xương khiến tôi chùng lòng. Ông - người giữ lửa cho tâm hồn tôi đang tiếp sức cho tôi bằng sự từ tâm và lòng tin yêu cuộc đời. Và trong khoảnh khắc bừng sáng đó, tôi thấy mùa xuân đã lại về. Rất khẽ…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast