UBND tỉnh cho ý kiến về đề án phát triển sản xuất và nguồn vốn xây dựng nông thôn mới xã Gia Phố

Sáng 18 - 6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ chủ trì cuộc họp để nghe xã Gia Phố (Hương Khê) - xã điểm nông thôn mới của trung ương - báo cáo đề án phát triển sản xuất giai đoạn 2010 - 2015 và nguồn vốn bố trí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2011.

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế những năm qua, giai đoạn 2010 - 2015, xã Gia Phố xác định: trong nông nghiệp sẽ xây dựng các vùng chuyên canh lúa cho năng suất cao (trên 10 tấn/ha/năm), vùng chuyên màu, vùng trồng rau chất lượng cao, vùng sản xuất giống lúa, đồng thời đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, kinh tế trang trại, gia trại; trong CN - TTCN, Gia Phố dự kiến mở rộng vùng sản xuất vật liệu xây dựng, hình thành khu sản xuất tập trung với nòng cốt là nghề mộc và cơ khí, phát triển các điểm dịch vụ buôn bán lẻ trên các tuyến chính dẫn đến trung tâm cụm xã, phát triển du lịch sinh thái tại các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ kết luận cuộc họp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ kết luận cuộc họp

Theo đó, giải pháp mà Gia Phố đưa ra là đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất lần 2, kiên cố hóa kênh mương, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho nhân dân; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất - kinh doanh được thuê đất, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các khu tiểu thủ công nghiệp - làng nghề...

Về nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo các tiêu chí nông thôn mới gồm 10 nội dung (quy hoạch, phát triển kinh tế, giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, môi trường, nhà ở dân cư và các hoạt động khác) là 148,4 tỷ đồng, trong đó: vốn trung ương hỗ trợ xã điểm nông thôn mới 30 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 4,8 tỷ đồng, vốn góp từ cộng đồng 33,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép các dự án 68 tỷ đồng, vốn tín dụng và trái phiếu chính phủ 11,8 tỷ đồng.

Kết luận cuộc họp, PCT TT UBND tỉnh Trần Minh Kỳ cho rằng, đề án phát triển kinh tế của xã Gia Phố vẫn còn chung chung, một số điểm trong phát triển sản xuất nông nghiệp không phù hợp như vấn đề sản xuất giống lúa; trong CN - TTCN, chưa thấy các ngành nghề mới có khả năng cạnh tranh cao.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Sở Công thương phối hợp với địa phương để soát xét lại các mục tiêu, giải pháp nhằm đảm bảo đề án có tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện; phần việc này phải kết thúc trước ngày 30 - 6.

Về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, ngoài 30 tỷ đồng trung ương hỗ trợ, trước mắt địa phương chỉ có thể triển khai thêm 70 tỷ đồng từ các chương trình, dự án lồng ghép đã được ghi vốn trong năm 2010; theo đó, Sở KH - ĐT và Sở Tài chính cần giúp địa phương lên danh mục đầu tư và bố trí kinh phí để thực hiện.

Các Sở, ngành liên quan, tùy theo lĩnh vực của mình có trách nhiệm lồng ghép các chương trình, dự án thuộc ngành để giúp địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng khang trang, hiện đại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast