Trăm năm tươi mãi bút thần...

Trong hội họa thế giới, có rất nhiều tên tuổi họa sỹ tài hoa gắn với nhiều trường phái, xu hướng nghệ thuật đã để lại cho hậu thế những kiệt tác bất hủ. Trong thế giới ấy, Hà Tĩnh tự hào có danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984) – được coi là người đặt nền móng cho tranh lụa Việt Nam hiện đại. Tranh của ông được kết hợp giữa thủ pháp tạo hình phương Tây với bản sắc văn hóa Việt Nam nên dù màu sắc không lộng lẫy vẫn có sức lay động hồn người.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh danh họa Nguyễn Phan Chánh (21/7/1892 – 21/7/2012)

Sinh ra và lớn lên bên dòng Tân Giang (lúc bấy giờ thuộc xã Trung Tiết – huyện Thạch Hà), tuổi nhỏ Nguyễn Phan Chánh đã sớm được học chữ Nho và bộc lộ thiên tài về hội họa. Cha mất sớm, năm 10 tuổi ông được mẹ cho đi theo họa sỹ lang thang để kiếm tiền phụ giúp mẹ, những hiểu biết về hội họa, niềm say mê với những mảng màu, sự biến hóa của từng đường cọ bắt đầu từ đó. Và dường như nét tươi sáng của làng quê, cái thơ mộng của những sinh hoạt thường nhật và sự mềm mại của dòng sông uốn quanh ngôi nhà ông ở suốt những năm tháng tuổi thơ đã kiến tạo nên tâm hồn của một nghệ sỹ. Để sau này, khi học mỹ thuật, trải qua nhiều tìm tòi, thử nghiệm trên các chất liệu, trường phái, cuối cùng Nguyễn Phan Chánh lại tìm ra cho mình một phong cách riêng – tranh lụa. Ông đã khéo léo vận dụng thủ pháp tạo hình phương Tây với chất liệu đậm chất Á Đông, từ đó tạo dựng cho mình một phong cách hội họa bác học theo tinh thần của thời đại mới mà vẫn bám sâu gốc rễ vào nguồn mạch văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó chính là điều khiến giới mỹ thuật phải nghiêng lòng ngưỡng mộ. Và tài năng đó đã được khẳng định vào 1931, khi bức “Chơi ô ăn quan” và một số bức khác đã được đưa đi triển lãm tại Pari và nhận được sự yêu thích của giới hội họa. Tên tuổi của Nguyễn Phan Chánh cùng dòng tranh lụa Việt Nam cũng được tạo dựng từ đó.

"Bức tranh chơi ô ăn quan" nổi tiếng của danh họa Nguyễn Phan Chánh

"Bức tranh chơi ô ăn quan" nổi tiếng của danh họa Nguyễn Phan Chánh

Trong một bài thơ mừng danh họa Nguyễn Phan Chánh tròn 80 tuổi, nhà thơ Tố Hữu hầu như đã mang đến cái nhìn khá khái quát về tranh lụa cũng như tâm hồn nghệ sỹ của danh họa Nguyễn Phan Chánh: “…Nâu sồng mà lại nên tranh yêu đời/ Trăm năm đẹp mãi tình người/ Trăng lu trăng tỏ càng tươi bút thần/ Phải chăng lòng sạch bụi trần/ Mát trong làn nước, trắng ngần làn da”. Phải, danh họa Nguyễn Phan Chánh sinh ra ở một vùng nông thôn nghèo và tranh của ông chủ yếu cũng phản ánh đời sống ấy. Màu sắc chủ đạo trong phần lớn các bức tranh của ông là nâu sồng, vàng đất nhưng lại phản ánh vẻ đẹp sáng trong, thơ mộng, yên bình của làng quê. Giữa cảnh đời nhiêu u uất, với tâm hồn “sạch bụi trần”, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã tìm ra được vẻ đẹp thực chất của nông thôn để ca ngợi. Hầu hết tranh của ông đều tươi trẻ trong một tâm hồn đầy cảm xúc. Những bức tranh như “chơi ô ăn quan”, “Chơi chim”, “chơi cá”, “rửa rau”, “ra đồng”, “đi chợ”, “rạng ngày cho con bú”, “chiều về tắm cho con”, “trăng lu”, “trăng tỏ” … đều phản ánh nét đẹp bình dị trong sinh hoạt làng quê đồng thời phản ánh sự tinh tế trong tâm hồn nghệ sỹ. Sau này, trong kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy có thay đổi về bút pháp nhưng tranh của ông vẫn phản ánh nhiều về những sinh hoạt ở nông thôn. Những bức tranh như “đắp đê”, “đi chống hạn”, “bữa cơm mùa thắng lợi”, “sau giờ trực chiến”…đã khẳng định sự kiên định với phong cách đã chọn của ông.

Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh bên dòng Tân Giang

Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh bên dòng Tân Giang

Không giống với những chất liệu tranh khác, với tranh lụa đòi hỏi người sáng tạo phải có độ lắng của cảm xúc, phải nghiêm cẩn, tỉ mỉ, cầu kỳ trong việc tạo bố cục, trong từng nét cọ, trong cách tạo loang. Với những yêu cầu đó, Nguyễn Phan Chánh được đánh giá là bậc thầy về lĩnh vực này. “Trong không khí dịu dàng xen với con mắt không ham đời mà cũng không chán, êm ả tìm tòi vẻ thư thái, mơ hồ của những việc chậm rãi và lặng lẽ của những người quê”, Nguyễn Phan Chánh đã vẽ nên những bức tranh nền nã với những gam màu nâu đen, vàng đất, xám nhẹ trên nền lụa mềm mại. Sự kết hợp hài hòa của phương Tây và phương Đông trong tranh Nguyễn Phan Chánh đã mang đến những tác phẩm vừa diễn tả vừa gợi tả. Dòng chảy dân tộc âm thầm chảy trong tranh đã tạo nên một phong cách nghệ thuật Nguyễn Phan Chánh trữ tình, độc đáo. Và một điều độc đáo, phản ánh tài năng và tâm tư Nguyễn Phan Chánh là trong tất cả các sáng tác của ông đều có một bài thơ viết kiểu chữ Thảo rất đẹp bên cạnh. Thơ, họa và thư pháp luôn song hành cùng nhau, hỗ trợ và tôn lên vẻ đẹp của nhau trong mỗi bức tranh của ông.

Suốt hơn 90 năm sống giữa cõi đời, bằng tâm tư hiền hòa, nhân hậu, bằng tài năng hội họa kiệt xuất, Nguyễn Phan Chánh đã để lại hơn 170 tác phẩm, trong đó hơn 1/3 được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một số tranh của ông bị hỏng gần đây cũng đã được các họa sỹ Nhật Bản phục chế thành công. Điều đó khẳng định sự ngưỡng vọng của hậu thế đối với phong cách hội họa đặc biệt của ông.

Sáng nay, một buổi sớm mùa hè trong trẻo, tôi đến thăm nhà lưu niệm danh họa bên dòng Tân Giang hiền hòa. Những cảnh sinh hoạt làng quê yên bình và gần gũi trong tranh của ông không còn nữa thay vào đó là những nhộn nhịp của phố thị. Tranh của ông thành ra lại là dấu tích về một thôn quê bình dị, yên ả, thơ mộng và là một lời nhắc nhở về tình người cho thế hệ muôn sau.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast