Tết này, làng trồng mai duy nhất Hà Tĩnh "trúng đậm"

(Baohatinh.vn) - Năm nay đầu mùa nhiều nắng, rét đến muộn nên mai Kỳ Nam (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ra hoa đúng dịp Tết. Thời điểm này, nhiều hộ trồng đã bán được phân nửa sản phẩm...

Tết này, làng trồng mai duy nhất Hà Tĩnh “trúng đậm”

Mai Kỳ Nam ra hoa đúng dịp tết

Vườn mai của ông Nguyễn Viết Xuân ở thôn Tân Thành là khu vườn trồng mai ở Kỳ Nam đầu tiên được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu. Gần 800m2 đất được chủ vườn phủ kín bằng hơn 400 cây với nhiều độ tuổi. Trong số đó, mỗi năm, ông chọn bán được hơn 50 gốc, thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng tùy vào giá thị trường.

Tết này, làng trồng mai duy nhất Hà Tĩnh “trúng đậm”

Vườn mai của ông Nguyễn Viết Xuân đã đạt tiêu chí vườn mẫu

Dịp tết Kỷ Hợi, ông Xuân đã xuất được 20 gốc, vài chục gốc còn lại cũng đã có người hỏi, khoảng 1 tuần nữa là bán. Phần lớn cây trong vườn ở khoảng 3 - 5 năm tuổi, có giá bán khoảng vài triệu đồng/gốc, một số cây từ 5 - 8 năm tuổi bán được từ 5 - 10 triệu đồng.

“20 năm nay, tôi đã gắn bó với cây trồng này và xác định đây là loại cây chủ lực của kinh tế gia đình. Năm 2016, được sự hỗ trợ, động viên của địa phương, tôi đã đầu tư quy hoạch lại khu vườn và lắp đặt hệ thống bét tưới tự động. Khu vườn đã được công nhận vườn mẫu, tuy nhiên trận bão lớn năm 2017 đã phá hỏng các thiết bị, cây trồng cũng chịu ảnh hưởng rất lớn. Phải mất gần 1 năm khu vườn mới dần được khôi phục” - ông Xuân chia sẻ.

Tết này, làng trồng mai duy nhất Hà Tĩnh “trúng đậm”

Những cây mai có giá bán khá cao ở vườn của ông Nguyễn Kim Nam

Khu vườn của ông Nguyễn Kim Nam ở xóm Tân Tiến dù diện tích nhỏ hơn nhưng lại có những sản phẩm khá "độc". Đây là những cây mai đã có thế khá đẹp được ông Nam “nuôi” nhiều năm, hoặc là những cây cổ thụ ở các khu vườn lẻ được “săn” về chăm sóc và bán với giá khá cao.

Tết năm nay, ông Nam đã xuất bán cây mai giá đến 20 triệu đồng và hiện trong vườn còn vài chục cây mức giá 10 - 15 triệu đồng.

Tết này, làng trồng mai duy nhất Hà Tĩnh “trúng đậm”

Cây mai cổ thụ này vừa được mang về, chăm sóc để năm sau bán với giá cao

Theo trao đổi của những người có nhiều kinh nghiệm trồng mai tết, cây mai không quá khó tính nhưng đòi hỏi người trồng phải cần mẫn, theo dõi sát để nắm bắt sớm và phòng trừ các loại sâu bệnh.

Điều quan trọng là người chủ vườn đúc kết kinh nghiệm, biết cách dựa vào tình hình thời tiết và nhìn vào sự phát triển của mỗi cây mai để chọn thời điểm bứt lá một cách phù hợp. Công đoạn này nếu được thực hiện chính xác, cộng với yếu tố thời tiết không có diễn biến bất thường sẽ giúp hoa nở đúng dịp tết, quyết định mùa trồng mai thắng lợi.

Tết này, làng trồng mai duy nhất Hà Tĩnh “trúng đậm”

Người giỏi nghề trồng mai phải nắm bắt được thời điểm bứt lá nào phù hợp nhất đối với mỗi cây để cho hoa nở đúng dịp tết

Trồng mai là nghề truyền thống của Kỳ Nam và những mùa mai tết nhiều năm qua đã mang đến thu nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ dân ở mảnh đất nghèo khó nằm dưới chân Đèo Ngang. Hiện toàn xã có khoảng gần 40 hộ trồng mai, trong đó gần 10 vườn mai lâu năm, cho thu nhập 50 - 10 triệu đồng mỗi mùa thu hoạch tết. Các khu vườn khác mới phát triển, nhân rộng trong những năm gần đây sau khi thị xã Kỳ Anh và huyện có chính sách hỗ trợ người trồng.

Tết này, làng trồng mai duy nhất Hà Tĩnh “trúng đậm”

Nhiều vườn mai mới đang được ươm trồng, nhân rộng ở xã Kỳ Nam

Bà Bùi Thị Bình - thôn Minh Tiến cho biết, thực tế cho thấy ở vùng đất này không có cây trồng nào hiệu quả hơn cây mai. Vì vậy, chúng tôi đang dần phủ kín diện tích khu vườn với hơn dăm trăm gốc. Hy vọng, ít năm nữa vườn mai sẽ trở thành nguồn thu nhập chủ lực của gia đình.

“Riêng trong năm 2018, Kỳ Nam phát triển mới được 10 vườn mai quy mô hàng trăm cây/ vườn. Về lâu dài, số lượng sản phẩm mai cung cấp cho thị trường tết sẽ tăng lên đáng kể. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ thuật trồng, tạo thế cho cây mai, đồng thời xây dựng thương hiệu, làm tốt việc quảng bá, kết nối thị trường để phát huy lợi thế của cây trồng truyền thống, giúp người dân nâng cao thu nhập”, Chủ tịch Hội Nông dân Kỳ Nam cho biết.

Chủ đề Chào năm mới 2020

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast