Lồng lộng dưới trời thu.

Ai cũng có một miền quê và miền quê ấy luôn ghi đậm trong tâm can những nỗi niềm thương nhớ. Cũng có khi đi xa mà hờn dỗi nhớ về quê như thuở còn bị mẹ đánh đòn. Lại có khi trực diện như sáng thu này đứng dưới trời quê mà giật mình ngó lên thăm thẳm cao xanh ...

Tuỳ bút

Đồng quê. Ảnh: Đình Thông
Đồng quê. Ảnh: Đình Thông

Sao mà trời cao đến thế, xanh đến thế! Gíó cứ thổi mơn man thịt da câu hát mẹ ru năm nào. Mẹ đã đi xa mãi mà gió cứ thăm thẳm xanh trên đầu. Gíó mùa thu. Lồng lộng dưới trời thu là cờ đỏ sao vàng rợp trời rợp đất một ngã ba quê. Ngã ba Nghèn của tôi.

Tôi cứ ngờ ngợ cái màu xanh chị Phương Thuý dành cho quê mình: trời mô xanh bằng trời Can Lộc. Tôi vừa có chuyến vào Tây nguyên với các nhà văn Hà Tĩnh và đã thấy cái màu xanh ngút ngát cả một giải dài đất nước. Rồi đứng trên chót vót đèo Ngang không theo đường hầm để thấy cái màu xanh nguyên thuỷ trên đầu. Lại tiếp liền mấy bữa theo Trung tâm Xúc tiến –Quảng bá Văn hoá Hà Tĩnh từ đèo Con ra Thiên Cầm, Thạch Hải, một mạch đi ra Bến Thuỷ, Xuân Thành. Chị Thuý ơi, cả Hà Tĩnh quê mình, vào Thu này ở đâu trời cũng xanh ngằn ngặt như thế, nào có riêng chi Can Lộc mà chị nói trời mô xanh bằng …Hẳn là chị đã có nặng tình riêng với quê mình, một miền quê anh dũng, một ngã ba cũng cực kỳ anh dũng. Một tình riêng với người anh hùng, với giọt nước sông La. Để rồi qua giai điệu bậc thầy của người làm nhạc mà thơ chị ở lại với đời bằng khúc ví von không ai cãi được này. Chút thiên vị đáng yêu bởi chị là người quê mình, người xứ Nghệ.

Vàng đen. Ảnh: Đình Thắng
Vàng đen. Ảnh: Đình Thắng

Chị cũng như tôi và muôn vàn người khác, ai cũng có một miền quê và miền quê ấy luôn ghi đậm trong tâm can. Và, do vậy nếu có vì quê hương mà nói lời yêu cao lên chín bậc thì chín bậc tình yêu là một thực thể trên đời. Ai nỡ trách cứ một tình yêu đẹp, huống hồ là tình yêu quê hương!

Còn nhớ một ngày thu năm 2001, tôi và các đồng nghiệp ra Hà Nội phỏng vấn các giáo sư Sử học để làm phim kỷ niệm 170 năm ngày thành lập tỉnh. Phim Huyền thoại núi Hồng. Phim cần sự đánh giá của một giáo sư Sử học giai đoạn cận đại thì không ai hơn là Giáo sư Đinh Xuân Lâm. Ông là Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sử học đầu ngành, lại là người con của quê hương Hà Tĩnh. Tôi nhớ mãi hình ảnh vị Giáo sư già tóc trắng như bông đứng dưới nắng thu trong xanh Hà Nội. Bạn tôi, phóng viên quay phim, muốn để Giáo sư đứng ngược sáng để có được đường ven như ý. Anh mê mái tóc bồng bềnh như mây của vị giáo sư, mê cái cốt cách của người nói chuyện ngày xưa nên cứ loay hoay tìm nơi đặt máy. Mãi rồi anh cũng chọn xong. Và tôi đã bị mê hoặc bởi khung cảnh thần tiên giữa một ngày hiện đại của Thủ đô.

Dưới bầu trời cao xanh vời vợi ngày thu tháng Tám tôi thanh thản một niềm tin. Tin về sự hiển lộ một vùng tài nguyên khoáng sản. Hiển lộ khối sức mạnh của cần lao. Cũng như tôi từng tin nước mô xanh bằng nước sông La khi mình đã hiểu ra răng là trong là đục …khi tình yêu quê hương đang đối diện với lồng lộng trời Thu.

Dưới lồng lộng trời thu Hà Nội, dưới đám mây thăm thẳm cao xanh, trong nắng vàng rực rỡ của ngày Lập nước, với từng sợi tóc đang phát sáng trên đầu, vị Giáo sư già như người của cõi tiên đang nói về quê hương Hà Tĩnh. Về một trăm bảy mươi năm trước, về những ngày chưa xa. Về cái ngày Hà Tĩnh cùng các địa phương trong cả nước trong một mùa thu Tháng Tám đã vùng lên giành lấy Chính quyền về tay nhân dân. Mà lại vùng lên sớm hơn nhiều địa phương, trước mốc 19 tháng 8 năm 1945 lịch sử. Năm bắt đầu của chính thể Dân chủ Cộng hoà. Ông nói say sưa về những con người Hà Tĩnh. Những người lao động cần cù, những chiến binh dũng cảm. Những người học hành giỏi giang đỗ đạt. Người làm nghề cày ruộng, lại có người làm nghề can vua, Ngự sử Đô đài . (Chỉ riêng người Hà Tĩnh phát về nghề này. Nhiều bậc đại khoa cư dân của núi Hồng làm nghề này. Từ Bùi Cầm Hổ, Phan đình Phùng tới Phan Huân và nhiều vị nữa).

Buổi phỏng vấn ngoài trời hôm ấy thật dài, băng từ không ghi được hết nhưng trái tim tôi thì thì ghi trọn được mối tình. Mối tình của người con quê hương nói về quê hương. Những lời ngợi ca, những lời chính sử. Đã từng nghe nhiều những buổi thuyết trình của nhiều chính khách nhưng bài học về lịch sử Hà Tĩnh hôm ấy cứ ngọt ngào sâu đậm trong tôi một niềm thành kính. Về quê hương và những con người của quê hương.

Lại nhớ ngày đầu đánh Mỹ, trường sơ tán lên Thanh Lộc, lũ học trò Nghèn chúng tôi thường lội tắt qua hai làng: Xuân Liệu và Đa Cốc. Xuân liệu thì rõ là nghèo. Chẳng thế mà có câu ví: "Đất Đồng môn dệt vải, đất Cổ Đạm vắt nồi, Bố Chính vắt bình vôi, đất Xuân Liệu bầy tui, ra bắt nạm cáy hôi, về đâm đâm phơi phơi".. Vậy mà Đa Cốc lại còn nghèo hơn. Thi thoảng tạt vào nhà xin ngụm nước, bất ngờ gặp bữa người Đa Cốc ngồi ăn thấy cay cay nơi khoé mắt. Tôi làm bài thơ gửi báo Văn nghệ. Câu thơ học trò ngày đầu tập tọng còn nhớ mãi đến giờ:

Qua Đa cốc một xóm nghèo lặng lẽ. Người nơi đây như tre gộc khẳng khiu. Mái lá lều tranh phên nan trống trải, Ôm xóm làng một con lạch quạnh hiu. Đường vào thôn trũng vết chân trâu. Lối người đi tự ngàn xưa để lại. Vũng nước quanh nhà ung nhọt xưa hôi thối. Già trẻ gái trai hụp lặn giữa ao bèo …

Bài thơ còn dài nữa với bao cảnh khổ của người dân nơi đây. Tôi kêu về nỗi khổ của một làng từng mơ ước Đa Cốc, có được nhiều lúa nhiều khoai. Thơ gửi đi để ngày nào cũng phấp phỏng đợi. Rồi thư trả lời cũng đến. Nhà thơ từng trải Vĩnh Mai viết dài, không nỡ chê gay gắt nhưng có mấy câu kết làm tôi nhớ đời: "Em ơi, nhiều làng trên đất Việt ta còn khổ lắm, đâu riêng Hà Tĩnh, không cần kể lể thế. Chưa nghĩ được cách làm giàu thì em hãy nói lời yêu và giữ lấy niềm tin".

Những năm đầu tái lập tỉnh, tôi từng tin là Hà Tĩnh rồi sẽ khác xưa, dẫu có rầu lòng cho cảnh "khi đi trống dục cờ bay, khi về phố cũ mọc đầy cỏ hoang"(MHN). Chẳng phải tôi tài cán giỏi giang gì mà bởi tôi đang tự tập cho mình xây dựng một niềm tin. Bài học vỡ lòng đầu đời thơ phú đã dạy tôi biết kiên nhẫn chờ ngày sông Nghèn nước ngọt để vui cùng nhiều xã của hai huyện Can Lộc Thạch Hà từ nay hết cảnh không biết lấy đâu nước mà bơm cho lúa đang khô nỏ cháy nắng. Rồi hai bờ sông Nghèn sẽ thau chua rửa mặn, đất ngọt sẽ hiện hình. Làng Xuân liệu sẽ ít đi con cua con cáy, ít cả loài rươi và con cá nước lợ, nhưng bù lại sẽ là đồng làng không bao giờ còn nhuốm mặn. Lúa sẽ nhiều hơn, khoai cũng to củ hơn. Và, Đa Cốc thì thật là nhiều những thứ nuôi sống con người, trên cả những điều ước trong thơ con nít ngày nào.

Thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Ngọc Bảo
Thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Ngọc Bảo

Những năm gần đây khi kinh tế toàn cầu suy thoái tôi vẫn tin vào dự án tại cửa biển Kỳ Anh. Những 8 tỷ đồng Mỹ kim của người nước ngoài sẽ đầu tư vào Vũng Ang, một số vốn khổng lồ được rót vào đây. Một thế hệ và rất nhiều thế hệ của hai ông Nghè bắt đom đóm làm đèn học sẽ có nguồn sáng mới chói lói dãy Hoành Sơn, đất với người sẽ đổi đời thực sự. Cái nơi rốn bão túi gió lại hoá túi vàng với nhấp nhô những túi nhiều gang!

Và ngày khởi công dự án khai thác sắt Thạch Khê càng dày lên, giàu lên niềm tin vào một bước khởi đầu ngoạn mục. Sắt thép nằm sâu trong lòng đất lòng biển sẽ được kéo lên để Hà Tĩnh là thành phố Công nghiệp của cả Bắc miền Trung. Điều ước xưa nay chỉ gửi nơi ông Đùng, ông Khổng lồ trên ngàn Hống chỉ vừa đủ cho làng làng rèn Vân Chàng Trung Lương lấy sắt làm dao thì nay Thạch Khê sẽ cung cấp cho cả vùng Đông Nam Á. Và rồi sắt Thạch Khê sẽ còn đi xa.

Dưới bầu trời cao xanh vời vợi ngày thu tháng Tám tôi thanh thản một niềm tin. Tin về sự hiển lộ một vùng tài nguyên khoáng sản. Hiển lộ khối sức mạnh của cần lao. Cũng như tôi từng tin nước mô xanh bằng nước sông La khi mình đã hiểu ra răng là trong là đục …khi tình yêu quê hương đang đối diện với lồng lộng trời Thu.

Thu 2009.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast