Sàn giao dịch việc làm - điểm hẹn tin cậy của người lao động

Phiên giao dịch việc làm tại sàn GDVL Hà Tĩnh lần thứ 8 có sự tham gia của 35 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và gần 500 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), lao động tham gia sáng 15-3. Đây là cơ hội tìm kiếm, tư vấn, định hướng việc làm cho ĐVTN và người lao động trong toàn tỉnh.

Cơ hội việc làm

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong buổi sáng, phần lớn thanh niên không ngừng “sưu tập” các tờ rơi tuyển dụng của các công ty, hỏi về mức lương, chế độ ưu đãi... để tìm hiểu các vị trí phù hợp. Các bàn đăng ký tuyển dụng luôn chật kín người lao động tìm kiếm thông tin. Anh Nguyễn Văn Ước - đoàn viên xã Kỳ Long (Kỳ Anh) cho biết: “Tôi tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng 3 năm nay. Tôi đến đây để tìm hiểu các chỉ tiêu tuyển dụng của các công ty cho mình và cho những người bạn của tôi. Có thể thông qua phiên giao dịch lần này tôi sẽ tìm được một công việc phù hợp với tay nghề của mình cũng như tư vấn cho bạn bè tôi trong tìm kiếm việc làm”.

Các đại biểu tham quan sàn GDVL

Lê Văn Thước (Sơn Thịnh – Hương Sơn) biết đến Sàn GDVL đã khá lâu thông qua những người bạn từng được tuyển dụng tại sàn. Ngày hội việc làm được Tỉnh đoàn và Sở LĐTBXH tổ chức chính là cơ hội cho anh và nhiều ĐVTN khác trong tỉnh tìm kiếm việc làm mới sau khi thôi việc tại một công ty dày da tại TP.HCM.

Bà Trương Thị Ánh Ngà – Giám đốc Công ty Honda Phú Tài cho biết: “Chúng tôi cần tuyển trên 10 lao động trình độ từ cao đẳng đến đại học. Trong phiên giao dịch này, nếu phỏng vấn đáp ứng yêu cầu là chúng tôi sẽ tuyển ngay.”

Còn anh Nguyễn Thanh Bình - Phụ trách nhân sự của Công ty CP dệt may Nam Định cho biết, từ sáng, anh mới chỉ hẹn 10 lao động đến Công ty phỏng vấn để tuyển dụng vào vị trí công nhân. Nói chung, khá nhiều người đến đây đang học các trường nghề, đến với phiên chủ yếu là để tìm hiểu cơ hội việc làm.

Đến 16h30 cùng ngày, tổng số lao động tham gia phiên giao dịch ước tính khoảng 500 người, trong đó 147 lao động tham gia phỏng vấn. Số lao động được tuyển trực tiếp tại sàn là 65 người.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, cho biết: “Hàng năm, số người bước vào độ tuổi lao động của tỉnh khoảng 25 ngàn người, lao động thiếu việc làm ước khoảng 77 nghìn người. Vì vậy, những phiên giao dịch với sự phối hợp giữa Tỉnh đoàn và Sở LĐTBXH như thế này là rất thiết thực. Thông qua Ngày hội việc làm, không những ĐVTN, người lao động tiếp cận được việc làm mới mà còn định hướng nghề nghiệp cho những thế hệ kế cận.”

Định hướng nghề nghiệp

Anh Hà Văn Hùng – Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, xho biết, thông qua ngày hội việc làm, Ban tổ chức sẽ định hướng nghề nghiệp cho 25- 30% đoàn viên là học sinh cuối cấp phổ thông để làm nòng cốt cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT, GDTX, giúp học sinh lựa chọn hướng đi sau phổ thông phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu xã hội. Các cấp bộ đoàn huy động học sinh các cơ sở đoàn tham gia cùng với cán bộ Đoàn chủ chốt ở các xã trực tiếp tham dự các hoạt động giới thiệu, tìm hiểu yêu cầu nhân lực xã hội….

ĐVTN và người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm

Ngày hội có sự tham gia trực tiếp của các trường đào tạo với nhu cầu các ngành ngắn hạn như hàn điện, khai thác mỏ hầm lò, đồ hoạ hay một số nghề dài hạn như cao đẳng luyện thép, cao đẳng điện công nghiệp, cao đẳng du lịch… Tham gia Ngày hội việc làm, các học sinh sẽ được giới thiệu về các ngành nghề đào tạo, sản xuất của các cơ sở; quy mô, mục tiêu, nội dung đào tạo ngành nghề; địa chỉ việc làm sau tốt nghiệp và yêu cầu về nhân lực của các nhà tuyển dụng; ngành nghề sản xuất chính, mức lương và các ưu đãi, điều kiện lao động….

Ngày hội cũng đã tổ chức tư vấn, định hướng học nghề, xin việc, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với nguyên vọng, năng lực của học sinh cũng như nhu cầu của nhà tuyển dụng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast