Kỹ năng sống - hành trang cho sự phát triển toàn diện của trẻ

(Baohatinh.vn) - Kỹ năng sống là những kỹ năng cơ bản mà con người cần có để có cuộc sống khỏe mạnh, an toàn với chất lượng cao. Chính vì vậy, ngay từ lứa tuổi đầu đời, việc trang bị kỹ năng sống để định hướng phát triển nhân cách cho trẻ là hết sức cần thiết.

Để trẻ tự tin và chủ động

Nhịp sống hiện đại với sự bùng nổ công nghệ thông tin khiến giới trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận với những kiến thức đa chiều. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của những thông tin thiếu chọn lọc cũng đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ, lối sống của một bộ phận giới trẻ. Trong khi đó, việc giáo dục, trang bị kỹ năng cho trẻ trong gia đình, nhà trường và xã hội lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

ky nang song hanh trang cho su phat trien toan dien cua tre

Hình thành kỹ năng sống cho trẻ bắt đầu từ việc học các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Ảnh: Thế Công

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: “Một thực tế cho thấy, hầu hết các bố mẹ đều ý thức rõ vai trò của việc dạy con tự nhận thức nguy hiểm và bảo vệ bản thân nhưng không phải ai cũng có phương pháp đúng. Rất nhiều người nghiêm cấm con tiếp xúc với những gì gây nguy hiểm và rủi ro mà không chú trọng đến giáo dục trau dồi các kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ. Sự nghiêm cấm này nhiều khi phản tác dụng, dẫn đến việc con ngày càng tò mò và muốn khám phá hơn. Thế nên, để bảo vệ bản thân, trẻ em cần được rèn luyện các kỹ năng như: ứng xử với người lạ, sống có trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng làm việc nhóm và sự tự tin khi thể hiện mình…”.

Việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe mà còn giúp các em làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội.

Thông tin về các vụ bắt cóc, xâm hại hay những báo động về tai nạn, thương tích xảy ra với trẻ em thường xuyên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đang hướng sự quan tâm của toàn xã hội đến yêu cầu trang bị những kỹ năng để trẻ chủ động ứng phó, tự bảo vệ mình. Để đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh cho thế hệ tương lai, trước hết, trẻ cần được trang bị kỹ năng ứng xử với người lạ, giao tiếp xã hội, phòng tránh nguy hiểm…

Việc đồng hành cùng trẻ trong quá trình rèn luyện kỹ năng, đưa ra những lựa chọn khôn ngoan và khả năng độc lập trong cách sống bắt đầu bằng những điều đơn giản như: tự lựa chọn món ăn, đồ chơi hay sắc màu quần áo, giúp trẻ tự tin thể hiện mình… Bên cạnh đó, giáo dục trẻ sống hòa đồng, có tinh thần trách nhiệm, khả năng hoạt động nhóm… cũng là điều hết sức cần thiết.

ky nang song hanh trang cho su phat trien toan dien cua tre

Việc dạy cho trẻ biết quý trọng giá trị và thành quả lao động là hết sức quan trọng. Ảnh: Sỹ Ngọ

Trong cuộc sống hiện đại với sự đầy đủ về vật chất và sự bao bọc của cha mẹ, trẻ dễ hình thành tính dựa dẫm, thiếu tự lập và hay đòi hỏi. Vì thế, việc dạy con biết quý trọng giá trị của lao động và thành quả lao động là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, hướng con đến các hoạt động tạo ra giá trị vật chất bằng những việc nhỏ nhất như thu gom phế liệu, xây dựng quỹ tiết kiệm của mình và biết cách sử dụng nó một cách hiệu quả cũng là điều cần thiết để trẻ có thể độc lập ứng phó, chủ động xử lý các tình huống ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cần sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả

Nhiều năm trở lại đây, việc hình thành và phát triển kỹ năng sống cho học sinh cũng đã được ngành GD&ĐT quan tâm vào cuộc bằng việc hướng dẫn lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở bậc phổ thông; hoạt động trải nghiệm theo phương châm học mà chơi, chơi mà học ở bậc mầm non.

Cô Lưu Thị Phương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Sở GD&ĐT cho biết: “Hiện nay, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa được các trường học quan tâm, chú trọng để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, trẻ em phát triển trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, đồng thời, phát huy sự nhanh nhạy, khéo léo. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa còn giúp trẻ sống hòa đồng, gắn bó, đồng thời, phát triển tư duy và khả năng sáng tạo”.

ky nang song hanh trang cho su phat trien toan dien cua tre

Phương pháp học mà chơi, chơi mà học ở các trường mầm non góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển kỹ năng sống cho trẻ.

Dẫu vậy, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn bởi dung lượng các môn văn hóa quá lớn nên nhà trường ít có thời gian dành cho các chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể, thiết thực. Giáo dục kỹ năng sống chủ yếu được tích hợp trong các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, vì thế, về kiến thức, giáo viên có thể truyền đạt nhưng việc thực hành thao tác lại chưa có điều kiện thực hiện. Thực tế này đang thúc đẩy ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới theo hướng chú trọng hơn tới giáo dục kỹ năng cho học sinh.

Góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho thế hệ trẻ có sự vào cuộc của lực lượng đoàn viên các cấp như: tổ chức học kỳ quân đội, các hoạt động vui chơi dịp hè, mở các lớp dạy bơi... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những việc làm này mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của trẻ em. Thanh thiếu niên, nhi đồng cần có những sân chơi rộng lớn, phong phú hơn và các hoạt động vui chơi rèn luyện lành mạnh, bổ ích cần được lan tỏa sâu rộng, hiệu quả hơn tới mọi vùng miền.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ bắt đầu từ gia đình, bởi vậy, hơn hết, các bậc cha mẹ phải dành thời gian và trang bị cho mình những kiến thức, phương pháp giáo dục con cái một cách hiệu quả nhất. Sự quan tâm đó không chỉ là về vật chất nhằm giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, mà còn cần sự chăm sóc, dạy dỗ ân cần để trẻ có thể hình thành và phát triển kỹ năng sống một cách toàn diện. Ở trường học đầu tiên và thường xuyên nhất là gia đình, cha mẹ có thể rèn luyện cho con sự tự tin khi bày tỏ quan điểm, cảm xúc; tạo môi trường cho con rèn luyện khả năng giao tiếp; từng bước trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước các tình huống xảy ra trong cuộc sống...

Kỹ năng sống là mọi năng lực tâm lý, xã hội để một con người thực hiện các hành vi thích ứng, tích cực nhằm giải quyết hiệu quả các yêu cầu, thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ tương lai đang đòi hỏi sự quan tâm thỏa đáng và hiệu quả hơn nữa của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast