Ngày mai trời sẽ sáng

(Baohatinh.vn) - Đang ngủ say bởi chầu nhậu với người em đồng môn đêm hôm, võ sư Sáu Cây giật mình vì bị lay mạnh.

- Anh Sáu! Anh Sáu! Bọn lính Đại Hàn đi càn. Xuống hầm mau!

Sáu Cây chưa kịp nhỏm dậy thì Tám Hoàng chới với rồi đổ ập xuống người ông. Ông hoảng hốt lật Tám Hoàng qua bên, nhỏm dậy. Kinh hãi thấy ngực áo mình và Tám Hoàng đỏ máu, ông nắm hai vai Tám Hoàng lay gọi. Im lặng. Sờ mạch cổ thấy ngưng đập. Ông chạy ra ngoài.

Một cảnh đau lòng hiện ra trước mắt: Vợ Tám Hoàng nằm ngửa trên sân, máu nhuộm đỏ áo. Một tên lính đeo phù hiệu “Mãnh hổ” đang giằng co với con gái Tám Hoàng ở góc sân. Sáu Cây gầm lên, tiếng gầm của con mãnh sư, nhún mình phóng tới…

Tên lính Đại Hàn giật mình buông cô gái thì cũng vừa lúc hắn cảm nhận một luồng đau buốt óc, rồi tắt phụt. Hai ức bàn tay của võ sư dập mạnh vào mang tai, đầu gối thúc thẳng vào xương sống. Hai chân Sáu Cây vừa chạm đất thì hai bàn tay như gọng kìm bấu chặt vào hai quai hàm kẻ địch, vặn mạnh. Tên lính hơi rướn người lên rồi xuôi xị, nặng trĩu dưới tay Sáu Cây. Ông buông tay, hắn đổ xuống như thân gỗ mục. Nhìn Phượng ngồi dưới đất với nét mặt kinh hãi, ông nhảy lại bế xốc cô lên, chạy ra cái hầm mà Tám Hoàng đã chỉ cho ông phòng khi bất trắc. Bên tai ông, tiếng súng vẫn nổ chát chúa ở những khu vườn bên cạnh…

Ngày mai trời sẽ sáng ảnh 1

Trong căn hầm ẩm thấp, Sáu Cây nghĩ đến sự sống và cái chết, nghĩ đến kiếp người. Kiếp dân đen trong thời chiến tranh loạn lạc đôi khi không bằng con giun, con dế. Con dế còn có hang sâu trú ẩn, chứ dân đen thì… Võ nghệ tuyệt luân như ông cũng không thể đương đầu với súng đạn nếu bất ngờ nắp hầm bên trên bị bật lên. Võ nghệ như ông cũng đành giẫm chân kêu trời khi quả bom oan nghiệt cướp đi sinh mạng của vợ con, để lại mình ông trong cuộc đời này. Cái cuộc đời chứa trong lòng nó bi thương và uất hận, rền rĩ tiếng đạn bom mà ông đã đi qua gần bốn mươi năm. Ông chợt nhớ đến Tám Hoàng vào ngày được phép xuất sư…

“Anh định làm gì, anh Sáu?”. Tám Hoàng hỏi, ông đáp: “Anh sẽ làm thầy. Anh muốn đem sở học của mình chữa lành những nỗi đau cho mọi người, giúp những người yếu đuối trở nên mạnh mẽ để tự bảo vệ mình”. “Anh nghĩ rất tốt. Nhưng mình không thể giúp hàng triệu người bị hiếp đáp bằng cách ấy. Chắc có...”, Tám Hoàng bỏ lửng câu nói, nhìn ông đăm đăm. Ông hỏi: “Có lẽ thế nào?”. “Chắc em phải theo kháng chiến thôi anh ạ. Anh đi với em nhé?”. Ông đã từ chối lời đề nghị của Tám Hoàng vì ông ghét chiến tranh, ghét phải chịu sự sai khiến của những người mà ngoài khẩu súng trên tay thì chẳng có gì để ông kiêng nể. Mà ông học nghề võ, học nghề thuốc là để cứu người…

Tiếng nói lào xào và tiếng gọi Phượng bên trên kéo Sáu Cây về với thực tại. Ông đẩy nắp hầm, ôm Phượng nhún chân nhảy lên, gọi lớn:

- Bà con ơi! Bác cháu tôi ở đây!

Sáu Cây bàng hoàng khi mái tranh nhà Tám Hoàng đã biến mất. Ngôi nhà chỉ còn trơ lại bốn vách đất đang ngút khói. Thi thể vợ chồng Tám Hoàng chỉ còn biết được qua mùi khét và ruột đổ ra ngoài, trắng hếu. Một nỗi thương tâm và căm phẫn trào dâng trong lòng Sáu Cây. Trong cuộc đời giang hồ nay đây, mai đó kể từ khi vợ con chết hết, ông đã từng chứng kiến nhiều cảnh thương tâm, nhưng giết người rồi ném vào lửa thì ông mới thấy ngày hôm nay.

* *

*

Xin nghỉ phép được một ngày, trung sĩ Khánh lái chiếc Jeep chạy bạt mạng về nơi mà giới lính tráng như ông gọi là “xứ sở của thần chết”. Nơi mà mỗi khi về thăm vợ con, người ta chào hỏi đấy nhưng cứ một điều trung sĩ, hai điều trung sĩ, đến như cha vợ ông cũng gọi ông là trung sĩ. Người ta không chịu hiểu cho ông chỉ là một thằng lính cần vụ lái xe. Nếu không vì cha vợ dọa từ con, ông đã đưa vợ con vào thành phố sống. Để vợ con ở quê, ông tạm thời tin, với cái mác trung sĩ và bộ đồ lính cũng làm cho tụi xã ấp và bọn lính đóng chốt kiêng dè. Nhưng với những thằng Đại Hàn mí lót và tụi Mẽo mắt xanh, mũi lõ thì không biết đâu mà lường. Nhà ông đây rồi! Lạy trời! Mái tôn vẫn còn nhưng sao lắm người thế này?

Khánh nhảy xuống xe, phóng những bước dài vào nhà trước những ánh mắt đang chăm chú nhìn vào ông, đáp lại cái gật đầu của ông bằng sự im lặng. Câu nói của ai đó phá vỡ cái không khí đang đóng lại thành băng: “Nuôi con trắng da, dài tóc để gả cho thứ rước giặc về giết mình. Thật vô phúc!”.

Trước mặt Khánh, một người nằm xuôi tay trên chõng tre, quay đầu ra cửa, mặt được che bằng một tờ giấy trắng cùng ba miếng trứng và ba vắt cơm để trên đầu. Vợ ông ôm chầm lấy ông, tức tưởi. Ông buột miệng hỏi điều làm ông lo lắng nhất:

- Con đâu?

- Con vừa chạy sang nhà chị Ba.

- Bây giờ tính sao đây, ông trung sĩ?

Khánh quay lại nhìn người vừa hỏi. Tư Dung, chị vợ ông. Ông thấy những hoa nắng đậu trên người chị vợ. Ngước nhìn lên, ông thấy mái tôn thủng lỗ chỗ như một cái rây. Giọng Tư Dung chì chiết:

- Dượng đi lính phụng sự chính nghĩa quốc gia mà quốc gia lại giết cha vợ dượng. May mà, em, cháu tôi đi vắng, chớ ở nhà thì còn đâu để dượng nghe được tiếng vợ con.

Khánh nhìn khắp nhà. Vách đất bị đạn bắn thủng lỗ chỗ, bàn, ghế, tủ, giường thủng toét từng mảng. Ánh mắt ông dừng lại trên thi thể cha vợ. Bất giác, ông rùng mình. Một sự căm phẫn chớm dậy rồi bùng lên mãnh liệt, khiến ông nắm chặt hai tay, gầm lên: “Quân khốn nạn! Quân giết người!”.

Giọng Tư Dung vẫn không buông tha:

- Dượng hét lên thì ích gì? Có làm cho cha tôi sống dậy được đâu! Bây giờ, dượng mới biết chúng là quân giết người à?

Trung sĩ Khánh thấy chán nản cùng cực. Ông bước lại ngồi trên chiếc ghế dài đối diện với Tư Dung. Thật là oan gia! Nói năng thế nào đây khi lũ quỷ đã gieo món nợ máu với gia đình ông? Một ông anh vợ kháng Pháp rồi đi tập kết ra Bắc, một người em vợ nhảy núi theo Việt cộng, một người chị vợ đang chì chiết ông đây, không chừng cũng là Việt cộng ngầm thì một người lính như ông liệu chiếm được bao nhiêu phần trăm tình cảm gia đình? Phải chi, cuộc đời để ông được tự do chọn màu áo tinh tươm của người thầy giáo thay cho màu áo lính oan nghiệt này!

* *

*

Trận càn khốc liệt đi qua để lại nỗi bi thương bàng bạc ở một miền quê đã lắm đau thương vì chiến tranh. Mười sáu ngôi mộ vàng hoe đất mới là chứng tích của tội ác với thời gian. Sự tàn bạo đã gây sốc, tạo nên hai luồng tâm lý khác nhau trong lòng dân làng. Đa số càng thêm căm thù giặc, còn một số ít như Năm Kiều - vợ trung sĩ Khánh thì nỗi sợ đã lên đến đỉnh điểm. Tang ma cho cha xong, Năm Kiều nói với hai chị gái:

- Đến nước này thì em mong hai chị thông cảm cho em. Em phải theo ảnh, chứ ở đây, nếu hai đứa nhỏ có bề gì, chắc em không sống nổi.

Ba Hạnh nhướng mắt nhìn em gái rồi chăm chú vào việc têm trầu. Têm xong miếng trầu cho vào miệng, Ba Hạnh xoay người tựa hông vào thành bàn. Chị nhón một chút thuốc vo giữa hai đầu ngón tay rồi gác cùi chỏ lên bàn làm điểm tựa, hé môi lăn viên thuốc vo tròn lên hai hàm răng, nói:

- Con Năm nó nói vậy. Con Tư, mày nghĩ sao?

Tư Dung đang ngồi bên này bàn đối diện với Ba Hạnh, liếc ánh mắt sắc như dao cau về phía Năm Kiều đang ôm con tựa lưng vào thành gường, nói:

- Có gì đâu mà nghĩ. Khi còn ông già thì còn có người giữ chân nó lại, chứ bây giờ, ông già mất rồi thì ai giữ nổi.

- Chị Tư hiểu cho em. Em sợ lắm. Chị không có con nên chị không hiểu…

Tư Dung quay hẳn người đối diện với Năm Kiều, cắt ngang lời em gái:

- Ừ! Thì tôi xấu số nên không có con. Mấy người tốt số nên có hạnh phúc. Tôi không có con nhưng tôi không phản lại gia đình mình. Mấy người nên hiểu vì sao ông già chết. Vậy mà, khi còn sống, ông già thương nhất nhà. Thương còn hơn cả thằng Sáu, thằng Bảy!

- Thôi, tôi can hai người. Chị em gì mà xáp lại là như hai gái lấy một chồng - Ba Hạnh khom người lấy bô nhổ cổ trầu vào, rồi nói tiếp

- Cùng là chị em một nhà, con Tư nên thông cảm cho con Năm. Phận gái có chồng thì phải theo chồng. Tao thấy chồng con Năm không phải là đứa xấu bụng. Cũng may là nó chưa cầm súng gây nợ máu. Con Năm, mày lựa lời khuyên chồng. Như hiện tại thì chị em tao còn chịu được, chứ như bọn lính kia thì đừng vác mặt về đây nữa.

- Hứ… Chị thì cứ bênh vợ chồng nó!

Tư Dung nói xong, co hai chân để lên ghế, hai tay bắt tréo các ngón vào nhau, choàng qua hai đầu gối, ưỡn thẳng người nhìn ra sân. Trông chị thật mặn mà với chiếc áo bà ba bó sát người. Vậy mà, người phụ nữ có khuôn mặt và vóc dáng làm mềm lòng người này lại chịu cảnh đơn chiếc. Người yêu đầu tiên thoát ly rồi hy sinh. Thời gian vừa đủ để nguôi ngoai thì chị chớm cảm tình với anh giáo Khánh, nhưng anh chàng lại nặng lòng với cô em Năm Kiều nổi tiếng xinh nhất làng. Lính tráng và con nhà giàu hách dịch thì cha chị chẳng chịu mà chị cũng chẳng ưa. Còn những chàng con nhà “môn đăng, hộ đối” thì cái duyên nói năng không đủ tiêu chuẩn để làm con tim còn trống chỗ của chị rung động. Rồi thời gian mài sắc lưỡi dao vô tình, mỗi ngày gọt bớt sự dịu dàng, nữ tính, nâng chị lên thành hàng gái già, luôn câu chấp, gắt gỏng với mọi người…

Nhưng cuối cùng thì Năm Kiều cũng không bỏ quê theo chồng. Khánh nói với chị:

- Anh nghĩ lại rồi. Cha mới mất. Bây giờ, chị em ly tán không nên. Ở đây, em còn có các chị. Theo anh, việc nhà binh anh đi về thất thường, khổ cho em.

Vốn tính hiền lành nên tuy sợ, Năm Kiều vẫn nghe theo lời chồng.

Rồi gia đình chị em Ba Hạnh lại đón một cái tang mới: Bảy Kha, em trai út chết trận. Quan tài phủ cờ quốc gia đưa về.

* *

*

Trung sĩ Khánh nhận lệnh của sếp là ngài “Chi khu phó” chở một sĩ quan từ “xứ sở của thần chết” vào thị xã. Nhìn người sĩ quan, Khánh thấy như đã gặp một đôi lần. Khi xong nhiệm vụ, Khánh mới nhớ ra: Sáu Cây! Ông đã gặp Sáu Cây ở nhà chị vợ khi bất ngờ về thăm nhà. Nhưng ông ta là một võ sư, một thầy thuốc sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ kia mà. Sao lại là sĩ quan? Ôi dào! Cuộc chiến này, thật giả, giả thật biết đâu mà lường. Khôn ngoan nhất là im lặng và quan sát.

Tháng 4/1975. Đêm trước ngày thị xã giải phóng, Khánh nhận được mật lệnh dùng xe Jeep đón một số cán bộ cách mạng về một địa điểm để họp. Người nhận mật khẩu và giao nhiệm vụ lần này là Sáu Cây. Cả hai đều ngạc nhiên. Nhưng bất ngờ lớn nhất là khi cuộc họp triển khai, ngài “Chi khu phó” là một Việt cộng cấp cao! Và người bấy lâu giao nhiệm vụ cho Khánh (cả chỉ thị không được đưa vợ theo về thành phố) là Sáu Luân, em ruột Năm Kiều. Khánh thấy mình quá bé nhỏ trước tổ chức. Lòng càng thêm tin tưởng cách mạng.

Khánh trong bộ đồ thường phục, lái xe Jeep cắm cờ mặt trận, chở Sáu Luân và ngài “Chi khu phó” về thăm nhà.

Trước những người phụ nữ, ngài “Chi khu phó” đến thẳng bàn thờ thắp nhang, quỳ lạy rồi nấc lên. Những giọt nước mắt cứ tuôn tràn trên hai bàn tay úp trên nền đất lạnh. Mấy chị em nhìn nhau. Sáu Luân nói, giọng nghèn nghẹn:

- Chị Ba, chị Tư, chị Năm, anh Năm biết ai đó không?… Bảy Kha đó! Ngài “Chi khu phó” chỉ ở cách nhà mình gần bốn mươi cây số mà cha chết không về lạy được đó, các chị ơi!

Bảy Kha đứng dậy, quệt ống tay áo lau nước mắt, giọng nghẹn ngào:

- Em xin lỗi các chị. Em chỉ mong có ngày hôm nay, được lạy cha cho thỏa nguyện…

Tư Dung cắt ngang lời Bảy Kha:

- Có thật là mày không hả Bảy? Còn cái quan tài đưa về? Cái xác… Mà đúng thật là mày rồi! Cái ánh mắt… Mà sao mặt biến dạng thế này hả em?

Tư Dung bước tới, đưa tay sờ lên khuôn mặt sần sùi của Bảy Kha. Nước mắt chị đã lăn dài trên má. Bảy Kha nắm bàn tay chị, xúc động nói:

- Chuyện dài lắm chị ạ, em sẽ kể sau. Chỉ biết vì lợi ích cho cuộc kháng chiến nên phải vậy.

Sáu Luân nhìn cảnh hai chị em, lòng cũng nao nao. Nhà có ba anh em trai đều thoát ly kháng chiến. Hai chị gái thì có chồng. Cha già nhờ một tay chị chăm lo. Tính chị bộc trực, có phần đanh đá nhưng lại tình cảm nhất nhà. Chỉ tội cho chị, duyên phận long đong. Sáu Luân chợt nảy ra ý định vun vén cho chị. Anh cười nói:

- Xem kìa, ngày vui đoàn tụ thì phải cười lên chứ! Mà chị Tư đừng ác cảm với anh Năm nữa nha. Ảnh đi lính là do tổ chức phân công đó. Mà chị biết ảnh đến với cách mạng là do ai giác ngộ không? Là Tám Hoàng - em đồng môn với Sáu Cây đó.

- Còn Sáu Cây? – Tư Dung buột miệng hỏi.

- Là biệt động thành, hoạt động đa tuyến. Em sẽ không gọi là anh Sáu mà gọi là anh Tư nha, chị Tư?

Tư Dung liếc em trai rất nhanh rồi cúi mặt, hai má rựng đỏ, mấy ngón tay mân mê chéo áo. Trông chị thẹn thùng cứ như một cô gái mới lớn. Tình yêu thật lạ!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast